Trong cuộc thăm dò của trang Fox Sports Asia vào cuối năm 2017 về việc ai là người nắm giữ chìa khóa thành công của bóng đá Myanmar, rất nhiều câu trả lời đã được nêu ra.
Có người gọi tên các ngôi sao trên sân cỏ như Aung Thu, Kyaw Ko Ko và Yan Aung Kyaw, hay HLV trưởng đội tuyển quốc gia ngày ấy là Gerd Zeise. Nhưng trên hết, số phiếu áp đảo tất cả đáp án còn lại dành cho một nhân vật mang tầm vĩ mô sau hậu trường, ông Zaw Zaw, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar (MFF).
Tỷ phú Zaw Zaw giữ chức Chủ tịch MFF và Phó chủ tịch AFF. Ảnh: AP. |
Zaw Zaw là ai?
Zaw Zaw xuất thân là một "ông trùm" kinh doanh ở Myanmar, sở hữu tập đoàn lừng danh Max Myanmar với nền tảng ban đầu là buôn bán đá quý, sau đó phát triển mạnh mẽ sang các mảng xây dựng, cơ khí, giao thông vận tải, khách sạn, du lịch, đồn điền cao su, bán lẻ năng lượng và cả ngân hàng.
Vào khoảng đầu năm 2010, doanh thu hàng năm của Max Myanmar ước tính vào khoảng 500 triệu USD. Năm 2016, giới chuyên môn từng nhận định khối tài sản của ông Zaw Zaw lên tới 1 tỷ USD, trong đó có những nguồn lợi nhuận không thể kiểm đếm.
Được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch MFF từ năm 2005, ông Zaw Zaw đến nay đã có hơn 13 năm đương nhiệm trên ghế nóng. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển bóng đá nước nhà, vị tỷ phú 51 tuổi này còn là thành viên trong Ủy ban điều hành Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá ASEAN (AFF).
Nhờ có ông Zaw Zaw, MFF đã hai lần được nhận danh hiệu "Liên đoàn bóng đá tốt nhất" do AFF trao tặng và cả giải thưởng "AFC Dream Asia" tôn vinh những nền bóng đá thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng của một quốc gia.
Ông Zaw Zaw có công lớn xây dựng bóng đá Myanmar. Ảnh: Media. |
Nhân vật quyền lực số một của bóng đá Myanmar
Tại Myanmar, bóng đá là câu chuyện sớm nở chóng tàn. Đội tuyển quốc gia của họ từng nắm giữ những kỷ lục ấn tượng tại các giải đấu quốc tế vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước khi giành hai HCV tại ASIAD 1966 và 1970, vô địch châu Á năm 1968. Tuy nhiên, thành tích ấy là tất cả những gì họ có tính đến nay.
Mọi chuyện chỉ thực sự được thay đổi tính theo cột mốc năm 2005, khi tỷ phú Zaw Zaw lên giữ chức Chủ tịch MFF và tiến hành những cải tiến lớn trong cả nội bộ liên đoàn lẫn nền bóng đá.
Ông ưu tiên phát triển tài năng trẻ và xây dựng cơ sở hạ tầng, coi đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng nền bóng đá khỏe mạnh từ trong nôi. AFP dẫn lời phát biểu của tỷ phú 51 tuổi trong một buổi phỏng vấn với báo chí nước nhà: "Tôi làm việc chỉ vì tình yêu đất nước mình".
Năm 2005, Myanmar hân hoan trong niềm vui sướng khi đội tuyển quốc gia lần đầu tiên lọt vào bán kết AFF Cup. Tuy nhiên, thời điểm đó, Zaw Zaw vẫn chưa coi thành tích này đã chạm vạch đích. Ông tuyên bố trước toàn thể người dân xứ sở đền chùa rằng: 10 năm nữa, bóng đá Myanmar sẽ hoàn toàn khác.
Các cầu thủ Myanmar (áo trắng) lọt vào tới vòng chung kết U20 World Cup 2015. Ảnh: Getty. |
Đúng như lời phát biểu, Zaw Zaw đã đóng góp một khối lượng lớn tài sản của cá nhân để xây dựng nền bóng đá Myanmar, hệ thống hành chính tổ chức giải vô địch quốc gia có tên Myanmar National League (nay đổi tên là Myanmar Premier League) và được công nhận là giải đấu chuyên nghiệp vào năm 2009. Giải đấu này hiện có sự tham dự của 12 câu lạc bộ trên cả nước.
Năm 2014, Myanmar là nước đăng cai giải vô địch U19 châu Á. Thành tích lọt vào top 4 giải đấu đã giúp U19 giành quyền dự U20 World Cup 2015, trước khi U23 của "White Angels" cũng vào đến trận chung kết SEA Games cùng năm.
Tham vọng ASEAN đăng cai World Cup
Đầu năm 2017, trong chuyến thăm của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tới Yangon, tỷ phú Zaw Zaw đã có cuộc trao đổi về việc khu vực ASEAN sẽ tham dự ứng cử đăng cai World Cup 2034.
"Tôi rất ủng hộ ý kiến đồng tổ chức, mở ra cánh cửa cho nhiều liên đoàn bóng đá các nước. Một quốc gia trong khu vực ASEAN rất khó để đăng cai World Cup, nhưng với nhiều nước thì tại sao không?", Infantino ủng hộ ý kiến của Phó chủ tịch AFF.
FIFA đã chấp thuận mở rộng con số 48 đội tuyển tham dự World Cup kể từ năm 2026, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều đội bóng châu Á được có mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó là lý do để ông Zaw Zaw tin rằng cơ hội cho Myanmar hay các nước Đông Nam Á xuất hiện ở World Cup là điều nằm trong tầm tay.
Aung Thu cùng các đồng đội đang thể hiện tốt tại AFF Cup 2018. Ảnh: Fox Sports Asia. |
World Cup 2034 là một tham vọng dài hơi, nhưng giấc mơ chinh phục AFF Cup lại không còn quá xa vời. Sau hơn một thập kỷ, năm 2016, Myanmar trở lại top 4 trong cuộc đua ngôi vô địch và chỉ chịu thua Thái Lan ở vòng bán kết.
Hai năm sau đó, dưới bàn tay lãnh đạo của tỷ phú Zaw Zaw, "White Angels" vẫn đang đi đúng hướng. Hàng loạt tài năng trẻ như Aung Thu, Sithu Aung, Hlaing Bo Bo hay Maung Maung Lwin giờ đây đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia, dần khẳng định mình trên đấu trường khu vực.
Trong cuộc đua tranh tại AFF Cup 2018, Myanmar đã hạ gục Lào và Campuchia bằng những tỷ số ấn tượng ở vòng bảng. Trước mắt thầy trò HLV Antoine Hey sẽ là một đối thủ khó khăn thực sự, đội tuyển Việt Nam - những người được đánh giá là hạt giống số một của giải.
Với thử thách này, người dân xứ sở đền chùa có lẽ sẽ biết chính xác, liệu công sức của tỷ phú Zaw Zaw trong sự phát triển của bóng đá Myanmar đã đến ngày hái quả chín hay chưa?