Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tỷ phú Mỹ chi cả gia tài để 'vơ vét' nhân tài của đại học danh tiếng

Loạt tỷ phú Mỹ sẵn sàng chi cả trăm triệu USD để chiêu mộ giảng viên, nhà nghiên cứu của trường đại học - những người đang bất mãn vì lương thấp, thủ tục hành chính quá rườm rà.

nghien cuu khoa hoc anh 1

Trong một phòng thí nghiệm "tầm thường" đặt gần khuôn viên Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, một nhóm các nhà khoa học đang cần mẫn tìm kiếm loại thuốc tiếp theo với giá trị lên đến hàng tỷ USD.

Nhóm nhà khoa học này được một số gia đình giàu có nhất trong giới kinh doanh Mỹ tài trợ 500 triệu USD. Động thái này của các gia đình tỷ phú tạo ra cơn chấn động trong giới học thuật vì họ đưa ra mức lương 7 chữ số để thu hút các giáo sư đại học danh tiếng từ các trường đại học nổi tiếng.

Chi tiền lớn cho mục đích rất lớn

Trên danh nghĩa, các tỷ phú chi tiền chiêu mộ nhân tài của trường đại học với mục đích là "tránh để thủ tục giấy tờ làm chậm con đường nghiên cứu khoa học truyền thống tại các trường đại học và công ty dược phẩm".

Ngoài ra, họ cũng muốn tìm ra những loại thuốc mới như thuốc điều trị bệnh ung thư và bệnh não, từ đó đẩy nhanh tiến độ sản xuất và bán thuốc.

Rất nhiều cựu học giả thành lập công ty công nghệ sinh học với hy vọng làm giàu nhờ một phát hiện, nghiên cứu mới. Và họ thường đặt cho mình những cái tên, hoặc sứ mệnh nghe rất "kêu" để thu hút nhà tài trợ.

Lấy ví dụ với nhóm nhà khoa học được tải trợ 500 triệu USD, họ đặt cho mình cái tên rất khoa trương là Arena BioWorks.

Ông trùm công nghệ Michael Dell - Giám đốc điều hành của công ty máy tính Dell - là một trong những người tài trợ số tiền "khủng"cho Arena BioWorks. Những tỷ phú khác bao gồm người thừa kế thương hiệu Subway và chủ sở hữu của Boston Celtics cũng rót vốn cho thương vụ này.

"Tôi không hối tiếc khi đầu tư tiền cho nhóm khoa học, động lực để tôi đầu tư cho nhóm đó cũng đâu phải điều gì xấu", ông Michael Dell nói với New York Times.

nghien cuu khoa hoc anh 2

Trụ sở nghiên cứu "tầm thường" của Arena BioWorks ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, vấn đề là trong nhiều thập kỷ qua, những khám phá, nghiên cứu mới về thuốc bắt nguồn từ phòng nghiên cứu của các trường đại học và giúp tạo ra khoản lợi nhuận lớn có ích cho tổ chức.

Ví dụ, Đại học Pennsylvania cho biết họ kiếm được hàng trăm triệu USD cho việc nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 mRNA. Nhờ mô hình "phòng nghiên cứu của trường đại học", mọi khoản tiền thu được sẽ được giữ bí mật.

Thất vọng về trường nên muốn "ra riêng"

Arena BioWorks đã bắt đầu "lén lút" hoạt động kể từ đầu mùa thu 2023, trước khi những tranh cãi bài Do Thái nổ ra ở khuôn viên Đại học Harvard.

Các nhà nghiên cứu thất vọng vì danh tiếng của trường bị ảnh hưởng, nhưng đó chỉ là một phần nguyên nhân nhỏ. Nguyên nhân chính khiến họ quyết định "ra riêng" là thất vọng với sự chậm chạp và tắc nghẽn của những thủ tục hành chính ở trường.

Lương thưởng cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tài rời đi. Tiến sĩ, bác sĩ J. Keith Joung là một trong số đó. Trước khi làm việc cho Arena, ông Joung từng làm việc cho Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (bệnh viện trực thuộc trường Y Harvard) nhưng ông được bệnh viện trả cho mức lương "tệ kinh khủng".

