Trận chiến trí não
Trong vòng 6 năm qua, nhà tâm lý học và ứng dụng khoa học thể thao John Sullivan tích cực hỗ trợ Lực lượng quân đội tinh nhuệ Mỹ trong chương trình tối ưu hóa hiệu suất của não bộ. Nội dung cốt yếu trong phương pháp huấn luyện của Sullivan là giúp binh sĩ có thể cùng lúc quan sát được nhiều mục tiêu khác nhau.
Ông chỉ ra sự quan trọng của kỹ thuật này trong cả thể thao và quân sự: "Ở trên sân bóng, bạn phải quan sát nhiều đối tượng một lúc. Nhiều câu hỏi thường trực đặt ra trong đầu cầu thủ: Bản thân mình sẽ đá như thế nào? Đồng đội đang ở đâu và xu hướng di chuyển của họ? Trái bóng sẽ được chuyền đến vị trí nào? Đối thủ đang ở đâu và anh ta sẽ áp sát ra sao? Messi làm cực tốt những điều này, anh ta suy nghĩ nhanh hơn đa phần các đồng nghiệp. Nhưng kỹ thuật đó có thể huấn luyện được".
Tiến sĩ Sullivan và bộ công cụ Neurotracker để cải thiện khả năng quan sát mục tiêu. |
Sullivan cho biết, ông sử dụng một bộ công cụ có tên Neurotracker để nâng cao kỹ năng quan sát nhiều đối tượng cùng lúc.
Khi tham gia khóa đào tạo, người được huấn luyện được đeo một chiếc kính 3D và ngồi trước màn hình. Họ sẽ theo dõi 8 quả bóng di chuyển trên màn hình với tốc độ tăng dần. Một buổi tập kéo dài 8 phút. Một tuần ít nhất phải tập hai buổi mới có hiệu quả.
Trong giai đoạn cuối của triều đại Sir Alex, MU đã mua công nghệ này về để các cầu thủ tập luyện. Park Ji Sung từng lập kỷ lục về số điểm ghi được. Paul Scholes cũng là người có khả năng quan sát rất tốt. Ngoài MU, Southampton cũng từng ứng dụng công nghệ này để đánh giá kỹ năng tâm lý của cầu thủ.
Huấn luyện khả năng bình tĩnh như xạ thủ
Phần lớn công việc của Sullivan là hợp tác với Lực lượng đặc nhiệm Mỹ để huấn luyện các tay xạ thủ giữ bình tĩnh trong trận chiến. “Chúng tôi hướng dẫn họ điều khiển tâm trí, bởi tâm trí là vũ khí quan trọng nhất.
Chúng tôi gắn bộ cảm biến lên đầu các tay thiện xạ để ghi lại hoạt động của não bộ. Cuộc nghiên cứu yêu cầu họ sử dụng đạn thật. Các tín hiệu từ não sẽ được đối chiếu với thông số lý tưởng, yêu cầu mọi chiến binh phải đạt được trong thực tế chiến đấu. Các thông số này đảm bảo tay bắn tỉa không bị lo lắng khi có cảnh báo”.
Năm 2009, toàn bộ các cầu thủ của Chelsea cũng từng trải qua một khóa huấn luyện tương tự, trong một căn phòng có tên “Phòng trí não” tại Trung tâm huấn luyện của CLB.
Các cầu thủ được yêu cầu giải toán trong một thời gian nhất định để đo lường hiệu quả hoạt động trong sự căng thẳng. Kết quả thu được là các cầu thủ trẻ tỏ ra căng thẳng tâm lý hơn các cựu binh.
Với lực lượng quân đội, Sullivan tiết lộ rằng có một thủ thuật mang tên “kỹ thuật thở” để hạn chế sự căng thẳng.
“Tôi hướng dẫn xạ thủ giảm nhịp tim trong hai nhịp thở. Lúc bắn xong một viên đạn thì khẩu súng sẽ giật ngược lại. Nếu bạn tác chiến trong một giờ, bạn sẽ bị khẩu súng dội lại rất nhiều lần. Mỗi cú dội này giống như một pha va chạm trực tiếp trong môn bóng bầu dục, rất mạnh, và có thể làm nhịp tim tăng cao. Vì thế, xạ thủ phải lập tức điều chỉnh nhịp thở sau mỗi phát đạn để bảo tồn năng lượng”.
Lizzy Yarnold – tay đua môn trượt ván nằm sấp cũng sử dụng kỹ thuật tiết chế nhịp thở của Sullivans vào quá trình tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014: “Trong môn này, bạn cần bộ xương chắc khỏe để chạy đà, đồng thời phải giữ nhịp tim để đưa ra các quyết định chính xác. Ngày trước, khi thi đấu, nhịp tim của tôi lên tới 140 nhịp/phút. Nhờ kỹ thuật của Sullivan, tôi đã có thể tiết chế và giảm nó xuống”. Lizzy Yarnold đoạt huy chương vàng ở Sochi, sau đó vô địch cả châu Âu và thế giới.
