Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

U buồng trứng đang 'tấn công' các bé gái

Trên thế giới u nang buồng trứng không phải chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn gặp ở trẻ em. Nếu như ở người lớn, 80% trường hợp u buồng trứng là ung thư ở trẻ em là 30%.

“Bệnh nhi cần mổ cấp cứu bởi khối u buồng trứng quá lớn”. Nhận được thông báo của bác sĩ, bố mẹ bệnh nhi Đào Minh Anh (tên bệnh nhi đã thay đổi), 12 tuổi chưa hết bàng hoàng vì căn bệnh lại thêm lo lắng cho ca mổ của con gái. Cả tháng nay khi Minh Anh xuất hiện những cơn đau bụng nhưng bố mẹ nghĩ một nguyên nhân nào đó, ai ngờ mới từng ấy tuổi bé đã bị u buồng trứng.

Những ca bệnh liên quan đến u buồng trứng - loại bệnh nhiều người nghĩ chỉ xảy ra ở người lớn - được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện và điều trị ngày càng nhiều.

 Một dạng u buồng trứng trẻ em: U thực thể.

Bỏ đi một bên buồng trứng

Trời Hà Nội giữa đông lạnh tế tái nhưng người nhà của bệnh nhân đang trong phòng mổ không hề có cảm giác đó. Khuôn mặt ai cũng là lo lắng, căng thẳng và hồi hộp. Ngồi bên ngoài phòng phẫu thuật, bố mẹ của Minh Anh đang có những tâm trạng lẫn lộn, đứng ngồi không yên dù đã được các bác sĩ tư vấn. Mẹ Minh Anh cho biết: “Gia đình còn đang bất ngờ vì chưa từng nghĩ bé mới hơn 10 tuổi lại bị u buồng trứng thì bác sĩ thông báo cần phải phẫu thuật gấp vì khối u khá to, nhiều khả năng phải cắt bỏ một bên buồng trứng”.

Rồi chị kể, hơn 2 tháng trước, bé Minh Anh xuất hiện những cơn đau quặn ở vùng bụng dưới. Sau mỗi cơn đau, Minh Anh trở lại sinh hoạt bình thường. Kèm theo những cơn đau bụng của Minh Anh có to hơn bình thường một chút nhưng không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác. Bố mẹ đều có chung suy nghĩ: Con gái đang bước vào tuổi dậy thì, có thể nội tiết thay đổi nên xuất hiện những cơn đau như vậy. Chỉ đến khi những cơn đau xuất hiện liên tục, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Minh Anh bố mẹ đã đưa bé đi khám.

Để có kết quả khách quan, Minh Anh được khám ở một vài nơi sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cần thiết trước khi đưa ra kết luận. Nhận kết quả chẩn đoán bệnh của con gái "bệnh nhi bị u buồng trứng" từ các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ Minh Anh hết sức ngỡ ngàng.

Vừa nói chuyện mẹ Minh Anh vừa hướng đôi mắt đầy lo âu về phía phòng mổ, nơi con gái của chị đang ở trong đó. Cánh cửa phòng mổ mở ra, bước ra khỏi phòng phẫu thuật TS. Phạm Duy Hiền, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ kịp thông báo nhanh để gia đình yên tâm: Ca mổ đã thành công, sức khỏe bệnh nhi tốt. Nghe vậy, nước mắt người mẹ trào ra vì vui sướng, hạnh phúc.

Dù ca mổ tốt đẹp nhưng các bác sĩ đã bóc tách khối u buồng trứng nặng tới 3kg. Do khối u được phát hiện muộn và đã phát triển quá lớn, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng của bệnh nhi. Biết gia đình lo lắng, sau ca mổ các bác sĩ đã có những tư vấn về sức khỏe cũng như tương lai cho bệnh nhi.

Cùng thời điểm đó, một bệnh nhi nữ khác cũng cấp cứu vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đau bụng, miệng nôn và sau khi thăm khám được nghi liên quan đến u buồng trứng. Bệnh nhi Mai Lan Phương mới 11 tuổi ở Hà Nội vật vã trên cáng bệnh với những cơn đau quặn bụng. Người nhà bệnh nhi vừa đẩy cáng, vừa lo lắng: "Ban đầu cháu chỉ đau bụng nhẹ nhưng những cơn đau dồn dập hơn, cả nhà nghĩ đến đau ruột thừa hay tiêu hóa nhưng hình như hình như không đúng. Giờ phải chờ kết quả của bác sĩ".

