Ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ em ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Khoa, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2005) xuống còn 10 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2021). So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ một ca đẻ có một ca phá thai. Hiện nay, 10 ca đẻ mới có một ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400.000 ca (năm 2010) xuống dưới 200.000 ca (2019).
Báo cáo thống kê chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng cho thấy tỷ lệ mang thai vị thành niên và phá thai ở lứa tuổi này đều có xu hướng giảm.
Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2005) xuống còn 10 ca trên 100 trẻ đẻ sống (2021). Ảnh: Publimetro. |
Cụ thể, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên giảm từ hơn 62.000 ca năm 2010 (2,9%) xuống còn 55.000 ca năm 2019 (2,4%). Tỷ lệ phá thai của vị thành niên cũng giảm từ xấp xỉ 9.100 ca (2,2%) xuống còn 2.300 ca (1,3%) từ năm 2010 đến 2019.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định dù giảm nhưng con số này vẫn ở mức cao.
Về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, số liệu đến năm 2021 cho thấy tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%. Tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, đến năm 2019 con số này còn 46 ca).
Ông Khoa cũng cho hay hiện tại các phòng khám tư nhân, còn một số trường hợp phá thai quá tuổi thai quy định và trong điều kiện vô khuẩn chưa đảm bảo, dẫn tới tai biến. Bên cạnh đó, chúng ta chưa thu thập được số liệu thống kê tỷ lệ phá thai tại các cơ sở tư nhân.
Theo các chuyên gia, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Tăng cường giáo dục giới tính toàn diện trong nhà trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thầy cô giáo và cha mẹ.
Các đơn vị, tổ chức cần triển khai chương trình cung cấp biện pháp tránh thai, phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục cho thanh niên trẻ, mở rộng dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên. Triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động trẻ khu công nghiệp.