Ngày 24/4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số” nhằm thảo luận, cung cấp, trao đổi thông tin về dự báo việc làm, xu hướng đào tạo nghề, nhu cầu của thị trường lao động và hướng nghiệp.
Chương trình nhằm giúp học sinh có thông tin trong việc lựa chọn ngành nghề, trường đào tạo, khoa đào tạo… phù hợp cá nhân, nhu cầu xã hội từ đó tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: VOV. |
Cần có tri thức cao để làm chủ cuộc cách mạng số
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ số vào tất cả lĩnh vực của các tổ chức, doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, thậm chí là mô hình truyền thống sẽ chuyển sang các mô hình số như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, giáo dục số.
Các trường đại học cũng sẽ phát triển dần thành đại học số. Vậy việc làm sao để dựa trên những ứng dụng mới như vậy thì rõ ràng phải thay đổi phương thức điều hành cũng như lựa chọn trong tương lai.
Quá trình chuyển đổi số cũng sẽ làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế. Để có thể làm chủ cuộc cách mạng số, càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại, cập nhật, để tránh bị lạc hậu và tụt lại trong cuộc cách mạng thông tin này.
Bà Thủy cũng thẳng thắn cho rằng tiếp cận đại học của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực, chưa nói đến trên toàn thế giới. Ngay trong khu vực châu Á, tỷ lệ sinh viên nhập học đại học trên 1 vạn dân của Việt Nam còn thấp.
Từ năm 2005, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singrapore, Thái Lan, Malaysia có tỷ lệ sinh viên nhập học lên hàng trăm sinh viên/10.000 dân.
Cụ thể, Hàn Quốc là 300-600 sinh viên nhập học/10.000 dân. Trong khi đó, Việt Nam đến nay nếu chỉ tính sinh viên đại học là 185 sinh viên/10.000 dân, tính cả cao đẳng thì 200 sinh viên nhập học/10.000 dân.
“Việt Nam đang đi sau các nước những mười mấy, 20 năm. Việc mở rộng quy mô học đại học, cao đẳng là cần thiết. Các em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng mới. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đầu tư cũng rất đúng hướng, từ giảng viên đến cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế hội nhập với thế giới để các em có thể lựa chọn, từ đó khuyến khích người dân tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chúng ta cần hiểu rằng không được ngại học, học tập là quá trình suốt đời, mỗi phút tri thức sẽ nhân lên rất nhiều lần. Vậy thì, các em THPT khi đứng trước ngưỡng cửa lớn của mình, phải hiểu rằng học tập cả đời, nhưng còn lựa chọn ngành nghề như thế nào để lĩnh vực mình đóng góp không bị lạc hậu trong tương lai như công nghệ thông tin, vật liệu mới công nghệ sinh học”, bà Thủy nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng nói như vậy, không có nghĩa chỉ khuyến khích thí sinh đăng ký vào những lĩnh vực nêu trên. Bởi lẽ, để đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần đầu tư rất nhiều vào kinh tế địa phương, kinh tế vùng, phát triển các lĩnh vực về nông nghiệp...
Bất cứ ngành nghề nào cũng có thể ứng dụng kiến thức vào chuyển đổi số. Do đó, phụ huynh, học sinh cho đến các nhà trường phải đầu tư thỏa đáng, thích đáng cho tương lai của con em mình và có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: VOV. |
Cơ hội trong hướng nghiệp từ chuyển đổi số
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số không phải vấn đề của riêng Việt Nam, mà của toàn thế giới và là xu hướng tất yếu, tích cực.
Theo bà Hoa, hơn 30 năm qua, chúng ta vẫn loay hoay về việc làm sao để định hướng, phân luồng các học sinh phổ thông để lựa chọn nghề nghiệp đúng. Bởi, bên cạnh việc tính toán về chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu tuyển dụng, còn phải có thêm chính sách thu hút người học ở một số ngành nghề đặc thù.
"Một yếu tố rất quan trọng là cần chú ý nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng và có sự lựa chọn phù hợp khả năng của bản thân và đáp ứng được sự đa dạng ngành nghề của thị trường lao động. Tôi cho rằng công nghệ số sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn, giải quyết tốt hơn vấn đề này”, bà Hoa cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy nhiều cơ hội lớn được hình thành và tác động bởi chuyển đổi số, trong đó có việc định hướng nghề nghiệp học sinh phổ thông.
Trong quá trình chuyển đổi công nghệ số sẽ có sự thay đổi rất lớn trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp. Hiện, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có những kế hoạch cụ thể nhằm quản lý và hình thành hệ thống dữ liệu lớn về nghề nghiệp. Đây sẽ là kênh phong phú để học sinh và phụ huynh tiếp cận.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng sẽ dẫn đến sự đổi mới về cách dạy, đào tạo nghề hiện nay. Nếu đi theo cách truyền thống, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chắc chắn sẽ có. Nhưng hiện nay, chúng ta tiếp cận đổi mới đào tạo theo xu hướng chuyển đổi công nghệ số là một trong những điểm sẽ có tác động tích cực tới học sinh, để các em tự tin hơn khi lựa chọn vào trường nghề.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới, tiếp cận theo xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp học sinh và phụ huynh nắm bắt, lựa chọn được những ngành nghề có sự ổn định và thu nhập cao hơn.
Đặc biệt, nhờ nền tảng của công nghệ số sẽ thay đổi cách thức truyền thông tới học sinh, tạo ra nhiều kênh truyền thông và truyền thông liên tục để chương trình giáo dục phổ thông có lồng ghép nội dung định hướng nghề nghiệp.