20 tỷ bảng. Giới mộ điệu hãy nhớ kỹ con số này, bởi đó là số tiền mà một số tập đoàn giấu tên đã quyết định tài trợ cho Nations League ở khắp các châu lục cùng FIFA Club World Cup vào hồi đầu năm 2018. Chủ tịch FIFA, Gianni Infatino gọi đó là “phi vụ đầu tư khủng nhất lịch sử bóng đá”.
Song, ông từ chối đưa ra bất kỳ thông tin nào về những nhà đầu tư giàu có này.
Nations League “làm tiền” như thế nào?
Chủ tịch FIFA Gianni Infatino đã nhận đầu tư 20 tỷ bảng từ những nhà đầu tư giấu tên cho Nations League. Ảnh: Fifa.com. |
Việc Infatino không chịu đưa ra thông tin các nhà đầu tư đã ném 20 tỷ bảng vào dự án Nations League và FIFA Club World Cup dĩ nhiên là không đủ để dấy lên những nghi ngại về tính minh bạch của số tiền này. Những nhà đầu tư có quyền yêu cầu không công khai danh tính, đó là chuyện bình thường trong kinh doanh.
Khoản đầu tư 20 tỷ bảng kia dĩ nhiên có thời hạn. Các nhà đầu tư này muốn kiểm soát Nations League và FIFA Club World Cup tới năm 2033. Chúng ta có thể bỏ qua FIFA Club World Cup, giải đấu vẫn bị coi là vô nghĩa (khi đội vô địch Champions League quá mạnh và chỉ nhận được đầu tư bình thường trong suốt những năm qua) để đi thẳng tới Nations League.
UEFA Nations League "làm tiền" như thế nào? Đồ họa: Sky Sport. |
Rốt cuộc thì giải đấu được tung hô là sẽ mang tới sự công bằng và là một cuộc cách mạng thật sự này sẽ “làm tiền” như thế nào? Trước hết hãy bắt đầu từ bản chất. Nations League được lập ra với mục tiêu thay thế những trận đấu giao hữu vô bổ trước kia.
Thay vì về tập trung đội tuyển quốc gia, bay đi khắp thế giới đá giao hữu và có thể dính chấn thương, những cầu thủ giờ có tâm lý màu cờ sắc áo nhất định trong những trận đấu tại Nations League.
Khi những trận đấu trở nên có ý nghĩa (và hấp dẫn hơn) cũng là lúc những nhà tài trợ, đơn vị truyền hình, truyền thông bước vào cuộc. Bản quyền truyền hình, cụm từ dạo gần đây trở nên quá quen thuộc sẽ lại xuất hiện. Nguồn tiền xuất hiện từ đây. Tiền vé, tiền dịch vụ cũng sẽ trở thành nguồn thu đáng kể.
Trước kia, những trận giao hữu có khá ít yếu tố lợi nhuận. Nếu có, đó chỉ là những trận đấu theo kiểu biểu diễn trên sân khách của những đội tuyển mạnh với đội tuyển yếu (lợi nhuận khi ấy được trả nhằm bù lại thời gian di chuyển và công họ xuất hiện).
Những trận đại chiến như Đức-Pháp sẽ mang tới nguồn thu khổng lồ. Ảnh: Getty Images. |
Song với UEFA Nations League, giải đấu diễn ra đều đặn khoảng 10 ngày mỗi tháng từ giờ đến tháng 11 (và tính chất hết sức cạnh tranh) số tiền thu về từ dịch vụ xung quanh sẽ là cực kỳ lớn. Theo AP, UEFA Nations League 2018 sẽ có tổng giải thưởng lên tới 76,25 triệu euro, một con số không hề nhỏ cho giải đấu mà cơ bản mới chỉ mang tính chất chạy thử.
League A là hạng đấu cao nhất của UEFA Nations League với hàng loạt những ông lớn như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Italy… Đây là cũng thứ “vũ khí” mạnh nhất của “giải đấu cách mạng” này của UEFA.
4 đội đứng đầu League A sẽ cùng nhau chơi tiếp 4 trận (2 bán kết, 1 chung kết, 1 tranh giải ba) vào tháng 6/2019 để xác định đội vô địch. Trong năm lẻ vốn ít sự kiện đây rõ ràng là sự kiện sẽ tạo ra hiệu ứng lớn.
Hãy thử tưởng tượng cảnh Pháp gặp Tây Ban Nha trong trận chung kết vào ngày 9/6/2019, còn gì tuyệt vời hơn để quảng bá thương hiệu mới như thế nữa?
UEFA Nations League sẽ “làm tiền” theo cách đó.
Cuộc chiến giữa FIFA và UEFA
Khi ý tưởng về Nations League mới thai nghén vào năm 2011, Gianni Infatino khi đó với vai trò thư ký của LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã ủng hộ rất nhiệt liệt và coi rằng đây là giải đấu tương lai ở cấp độ ĐTQG của UEFA. 7 năm sau ngày ấy, UEFA Nations League ra đời, còn Infatino đã trở thành Chủ tịch của LĐBĐ thế giới (FIFA).
Rắc rối tới từ đây. Infatino muốn mang Nations League về FIFA, nhân rộng chúng lên phạm vi thế giới (thậm chí Infatino đã kịp nhận đầu tư 20 tỷ bảng như đã đề cập). CONCACAF - Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbean, đã tuyên bố sẽ khai sinh Nations League của riêng họ vào năm sau. Tổng thư ký Datuk Windsor Paul John của AFC cho biết châu Á có thể tổ chức một giải Nations League tương tự UEFA.
Chủ tịch UEFA Aleksandr Ceferin không mấy hài lòng trước việc Infatino nhận đầu tư 20 tỷ bảng từ các nhà tài trợ. Ảnh: Josimar. |
Song UEFA tỏ ra không mấy thiện chí trong câu chuyện này. “Chúng tôi trình bày ý tưởng này cho FIFA và các Liên đoàn bóng đá cùng các CLB. Bỗng dưng FIFA đến và nói họ sẽ bán nó cho một tổ chức nào đó mà không giải thích gì. Đây là kiểu đề nghị gì vậy?”, Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin trả lời tờ Kicker.
Infatino nhìn thấy rất rõ viễn cảnh Nations League trở thành siêu giải đấu vừa thu lại những khoản tiền tài trợ khổng lồ, vừa giúp FIFA lấy lại uy tín sau những scandal tham nhũng liên tục trong thời gian qua.
Nếu giải đấu này thành công trong việc mở rộng ra quy mô toàn cầu, giới mộ điệu hoàn toàn có thể chứng kiến một siêu sự kiện được tổ chức trong năm lẻ (bên cạnh Confeds Cup) quy tụ 8 đội tuyển mạnh nhất 4 châu lục là Á, Âu, Mỹ, Phi.
Chất lượng của giải đấu này chắc chắn sẽ được đảm bảo. Thậm chí, Global Nations League (phiên bản thế giới của UEFA Nations League) hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với EURO và World Cup sau này về tính hấp dẫn.
Vấn đề giờ chỉ là chuyện FIFA, cụ thể là Chủ tịch Infatino làm thế nào để dàn xếp êm đẹp với UEFA mà thôi. Giải pháp có thể là UEFA sẽ nhận được quyền lợi nào đó từ FIFA. Chung quy đó vẫn sẽ là tiền, thậm chí rất nhiều tiền.