"Trước đây, người ta coi chuyện nhảy việc từ trường đại học qua doanh nghiệp là một thất bại. Nhưng giờ quan niệm này bị đảo lộn", ông Joung nói.

Về phần nhóm nghiên cứu Arena BioWorks, động lực để họ "ra riêng" liên quan vấn đề nghiên cứu khoa học, tài chính và thậm chí cảm xúc cũng là yếu tố tác động.

nghien cuu khoa hoc anh 3

Ông Stephen Pagliuca tài trợ hàng chục triệu cho Đại học Duke và Đại học Harvard nhưng ông nhận thấy điều đó không mang lại nhiều giá trị cho mình. Ảnh: New York Times.

Ý tưởng thành lập nhóm nghiên cứu này nảy sinh từ năm 2021 tại một biệt thự ở bang Texas. Tại đây, ông Michael Dell cùng với nhà đầu tư James W. Breyer và chủ sở hữu Boston Celtics - ông Stephen Pagliuca, đã bàn về việc kêu gọi tài trợ ở các trường đại học.

Ông Stephen Pagliuca đã quyên góp hàng chục triệu USD cho trường cũ của ông là Đại học Duke và Đại học Harvard, phần lớn tiền đều dành cho khoa học.

Tài trợ một khoản tiền lớn giúp ông Pagliuca có được một chiếc ghế trong ban cố vấn của trường. Nhưng dần dần, ông nhận ra số tiền mình đầu tư cho trường không mang lại giá trị gì cho bản thân, ngoại trừ việc ông được đề tên trên vài tấm bảng bên ngoài các tòa nhà.

Vài tháng sau lần nói chuyện ở Texas, 3 tỷ phú đã hợp tác với nhà đầu tư mạo hiểm, cũng là bác sĩ y khoa Thomas Cahill để lên ý tưởng cho một kế hoạch.

Bác sĩ Cahill nói ông sẽ giúp các tỷ phú tìm kiếm những nhà khoa học đang chán nản và sẵn sàng từ bỏ vị trí ở trường đại học. Đồng thời, ông cũng sẽ tìm đến các nhà khoa học từ những công ty dược phẩm như Pfizer.

Mục đích của việc chiêu mộ người tài từ các công ty dược phẩm là giúp các nhà nghiên cứu tránh được nguy cơ phải chia lợi nhuận quá lớn cho công ty.

Theo đó, các tỷ phú đầu tư cho nhóm nghiên cứu Arena BioWorks cam kết họ chỉ nhận 30%, còn lại sẽ chia cho các nhà nghiên cứu và thanh toán những chi phí chung.

Chi tiền kéo người tài không phải chuyện mới

New York Times nêu rằng đầu tư khoa học vì lợi nhuận không phải chuyện mới. Nhất là tại Mỹ, ngành công nghiệp dược phẩm trị giá cả nghìn tỷ USD đưa ra hàng loạt bằng chứng cho vấn đề này.

Ví dụ, tỷ phú Jeff Bezos và Peter Thiel đã đổ hàng trăm triệu USD vào các công ty khởi nghiệp với mục đích tìm ra phương pháp kéo dài tuổi thọ của con người. Theo đó, hàng loạt công ty dược phẩm cũng tìm cách "tấn công" các trường đại học để tìm người tài.

nghien cuu khoa hoc anh 4

Bên trong trụ sở nghiên cứu của Arena BioWorks. Ảnh: New York Times.

Kéo người tài của trường đại học về doanh nghiệp tư nhân không khó, nhất là trong bối cảnh nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì công tác nghiên cứu của mình gặp loạt rào cản từ thủ tục hành chính của trường và chính phủ.

Hiện nay, tại Mỹ, phần lớn thuốc có nguồn gốc từ trợ cấp của chính phủ hoặc từ trường đại học, hoặc kết hợp cả hai bên.

Theo tạp chí khoa học PNAS, từ năm 2010 đến năm 2016, tất cả thuốc trong số 210 loại được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt đều có liên quan đơn vị nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia tài trợ.

Mô hình này mang lại lợi thế lâu dài vì các trường đại học có nguồn cung về trợ lý nghiên cứu gần như là vô hạn. Họ được trả mức lương khá thấp để giúp các nhà khoa học nghiên cứu trong giai đoạn đầu. Những loại thuốc nổi tiếng, mang tính đột phá như penicillin cũng ra đời từ mô hình này.

