Hệ thống tưới nước thông minh
Nhóm học sinh Võ Đắc Lực, Phạm Thùy Quyên, Phạm Thùy Huỳnh Như và Nguyễn Trọng Lâm (lớp 9A1, trường THCS Cát Chánh, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, Bình Định) đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp nông dân. Mô hình được thiết kế từ những nguyên vật liệu rẻ tiền giúp tiết kiệm chi phí mà chức năng, khả năng hoạt động ổn định không kém các hệ thống hiện đại.
Trần Đào Hải Ngọc (áo trắng) với mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt các vùng ven biển. |
Sản phẩm gồm có ba hệ thống tưới nước nhỏ, với các điều kiện sử dụng khác nhau. Hệ thống tưới nhỏ giọt liên tục gồm thùng chứa nước được đặt trên cao, van đóng mở bằng tay và ống chính mắc nối tiếp với thùng chứa. Điều chỉnh lượng nước cần tưới phù hợp với nhu cầu cây cần tưới. Thứ hai là hệ thống tưới nhỏ giọt cài đặt theo giờ cố định.
Cách làm tương đối giống với hệ thống tưới nước nhỏ giọt liên tục, chỉ khác là thay van đóng mở bằng tay bằng van tự động tận dụng từ van xả máy giặt cũ. Van này nối tiếp với bộ hẹn giờ bằng tay lấy từ bộ hẹn giờ máy quạt cũ hoặc thiết bị hẹn giờ hiện số có bán sẵn trên thị trường. Tất cả đều sử dụng nguồn điện 220V.
Ngoài ra, còn hệ thống tưới nhỏ giọt theo nhu cầu nước cần tưới. Đây là hệ thống tưới nước thông minh, tiết kiệm nước tưới tối đa và tưới được cho hầu hết các loại cây trồng, từ cây ưa nước nhiều đến cây không ưa nước nhiều hệ thống này được điều khiển bởi bộ cảm biến độ ẩm của đất nối với van tự động.
Tùy theo độ ẩm của cây, người dùng cài mức độ nước cần tưới. Khi độ ẩm vượt quá giá trị đã đặt thì bộ cảm biến điều khiển tắt mạch điện, đóng van tự động. Khi đất khô, hệ thống tự động khởi động mở nước tưới. Khi tưới đủ, hệ thống tự động đóng nước.
Bạn Võ Đắc Lực, cho biết, hệ thống tưới nước nhỏ giọt này sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm khoảng 30% chi phí nhờ van tự động tận dụng từ máy giặt cũ (nếu dùng van điện từ có giá từ 3-4 triệu đồng). Còn đường ống nhỏ giọt tận dụng vật tư y tế cũ, bộ cảm biến độ ẩm mua linh kiện về lắp ráp chỉ 500 nghìn (mua nguyên bộ trên thị trường hiện nay giá 2 triệu). Bộ hẹn giờ thì lấy từ máy quạt cũ… Nếu tưới khoảng 100 m2 chỉ cần gần 1 triệu đồng, trong khi đó sản phẩm nhập từ nước ngoài về khoảng 4 triệu đồng.
Mô hình hệ thống tưới nước nhỏ giọt từ nguyên liệu vật liệu dễ kiếm rẻ tiền. |
Thầy Phạm Ngọc Khoa, giáo viên hướng dẫn nhóm, cho biết, với các vùng thiếu nước, đất cát cần tưới tiết kiệm nước thì khả năng ứng dụng sản phẩm này rất tốt, sẽ phát huy với nhiều loại cây khác nhau như rau, cà phê, tiêu, mai cảnh…
Mô hình này được kiểm chứng từ chính vườn mai 100 m2 của thầy Khoa, hoạt động đúng theo mong đợi. Mô hình vừa đạt giải Nhất lĩnh vực Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) lần thứ 2 - 2015 tỉnh Bình Định.
Giúp ngư dân bớt lo về nước biển dâng
Mô hình sa bàn mô tả quá trình nước biển dâng gây ngập lụt các vùng ven biển của Trần Đào Hải Ngọc (lớp 12A1, trường THPT Quốc học Quy Nhơn) vừa nhận giải Nhì lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập tại cuộc thi Sáng tạo TTNNĐ lần 2 - 2015 tỉnh Bình Định.
Hải Ngọc tâm sự, nhà gần biển, đa số bà con trong xóm làm nghề đi biển, tiếp nhận các thông tin về BĐKH còn hạn chế, nên nghe thông tin nước biển dâng ai cũng lo lắng. Cô học trò bắt đầu tìm kiếm một mô hình phù hợp với bà con ngư dân ven biển để họ hiểu và thích ứng với BĐKH. Mô hình gồm hai phần: Sa bàn mô phỏng các khu vực địa hình, các khu dân cư ven biển và thiết bị kỹ thuật mô tả hiện tượng nước biển dâng. Phần quan trọng nhất là hộp kỹ thuật điện tử báo mực nước dâng.
Nguyên lý hoạt động của mô hình sa bàn khá đơn giản và hiệu quả. Khi bật nguồn trên màn hình Led thể hiện mực nước an toàn và hệ thống đèn hiệu báo màu xanh. Khởi động hệ thống tỏa nhiệt nóng, thước đo nhiệt độ hiển thị nhiệt độ tăng lên, đá trong hộp bắt đầu tan chảy và hệ thống đèn báo sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu xanh đến màu vàng.
Mực nước càng lên cao đèn báo sẽ chuyển sang trạng thái báo động liên tục từ màu vàng đến màu đỏ. Lúc này cộng đồng và chính quyền địa phương phải triển khai nhanh các kế hoạch ứng phó chằng chống nhà cửa, dựng kè chắn sóng, di chuyển tàu thuyền, di dân đến nơi an toàn…