Hai tuần qua, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón ở Sóc Trăng khá quan tâm đến thông tin ông Châu Hoài Phương (40 tuổi) và Ung Văn Thanh (35 tuổi) bị VKSND TP Sóc Trăng truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Khoản 1, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Trước khi bị bắt vào tháng 6/2017, ông Phương là Phó chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng, Thanh là kiểm soát viên Đội QLTT số 7 đóng tại huyện Thạnh Trị.
Hiện, hai bị can đã gửi đơn đến các cơ quan tố tụng từ địa phương đến Trung ương để kêu oan, cho rằng vụ án có nhiều khuất tất.
Nghi lúa không trúng mùa do phân
Anh em ông Võ Minh Tuấn, Võ Văn Mực ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3 (thị xã Ngã Năm) là 2 trong 3 nông dân có tên trong hồ sơ tố tụng. Theo kết luận điều tra, nông dân Ngã Năm sử dụng gần 200 bao phân bón không đạt chất lượng, dẫn đến thiệt hại trên 1,87 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan điều tra xác định 3 hộ sử dụng phân bón này là ông Tuấn, thiệt hại 3 tấn lúa; ông Võ Văn Mực thiệt hại khoảng 90 triệu và Trang Văn Trí khoảng 100 triệu đồng.
Còn cáo trạng cho rằng ông Mực yêu cầu doanh nghiệp bán phân bồi thường 49 triệu, ông Tuấn yêu cầu 24 triệu đồng. Lý do là họ sử dụng phân bón kém chất lượng nhưng được đoàn kiểm tra liên ngành cho doanh nghiệp tháo niêm phong để bán ra thị trường.
Ông Tuấn trò chuyện với báo chí. Ảnh: Duy Khang |
Trò chuyện với Zing.vn, ông Tuấn cho biết gia đình sử dụng phân bón của doanh nghiệp liên quan đến vụ án từ năm 2012. Theo nông dân này, các năm 2013-2015, lúa ông trồng liên tục trúng mùa. Từ 2015 đến 2017 lúa giảm năng suất khoảng 3 tấn/ha mỗi vụ nên hiện nay ông đã mua phân bón của doanh nghiệp khác.
"Tôi có 1 ha ruộng, vụ đông - xuân trúng mùa nhất, trung bình được khoảng 10 tấn, thất thì còn 7 tấn. Như vậy mỗi vụ tôi mất 3 tấn, giá lúa 6.000 đồng/kg thì mất 18 triệu đồng", ông Tuấn nói.
Phóng viên hỏi nguyên nhân lúa mất mùa thì ông Tuấn nói không biết, chỉ khi công an đến hỏi thăm thì nông dân này mới nghi ngờ sử dụng phân kém chất lượng khiến lúa giảm năng suất.
"Mình nghi thôi chứ không có căn cứ nói phân giả. Buồn nhất là cây mai có người hỏi mua 30 triệu đồng tôi không bán đã chết khi sử dụng phân bón mua của doanh nghiệp mà công an điều tra", ông Tuấn chia sẻ với Zing.vn.
Không yêu cầu bồi thường
Anh ruột ông Tuấn là ông Mực cũng nói nhiều năm sử dụng phân bón mua của doanh nghiệp liên quan. Trong những năm qua, lúa có vụ trúng, vụ thất. Năm nay ông Mực tiếp tục mua phân của doanh nghiệp đang bị điều tra và lúa trên đồng (chưa thu hoạch) được cho là trúng mùa.
Hai anh em ông Mực và Tuấn khẳng định không kiện doanh nghiệp. Lý do họ nghi đã sử dụng phân bón kém chất lượng và tính giá trị thiệt hại là từ lúc có công an tìm đến nhà để hỏi chuyện.
"Tôi vẫn còn sử dụng phân của doanh nghiệp mà tôi mua nhiều năm nay. Mình đâu có cơ sở nói lúa không trúng mùa do phân nên tôi đâu có kiện doanh nghiệp hay yêu cầu bồi thường", ông Mực nói.
Theo một luật sư tham gia bào chữa cho Châu Hoài Phương thì ông Tuấn nói lúa giảm năng suất còn 7 tấn/ha. Đối chiếu kết luận giám định của Sở Nông nghiệp & PTNT Sóc Trăng (năng suất 6 tấn/ha khi sử dụng phân bón đủ chất lượng) thì năng suất lúa đạt thấp nhất của ông Tuấn vẫn cao hơn "chuẩn" mà người giám định tư pháp đưa ra.
Theo hồ sơ tố tụng, Châu Hoài Phương là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập tháng 3/2016. Tháng 4/2016, đoàn này lấy mẫu 3 loại phân bón vô cơ của một doanh nghiệp ở thị xã Ngã Năm.
Sau khi hai mẫu phân bón được kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm bổ sung cho kết quả chưa đạt với chỉ tiêu ghi ngoài bao bì, đoàn kiểm tra đã họp và thống nhất giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp bằng cách cho giám định mẫu còn lại tại Trung tâm kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP.HCM). Lần giám định này cho kết quả đạt nên đoàn kiểm tra trả lại phân bón cho doanh nghiệp.
Cáo trạng cho rằng Thông tư 26 năm 2012, của Bộ Khoa học Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần ba, mà kết quả thử nghiệm lại (lần hai) là căn cứ cuối cùng để xử lý. Tuy nhiên, ông Phương bị cho là "muốn củng cố uy tín cá nhân" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để quyết định cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm (lần 3) sai quy định.
Khi có kết quả thử nghiệm đạt, đoàn kiểm tra đã mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân không đạt chất lượng ra thị trường, gây thiệt hại đến lợi ích của Chi cục QLTT và người sử dụng phân bón.
Đối với bị can Thanh, cáo trạng cho rằng anh này muốn cho "doanh nghiệp tâm phục khẩu phục và bản thân không bị kiểm điểm, kỷ luật, ảnh hưởng đến vị trí công tác khi thực hiện nhiệm vụ do Phương phân công" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Cụ thể là Thanh chủ động soạn biên bản mã hóa mẫu phân đưa đi thử nghiệm khi chưa nhận được mẫu phân lưu tại doanh nghiệp. Sau khi có kết quả thử nghiệm lần 3, bị can soạn thảo công văn đề nghị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Sóc Trăng đánh giá kết quả...