Phạm Văn Tú (34 tuổi ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) kể anh ta quen Hà Thị Hằng ở TP Yên Bái (Yên Bái) hơn 2 năm trước sau một cuộc gọi điện thoại nhầm của Hằng.
Qua điện thoại, người này giới thiệu tên là Hằng, kém Tú một tuổi, hiện đang làm tại Công ty Xây dựng số 2, TP Yên Bái. Từ các tin nhắn mùi mẫn, những cuộc gọi điện thoại đến rồi đi, Tú đã nảy sinh và có tình cảm sâu nặng với người đàn bà tên Hằng, dù chỉ đến khi vụ việc bị Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Yên Bái lật tẩy, tức là khoảng 2 năm sau, Tú mới biết mặt của Hằng. Đây chính là sự nhẹ dạ đẩy Tú rơi vào cảnh dở khóc dở cười, còn cha đẻ của anh ta thì khốn cùng vì khoản nợ ngân hàng và bạn bè chồng chất, chưa biết trông vào đâu để bù đắp.
Kể lại sự việc xảy ra, Tú vừa bức xúc lại vừa xấu hổ: Sau một thời gian quen biết và khi tình cảm trong mình đã chín muồi, Tú hẹn gặp Hằng tại TP Yên Bái. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của Tú như thế nào trong suốt hành trình gần 300km từ Hải Dương lên TP Yên Bái. Trong đầu Tú hình dung rằng Hằng là cô gái nhỏ nhắn, dịu dàng và rất thông minh. Bằng chứng là những tin nhắn của Hằng rất tình cảm, thể hiện sự dí dỏm và hiểu biết của cô gái thông minh, có học thức… Nhưng ngay lần đầu tiên ấy, Tú đã bị vỡ mộng. Khi Tú lên đến Yên Bái, liên lạc với Hằng thì Hằng nói rằng cô ta có chuyến công tác đột xuất do lãnh đạo đơn vị phân công. Công trình này nằm ở cách xa TP Yên Bái nên Hằng không thể về kịp.
Cảnh hỏi cung Hà Thị Hằng. |
Sau đó, Hằng nói nhờ một người chị đứng tuổi, cũng tên là Hằng đến gặp Tú. Sau lần đó, Tú cũng lên Yên Bái một vài lần với mục đích duy để gặp người yêu nhưng Hằng đều viện lý do để không gặp.
Cuối năm 2012, Tú nhận được điện thoại của Hằng nói rằng đã về Yên Bái. Công ty của Hằng vừa mua một xe 7 chỗ để phục vụ việc đưa, đón một phó giám đốc nên cần lái xe. Theo đó, Hằng sẽ xin cho Tú vào làm việc tại công ty để cả hai có điều kiện gần gũi. Tú muốn có việc làm và được ở bên Hằng nhưng không có tiền xin việc.
Đầu năm 2013, Hằng nhắn tin cho Tú nói Hằng đã bỏ 1/2 số tiền để xin việc cho Tú. Tú lo nốt phần còn lại. Sau khi suy nghĩ, Tú cho Hằng số điện thọai của bố đẻ mình là ông Phạm Văn Hiền.
Qua điện thoại, ông Hiền chấp thuận theo phương án của Hằng. Từ tháng 4/2013 đến thời điểm vụ việc được phát hiện, ông Hiền đã chuyển cho Hằng 275 triệu đồng sau khi vay ngân hàng với lãi suất cao.
Thời gian sau, Tú nhiều lần liên lạc với Hằng hỏi về thời gian đi làm nhưng không được. Nghi ngờ, Tú đến Công an TP Yên Bái trình báo.
Ngày 20/10, Công an TP Yên Bái xác định người gây ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Hà Thị Hằng. Người phụ nữ tên Hằng mà Tú gặp một số lần ở quán nước chính là cô gái tên Hằng mà Tú quen qua điện thoại.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của Tú và gia đình nạn nhân, Hằng đều dùng để tiêu xài cá nhân, hiện không có khả năng hoàn trả.
Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, ngày 14/11, cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái tiếp tục nhận được đơn trình báo của 2 người phụ nữ ở TP Yên Bái. Bà Nụ tố cáo rằng Hằng dùng giấy tờ của lực lượng thi hành án dân sự để thế chấp vay của bà gần 1 tỷ đồng.
Trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Hằng từng là kế toán của một phân xưởng thuộc Công ty Xây dựng số 2 Yên Bái. Công việc đang yên ổn thì Hằng xoay sang buôn bán xi măng dẫn đến thua nợ, không có khả năng chi trả.
Hằng trước đó đã từng bị kiện nhưng vì vụ án có liên quan đến tranh chấp dân sự nên do tòa án cấp huyện thụ lý. Trong khi chưa trả hết khoản nợ trên thì Hằng lại tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người bị hại nhẹ dạ khác.