Lizzy (giữa) cộng tác với chuyên gia Charlie Unwin tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 |
Thành viên chủ chốt của đội hỗ trợ Lizzy là nhà tâm lý học thể thao Charlie Unwin. Ông từng phục vụ nhiều năm trong quân đội Anh và hiện hỗ trợ các vận động viên để họ thi đấu tốt dưới áp lực.
“Một điều quân đội làm rất tốt đó là dạy cho bạn chiến đấu dưới áp lực tinh thần đè nặng. Họ gọi đối phương là con mồi. Bạn thường được khuyến khích hành động theo những thứ nằm ngoài kịch bản định sẵn trong đầu”, Unwin truyền thụ kinh nghiệm từ chiến tranh cho Yarnold.
ĐT Rugby Anh sử dụng "Phòng chiến tranh" và vô địch World Cup Rugby năm 2003. |
Cựu HLV ĐT rugby Anh, ông Clive Woodward đề ra một bài tập luyện chuẩn bị cho World Cup 2003 bằng việc đưa học trò vào “Phòng chiến tranh”. Tại đây, toàn bộ cầu thủ được chia làm hai phe, đứng trên các vị trí giả tưởng của một trận đấu. Một cầu thủ đại diện đứng ra nói về các tình huống có thể xảy ra trong cuộc đấu. Woodward chọn một cầu thủ khác, yêu cầu anh này mô tả cụ thể về những gì anh ta sẽ làm khi đối mặt với tình huống ấy và những gì anh ta muốn đồng đội cùng làm. Quá trình tập luyện này được lặp đi lặp lại trong nhiều ngày để cầu thủ nghĩ và giải quyết nhanh chóng các vấn đề dưới áp lực.
Huấn luyện vận động viên theo kiểu SEALS
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ liên tục đầu tư nghiên cứu cải thiện chức năng của các vùng não bộ. Các nghiên cứu này đã tạo ra một tác động lớn đối với thể thao.
Năm 2009, giáo sư tâm thần học Martin Paulus của Đại học San Diego cùng đội ngũ cộng sự tiến hành nghiên cứu bộ não của một quân nhân SEALS, một tay đua môtô mạo hiểm và một người bình thường bằng một bài kiểm tra hạn chế nhịp thở. Từng người nằm vào một chiếc máy quét não bộ, nói ra nhịp thở của họ, sau đó nhóm nghiên cứu tiến hành can thiệp nhịp thở thông qua chiếc mặt nạ đeo lên mặt những người được thí nghiệm.
Sau cuộc nghiên cứu, Martin nói: “Với quân nhân SEALS và tay đua môtô, não bộ của họ đã hình thành rất nhiều liên kết để hồi phục nhịp thở. Bộ não và cơ thể cũng kết nối tốt với nhau. Họ có thể lường trước được các mối nguy hiểm và phản ứng nhanh để chống lại chúng”.
Bài huấn luyện của SEALS về chiến đấu dưới áp lực lớn. |
“Với người bình thường, anh ta tỏ ra hoảng sợ và nhóm nghiên cứu buộc phải gỡ bỏ máy quét. Điều này đặt ra câu hỏi cho Martin là liệu não bộ có thể đào tạo được như các cơ bắp của cơ thể hay không. Để giải đáp câu hỏi đó, ông lập ra một khóa học thiền định trong 12 tuần, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi dài 20 phút, cho một nhóm binh sĩ của Hải quân Hoàng gia Anh.
Paulus thông báo về kết quả: "Sau khóa học thiền định, chúng tôi thấy nhóm binh sĩ đã thay đổi theo hướng mà chúng tôi nhìn thấy ở SEALS. Họ nhanh nhẹn hơn, xử lý tình huống chính xác và hiệu quả hơn".
HLV của Đội tuyển đua xe đạp địa hình Mỹ, ông James Herrera liên hệ với Paulus để bàn về việc thử nghiệm tác dụng của thiền định. ĐT đua xe đạp địa hình Mỹ giành 3 huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008 nhưng lại trắng tay ở Olympic London 2012. Theo ông Herrera, vấn đề có thể do tâm lý.
Vài tuần sau khi trải nghiệm các liệu pháp tâm lý của Paulus, ĐT Mỹ có ba thành viên lần lượt về nhất, nhì và ba tại Giải vô địch đua xe đạp chuyên nghiệp Mỹ 2014.
Tầm nhìn của Paulus dự báo một tương lai cạnh tranh quyết liệt của việc áp dụng kỹ thuật quân sự vào thi đấu thể thao. “Chúng tôi hy vọng có thể quét và phân tích não bộ của các vận động viên, xem não phản ứng thế nào trong các điều kiện khác nhau. Sau đó, quan sát màn trình diễn của vận động viên để xem có đúng như dự đoán bằng máy móc hay không”.