Tuy nhiên, vấn đề là các nhà khoa học và nhà nghiên cứu nói rằng họ có thể phải chờ hàng năm trời mới được nhà trường cho phép tiến hành nghiên cứu. Các trường đặt ra quy định này để sàng lọc những đề xuất phi thực tế và bảo vệ an toàn.

Khi nhà trường phê duyệt, ý tưởng ban đầu lại trở nên "lỗi thời", khiến các nhà nghiên cứu cũng gặp khó trong việc nộp đơn xin tài trợ mới vì ý tưởng cũ sẽ rất khó tạo sức thuyết phục.

Tiến sĩ Stuart Schreiber, nhà nghiên cứu lâu năm của Đại học Harvard, hiện đã nghỉ việc để trở thành nhân sự "cứng" của Arena BioWorks, cho biết những ý tưởng khác biệt của ông hiếm khi được nhà trường ủng hộ.

"Ý tưởng cứ bị ngăn cản nhiều đến mức tôi nhận ra cách duy nhất để nhận được tài trợ là đăng ký nghiên cứu một thứ đã từng được thực hiện", ông Schreiber tâm sự.

Đại học lúng túng vì để mất nhân tài

Tiến sĩ Schreiber là nhà nghiên cứu sinh học hóa học đi đầu trong những lĩnh vực như xét nghiệp DNA. Nhờ sự ra đi dứt khoát của ông, khoảng 100 nhà nghiên cứu khác cũng quyết định gia nhập Arena BioWorks. Hiện, phía Đại học Harvard chưa đưa ra phản hồi vì sự rời đi của tiến sĩ Schreiber và những người khác.

Các nhà nghiên cứu của Arena BioWorks hầu như rời đi trong bí mật. Tiến sĩ J. Keith Joung rời Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vào năm 2023 nhưng ông không cho đồng nghiệp biết ông sẽ đi đâu, một số đồng nghiệp còn nghĩ ông mắc bệnh nan y.

Người tài rời đi trong âm thầm, các trường đại học cũng âm thầm có những hành động đe dọa. Bác sĩ Thomas Cahill cho biết một số nhà nghiên cứu ông chiêu mộ đã bị trường đại học vô hiệu hóa quyền truy cập email. Những người này cũng bị dọa kiện nếu kéo thêm đồng nghiệp khác gia nhập nhóm nghiên cứu.

Hiện, nhóm nghiên cứu Arena BioWorks có 5 nhà tài trợ, mỗi người đầu tư 100 triệu USD. Các tỷ phú hy vọng họ sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba số tiền trong các đợt đầu tư tiếp theo.

Những người chi tiền cho Arena khẳng định họ không có ý định cắt bỏ hoàn toàn việc tài trợ cho các trường đại học. Ông Pagliuca đề nghị thành lập phòng thí nghiệm ở Đại học Duke nhưng trường từ chối, còn ông Michael Dell vẫn là nhà tài trợ chính cho hệ thống bệnh viện thuộc Đại học Texas. Ngoài ra, ông Dell thuê thêm mặt bằng để làm phòng thí nghiệm thứ hai cho nhóm nghiên cứu Arena.

Về phía nhóm nghiên cứu Arena BioWorks, nhóm công khai mô tả mình là một tổ chức độc lập, nhận tài trợ tư nhân. Tiến sĩ Schreiber cho biết có thể họ sẽ mất thêm nhiều năm và thêm hàng tỷ USD tài trợ bổ sung để chắc chắn liệu nhóm có sản xuất được loại thuốc xứng đáng với số tiền tài trợ hay không. Ông không chắc mọi chuyện sẽ chuyển biến tốt hay xấu, nhưng vẫn rất đáng để thử.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Lý do cựu hiệu trưởng Harvard vẫn ở lại trường dù đã từ chức

Bà Claudine Gay rời khỏi vị trí hiệu trưởng Harvard nhưng được ở lại với vai trò giảng viên vì bà vẫn còn "nhiệm kỳ" tại trường và sẽ không bị đuổi khi chưa có lý do chính đáng.

Thái An

Bạn có thể quan tâm