Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tỷ lệ trẻ hở môi - vòm miệng của nước ta cao bậc nhất thế giới

Tỷ lệ trẻ khe hở môi - vòm miệng tại Việt Nam khoảng 1-2/1.000 trẻ, tương đương với các nước có tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á và trên thế giới.

Phụ huynh đưa con tới khám tại chương trình. Ảnh: Phương Anh.

Tại chương trình điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi - vòm miệng do Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phối hợp tổ chức ngày 22/3, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc bệnh viện, cho hay gần đây cơ sở y tế này đã phẫu thuật thành công ca bệnh hở hàm ếch rất phức tạp.

Bệnh nhi 13 tháng tuổi (ở Lào Cai), sinh ra với khe hở chéo mặt bên trái và khe hở môi, vòm miệng toàn bộ hai bên.

Do có khe hở chéo mặt cộng với khe hở môi và vòm miệng lớn nên bệnh nhi ăn uống rất khó khăn. Dị tật này còn khiến bệnh nhi bị lộn kết mạc, nhắm mắt không kín, gây nguy cơ viêm, khô giác - kết mạc.

khe ho moi vom mieng anh 1

Bệnh nhi 13 tuổi được phẫu thuật khe hở chéo mặt bên trái và khe hở môi, vòm miệng toàn bộ hai bên. Ảnh: BVCC.

Ca phẫu thuật được tiến hành với mục tiêu đóng kín khe hở chéo mặt, che kín mắt trái giúp bảo tồn mắt trái, tạo hình môi hai bên giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Sau 4 giờ thực hiện, ê-kíp phẫu thuật đã tạo hình được môi hai bên, cánh mũi trái, đưa được mí dưới trái về đúng vị trí giải phẫu, nhắm mở được mắt trái. Mọi chi phí phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cho ca bệnh này đều được miễn.

Theo PGS.TS Trần Cao Bính, hở môi, vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt của trẻ. Mỗi ngày trên thế giới có trung bình 550 trẻ em không may mắn ra đời bị dị tật bẩm sinh.

Nguyên nhân gây hở môi - vòm miệng

Ông cũng cho hay tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Huyền, khoa Nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, tỷ lệ trẻ khe hở môi - vòm miệng tại Việt Nam khoảng 1-2/1.000 trẻ, tương đương với các nước có tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á và trên thế giới. Con số này ở Mỹ là 0,18-1,67/1.000 trẻ sinh ra.

Nguyên nhân có thể từ khi mang thai, người mẹ bị nhiễm virus (nhất là virus cúm), nhiễm khuẩn, dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm xạ trong và trước mang thai, nhiễm chất độc hóa học (hóa chất công nghiệp, nông nghiệp).

Ngoài ra, người mẹ khi mang thai bị căng thẳng, chấn thương tâm lý, điều kiện sống thấp, thiếu thốn, chế độ dinh dưỡng có thể khiến con bị khe hở môi - vòm miệng. Những yếu tố về di truyền (15-20% trẻ bị dị tật do di truyền từ thế hệ trước), cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi, tình trạng không hoàn chỉnh của tế bào sinh dục, chủng tộc cũng là nguyên nhân dị tật này.

PGS Trần Cao Bính cho hay dị tật này xuất hiện khi các bộ phận của môi hoặc vòm miệng và mũi không hợp nhất lại với nhau trong quá trình phát triển phôi thai. Trẻ không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời, cuộc đời của các bé có thể sẽ rất khác do những tổn thương về thể chất và tinh thần.

Việc phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ giúp các bé phục hồi chức năng bú, nhai-cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này. Nhiều trẻ sau khi được phẫu thuật, điều trị toàn diện đã có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành những trẻ bình thường, công dân có ích cho xã hội.

Cha mẹ sốc khi thấy con có dị tật

Theo thạc sĩ, bác sĩ nội trú Hoàng Thị Hương, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, nhiều cha mẹ bị sốc, tổn thương khi thấy con có dị tật bẩm sinh. Không ít trẻ được đưa đến bệnh viện khám bởi ông bà, chú, dì mà không phải cha mẹ.

Đây cũng là một trong những lý do khiến trẻ được điều trị muộn do gia đình tự ti, mặc cảm, đặc biệt các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Trẻ mắc dị tật này không được can thiệp sớm dễ bị suy dinh dưỡng do không thể bú mẹ như trẻ bình thường, thức ăn lên mũi, sặc, dễ trớ.

Ngoài ra, trẻ còn thường bị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidan… lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung và tác động xấu lên thính giác của trẻ.

"Trẻ được can thiệp sớm sẽ được hướng dẫn dùng khí cụ, dinh dưỡng đảm bảo hơn, đủ điều kiện để phẫu thuật. Những trẻ được đến khám ngay sau khi sinh, được can thiệp sớm thường có tiên lượng tốt. Phẫu thuật khe hở môi cho trẻ được khuyến cáo nên thực hiện khi được 3-4 tháng tuổi, nặng 5 kg trở lên".

khe ho moi vom mieng anh 2

Bác sĩ Hoàng Thị Hương thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Phương Anh.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, độ tuổi nào cũng được tiếp nhận phẫu thuật miễn phí, dù bạn 40 tuổi.

"Một số gia đình không có điều kiện cho con dùng khí cụ, chỉ có thể dùng dán môi, giúp giảm bớt khe hở, trẻ có thể bú được mạnh hơn. Tôi cũng phải thỏa hiệp với bệnh nhân, chỉ dán môi thôi cũng được, còn hơn là không làm gì", TS.BS Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ.

Bác sĩ Huyền cũng cho rằng một trong những khó khăn khi điều trị là không ít bệnh nhân chỉ muốn bác sĩ nước ngoài phẫu thuật, ảnh hưởng không tốt tới thời gian can thiệp của trẻ. Tuy nhiên, việc phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.

"Người ta hay nói 'trăm hay không bằng tay quen', có thể bác sĩ nước ngoài đó từng phẫu thuật rất ít các trường hợp bị dị tật khe hở môi - vòm miệng trong cuộc đời họ. Trong khi đó, các bác sĩ của Việt Nam phải phẫu thuật thường xuyên, tay nghề sẽ tốt hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên yên tâm điều trị, đưa con tới khám kịp thời", bác sĩ Huyền nói.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.

Bé trai ở Nghệ An tử vong sau khi bị chó dại cắn

Bệnh nhi không được tiêm phòng vaccine dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm