Trước khi sáng lập Amazon, Jeff Bezos (hiện giàu nhất thế giới) kết hôn với Mackenzie. Họ có 3 cậu con trai, con trai cả là Prezton (18 tuổi), và nhận nuôi một bé gái người Trung Quốc.
Vợ chồng nhà Bezos coi nuôi dạy con cái là nhiệm vụ trọng tâm, hướng đám trẻ thành những người tháo vát, tự lập, tài năng thay vì tạo ra những cậu ấm cô chiêu chỉ biết hưởng thụ cuộc sống sang chảnh từ tiền của người cha tỷ phú.
Cho con nghịch dao, đồ điện từ nhỏ
“Tôi thà rằng con mình chỉ có 9 ngón tay còn hơn để chúng trở thành những đứa trẻ không có tài cán gì”, Mackenzie tâm niệm.
Vợ chồng tỷ phú Bezos chú trọng việc nuôi dạy con. Ảnh: Getty Images. |
Bản thân Jeff Bezos cũng rất tâm đắc với câu nói của vợ và coi đây là phương châm nuôi dạy con thống nhất giữa hai vợ chồng.
Họ để con sử dụng dao sắc, nhọn từ năm 4 tuổi và bắt đầu dùng đồ điện khi khoảng 7, 8 tuổi. Điều này trái ngược hoàn toàn với tâm lý của phần lớn phụ huynh, muốn bảo vệ, căn dặn con nhỏ tránh xa nguy hiểm.
Jeff Bezos lý giải điều này dạy trẻ dám mạo hiểm và tự học cách xoay xở trong mọi tình huống. Đây là hai chìa khóa quan trọng để thành công trong cuộc sống cũng như kinh doanh.
Ngoài ra, ông đặc biệt coi trọng khả năng xoay xở, tính tháo vát. Bản thân ông học kỹ năng này từ nhỏ và muốn những đứa con đang trong độ tuổi trưởng thành cũng vậy.
Trước năm 16 tuổi, chàng thiếu niên Jeff luôn nghỉ hè tại nông trại của ông nội. Trong khoảng thời gian đó, Jeff hỗ trợ ông nội làm mọi thứ thay vì gọi thợ. Họ cùng nhau sửa những máy móc hạng nặng, chăm đàn gia súc và hoàn thiện một ngôi nhà.
“Ông không biết làm nhiều thứ nhưng luôn tự mày mò đến khi hiểu cách làm mới thôi. Thời nhỏ, tôi được chứng kiến ông tự giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống”, tỷ phú Mỹ kể.
Người đàn ông giàu nhất thế giới nói thêm việc rèn luyện khả năng xoay xở từ nhỏ giúp ông rất nhiều trong công việc, đặc biệt khi ông liên tục thất bại rồi lại sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm trong quá trình gây dựng Amazon.
Tinh thần này được thể hiện rõ trong bức thư Jeff Bezos gửi các cổ đông năm 1997. “Nếu chỉ có 10% cơ hội nhận lợi nhuận gấp 100 lần, chúng ta vẫn sẽ liều mình”, ông viết.
Từ nhỏ, Jeff Bezos đã tự rèn luyện cho mình khả năng giải quyết vấn đề. Ảnh: Biography. |
Trước khi thành công với Amazon Marketplace - nền tảng cho bên bán hàng thứ 3, đồng thời chiếm khoảng 50% số hàng được bán trên Amazon - Bezos nếm mùi thất bại với Amazon Auctions và Z-shops. Ông không bỏ cuộc, kiên trì đến lúc tìm ra giải pháp bán hàng mang lại lợi nhuận lớn cho công ty.
Với Bezos, những vấn đề, thất bại gặp phải trong sự nghiệp là cơ hội để rèn luyện và chứng tỏ tài xoay xở của bản thân.
Đó chính là lý do ông sẵn sàng cho con mình ra khỏi vùng an toàn để học cách đối mặt khó khăn, thất bại, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và kiên trì đến thắng lợi cuối cùng dù cái giá phải trả có thể khá đau đớn.
Học Toán kiểu Singapore và tiếng Trung
Jeff Bezos là người khá kín tiếng về đời tư. Ông và vợ hiếm khi nói về con cái. Nhưng những người thân quen đều biết nhà Bezos quan tâm con nhiều đến mức nào.
Hàng ngày, cả nhà cùng nhau ăn sáng. Đến tận năm 2013, khi đã là tiểu thuyết gia nổi tiếng, Mackenzie vẫn tự lái xe đưa 4 đứa con đi học.
Vợ chồng nhà Bezos chú trọng dạy con phát triển toàn diện. Ảnh: Wire. |
Trong một buổi phỏng vấn với Vogue, bà chia sẻ hai vợ chồng thiên về dạy con tự học và đã thử rất nhiều cách, bao gồm cho bọn trẻ du lịch vào mùa vắng khách, thử nghiệm khoa học với các món ăn, ấp trứng gà… Trong đó, họ đánh giá cao việc cho trẻ học tiếng Trung và Toán theo phương pháp của Singapore.
Việc cho con học tiếng Trung đang là xu hướng trong giới nhà giàu Mỹ. Học ngoại ngữ giúp trẻ phát triển trí não, tăng khả năng tập trung và họ lựa chọn tiếng Trung vì đây là ngôn ngữ có nhiều người sử dụng nhất. Bên cạnh đó, Trung Quốc được dự báo là trung tâm phát triển của thế giới.
Vì thế, nhà Bezos cũng như các tỷ phú khác chọn tiếng Trung làm môn học cần thiết cho con, giúp thế hệ sau chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn cạnh tranh kế tiếp.
Về phần phương pháp học Toán kiểu Singapore, người giàu nhất thế giới chọn nó sau khi kiểu học này chứng minh hiệu quả với việc Singapore dẫn đầu thế giới về kết quả đánh giá học sinh do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện.
Với phương pháp này, học sinh được tiếp cận kiến thức, khái niệm trước khi thực hành. Ngoài ra, giáo viên cũng không chia nhóm học sinh dựa trên khả năng tiếp thu. Thay vào đó, cả lớp cùng học, làm chung dạng, số lượng bài tập.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cách dạy Toán phổ biến ở Mỹ. Jeff Bezos hy vọng phương pháp phổ biến tại các nước phương Đông có thể giúp con ông phát triển tài năng Toán học cũng như rèn luyện khả năng tư duy linh hoạt.
Ngoài ra, ông cũng cho con tham gia các câu lạc bộ và chơi thể thao cùng trẻ em hàng xóm.