Ngồi ở khoa cấp cứu chờ kết quả, bệnh nhi Phương cúi gập người, mặt nhăn nhó không nói được gì, nước mắt chỉ trực tuôn ra vì những cơn đau hành hạ. Khi bác sĩ đưa kết quả thăm khám và siêu âm ổ bụng “bệnh nhi Mai Lan Phương có khối u buồng trứng bên trái, có khả năng bị xoắn, phải tiến hành mổ cấp cứu” cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, bởi không ai nghĩ bé bị bệnh này khi còn nhỏ tuổi.

“May mắn hơn bệnh nhi Minh Anh vừa mổ trước đó, trường hợp này được phát hiện sớm. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi xác nhận bệnh nhi bị u nang buồng trứng trái, xoắn một vòng. Khối u đã được cắt bỏ, bảo tồn buồng trứng, đồng thời cố định buồng trứng bên phải cho bệnh nhi”, TS Hiền vui mừng cho biết sau ca mổ.

Trẻ em cũng mắc u buồng trứng, tại sao không?

Ths. BS.Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết: "Hiện nay chưa có thống kê về số lượng trẻ bị u buồng trứng tại Việt Nam. Nhưng theo tài liệu, trên thế giới u nang buồng trứng không phải chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn gặp ở trẻ em. Nếu như ở người lớn, 80% trường hợp u buồng trứng là ung thư (bướu ác biểu mô) thì ở trẻ em, tỷ lệ này chiếm 30%. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều ca bệnh bị bỏ qua do người lớn không nghĩ rằng trẻ em cũng mắc u buồng trứng.

Trên thực tế, u buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Cho đến nay, nguyên nhân gây u buồng trứng ở trẻ vẫn chưa được xác định. Mặc dù vậy nhiều nghiên cứu cho thấy, u buồng trứng ở trẻ em thường có nguồn gốc từ tế bào mầm (G.C.T. - gonadal germ cell tumors), 75% là lành tính. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

“Một bé gái bình thường có 2 buồng trứng nằm 2 bên tử cung (dạ con). U buồng trứng là từ dùng để chỉ một khối phát triển bất thường ở buồng trứng. U bao gồm 2 dạng: U thực thể và u nang. Ở đây chủ yếu nói về u nang buồng trứng. Đó là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Ở các bé gái, một số trường hợp, u nang buồng trứng phát triển rất lớn, xuất huyết sau đó xoắn hoặc vỡ ra có thể gây nguy hiểm tính mạng”, Ths. BS. Nguyễn Thu Giang giải thích.

Theo TS. Phạm Duy Hiền, u buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn). Sở dĩ bệnh khó phát hiện do ở giai đoạn đầu bé chỉ đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, nhiều bố mẹ không để ý nghĩ đơn giản con bị đau bụng do chu trình kinh nguyệt. Đa số các trường hợp vào viện cấp cứu khi bé đã có biểu hiện đau bụng đột ngột, kèm theo nôn và có khối u ở hạ vị. Đặc biệt, có những trường hợp u quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như khó tiểu, táo bón…

Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, phẫu thuật nội soi mang lại tỉ lệ thành công lớn, đặc biệt là ở trẻ gái và nữ vị thành niên. Trong hơn 90% trường hợp, các bác sĩ có thể bảo tồn được một phần buồng trứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều. Nếu u lành phát hiện sớm bác sĩ chỉ bóc tách khối u còn bảo toàn buồng trứng. Trong trường hợp phải cắt bỏ một bên buồng trứng thì vẫn còn một bên, đến tuổi trưởng thành bé gái hoàn toàn có thể sinh nở như bình thường.

Điều trị u buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian, nhất là với trẻ gái để giúp các em sớm chữa được bệnh, giảm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hạnh phúc sau này. Không chỉ phụ nữ có gia đình mà bé gái cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/u-buong-trung-dang-tan-cong-cac-be-gai-283116.bld

Theo Lệ Hà/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm