Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng dụng gamification - giải pháp tăng tương tác và giữ chân người học

Các ứng dụng di động hỗ trợ học tập đang trở thành xu hướng trong lĩnh vực giáo dục, khi người dùng ngày càng quen thuộc với việc sử dụng công nghệ phục vụ nhu cầu tự học.

Bên cạnh hỗ trợ học tập, ứng dụng di động còn đóng góp vào thành công của các chiến lược marketing tổng thể từ thương hiệu.

Với chủ đề này, ông Hoàng Minh Dương - CEO của AppROI - đã có những chia sẻ để phân tích về vai trò của ứng dụng di động trong chiến lược marketing thương hiệu, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục.

VUS anh 1

Ông Hoàng Minh Dương - CEO của AppROI.

- Ông có thể chia sẻ vai trò của các ứng dụng di động trong tổng thể trải nghiệm người dùng và chiến lược marketing?

- Ứng dụng di động đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối doanh nghiệp với khách hàng, không chỉ thu hút mà còn xây dựng mối quan hệ lâu dài. Doanh nghiệp thường đầu tư mạnh để tạo ra tệp khách hàng cốt lõi có tiềm năng trở thành khách hàng trung thành.

Tuy nhiên, nếu không duy trì tương tác, người dùng sẽ nhanh chóng rời bỏ. Các ứng dụng trong cùng ngành thường giống nhau về tính năng, nên trải nghiệm người dùng là yếu tố quyết định giúp tối ưu hiệu suất, nâng cao hiệu quả marketing và giữ chân khách hàng bền vững.

- Thông thường, ở lĩnh vực giáo dục, ứng dụng di động sẽ đóng vai trò như một phần sản phẩm cốt lõi, chẳng hạn hệ thống LMS. Vì sao một số thương hiệu giáo dục lại cần triển khai thêm ứng dụng gamification?

- Hiện nay, các ứng dụng di động như hệ thống LMS trở nên phổ biến trong lĩnh vực giáo dục nhờ hỗ trợ quản lý nội dung và theo dõi tiến trình học tập. Song, để nâng cao trải nghiệm và tăng sự gắn bó, nhiều tổ chức giáo dục đã bắt đầu tích hợp yếu tố gamification - đưa các cơ chế như điểm số, huy hiệu hay bảng xếp hạng vào hành trình học tập.

Mục tiêu không phải để biến việc học thành trò chơi, mà tạo thêm động lực thông qua cơ chế thưởng phạt quen thuộc trong game.

Gần đây nhất, tôi có cơ hội tham gia triển khai ứng dụng OVI Kids giúp tăng cường tương tác và động lực học tập qua trò chơi của Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS). Dù đã là một hệ thống đào tạo tiếng Anh phổ biến với lượng học sinh nhất định, VUS vẫn muốn gia tăng tương tác thông qua hỗ trợ học viên ôn luyện kiến thức sau giờ học trên lớp theo cách đầy hứng khởi.

Vì vậy, VUS đã xác định nhu cầu và đề xuất ý tưởng phát triển ứng dụng như một “games hub” - nơi học viên trau dồi kỹ năng tiếng Anh thông qua minigame được thiết kế theo từng kỹ năng cụ thể như ghi nhớ, phát âm, đọc hiểu, viết và nghe.

Ứng dụng cũng triển khai hệ thống tích điểm, huy hiệu và OVI Coin giúp học viên theo dõi tiến trình học tập, tạo cảm giác thành tựu. Các bảng xếp hạng, social game tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, khích lệ sự gắn kết và tham gia liên tục.

- Mục tiêu của các ứng dụng như OVI Kids đối với thương hiệu trong ngắn và dài hạn là gì, thưa ông?

- Trong ngắn hạn, OVI Kids giúp VUS nâng cao trải nghiệm học tập và tăng mức độ gắn kết của học viên thông qua phương pháp “discovery learning” kết hợp gamification. Bằng hệ thống minigame, bảng xếp hạng và các yếu tố thi đua, học viên được khuyến khích ôn luyện một cách vui vẻ, chủ động, từ đó tạo dấu ấn năng động, hiện đại cho VUS.

Về dài hạn, OVI Kids đóng vai trò quan trọng trong chiến lược số hóa của trung tâm. Việc tích hợp LMS và các công nghệ phân tích dữ liệu giúp VUS hiểu rõ hành vi học tập, tối ưu nội dung giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm. Đồng thời, cơ chế thưởng như huy hiệu, OVI Coin hay social game còn góp phần giữ chân học viên hiệu quả hơn, tạo nên hệ sinh thái học tập vừa hiệu quả, vừa hấp dẫn.

- Ông có thể chia sẻ ứng dụng OVI Kids được thiết kế thế nào để đáp ứng các mục tiêu đã đề cập ở trên?

- Khi thiết kế OVI Kids, chúng tôi tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi gồm giao diện (interface), hạ tầng công nghệ (technological infrastructure) và nội dung ứng dụng (application content).

Về giao diện, OVI Kids sử dụng phong cách cổ tích với bảng màu tươi sáng, phù hợp trẻ nhỏ, đảm bảo tính trực quan, dễ thao tác qua các minigame có mục tiêu rõ ràng.

Về công nghệ, ứng dụng được xây dựng trên nền tảng microservices và cloud based, dễ mở rộng và tích hợp sâu với hệ thống LMS của VUS, đồng thời tận dụng AI để cá nhân hóa phản hồi học tập cho từng học viên. Cuối cùng, nội dung ứng dụng được thiết kế để vừa mang tính giải trí, vừa phát triển toàn diện kỹ năng tiếng Anh, khuyến khích tương tác xã hội thông qua các social game.

VUS anh 7

Các minigame hấp dẫn là một trong những yếu tố giữ chân người dùng với ứng dụng.

- Theo ông, khi nào thương hiệu nên đầu tư ngân sách vào việc phát triển một ứng dụng và đầu tư như thế nào để tối ưu nguồn lực?

- Phát triển ứng dụng di động không chỉ là quyết định về công nghệ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách marketing.

Với các ngành không lấy ứng dụng làm nền tảng cốt lõi như F&B, giáo dục hay bán lẻ, ứng dụng thường hoạt động như công cụ hỗ trợ “loyalty program” - tích điểm, ưu đãi cá nhân hóa, thông báo nhắc nhở - nhằm duy trì mức độ tương tác hiệu quả mà không cần chi quá nhiều cho quảng bá. Vì vậy, thời điểm phù hợp để đầu tư vào ứng dụng là khi doanh nghiệp đã có tệp khách hàng đủ lớn và mong muốn tối ưu giá trị vòng đời khách hàng thông qua trải nghiệm số hóa.

Ngược lại, với các ngành lấy ứng dụng làm nền tảng cốt lõi như ngân hàng, thương mại điện tử hay OTT, ứng dụng đóng vai trò trung tâm trong việc thu hút và duy trì khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào sai lầm phổ biến khi dồn phần lớn ngân sách vào thu hút người dùng mới, nhưng lại đầu tư quá ít cho chiến lược giữ chân.

Hệ quả là tỷ lệ rời bỏ ứng dụng sau khi tải về có thể đến 70-90%, gây lãng phí lớn. Giải pháp nằm ở việc tái phân bổ nguồn lực hợp lý - đầu tư nhiều hơn vào trải nghiệm người dùng thông qua cá nhân hóa, gamification cùng các chương trình khách hàng thân thiết, từ đó nâng cao tỷ lệ quay lại và giá trị vòng đời của người dùng.

Đắc An

Bạn có thể quan tâm