Ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật đang được phát triển
Vụ bê bối giám sát thông tin điện tử liên quan đến cựu nhân viên tình báo Edward Snowden và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã giúp những bộ óc nhạy bén của giới công nghệ khai sinh ra một dịch vụ mới: tin nhắn siêu bảo mật.
Trên một website huy động vốn cộng đồng (*), Peter Sunde - đồng sáng lập trang The Pirate Bay - đang kêu gọi nguồn vốn khoảng 100.000 USD (tương đương 2,1 tỷ VND) để phát triển một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật dành cho di động.
Cụ thể, ứng dụng tên Hemlis (trong tiếng Thụy Điển có nghĩa là “bí mật”) có cơ chế hoạt động tương tự các ứng dụng nhắn tin như iMessenger, WhatsApp... nhưng có thêm tính năng mã hóa dữ liệu để tránh bị theo dõi hoặc nghe lén. "Chìa khóa" để đọc những tin nhắn bảo mật này nằm ở bản thân người dùng (dữ liệu sinh trắc học hoặc chuỗi mật khẩu). “Không ai có thể nghe được tin nhắn của bạn, ngay cả chúng tôi”, nhóm phát triển Hemlis hứa hẹn.
Ứng dụng Hemlis tương tự như các ứng dụng tin nhắn thông thường nhưng có thêm khả năng bảo mật riêng tư. |
Bên cạnh đó, ứng dụng Hemlis sẽ không hiển thị quảng cáo và không bán lại thông tin người dùng cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Số tiền huy động được sẽ giúp nhóm tạo ra các phiên bản ứng dụng cho iOS và Android, nâng cao cơ sở hạ tầng hệ thống để cung cấp dịch vụ cho người dùng.
Theo Peter Sunde, những tính năng cốt lõi của Hemlis sẽ được miễn phí, người dùng cần trả tiền để mở khóa những tính năng phụ, chẳng hạn như gửi hình ảnh cho bạn bè.
Những năm gần đây, người dùng dường như mất niềm tin với các dịch vụ trên Internet và mobile vì tiềm ẩn nguy cơ bị theo dõi thông tin cá nhân, khiến họ tìm đến những cách để bảo mật những dữ liệu riêng tư. Xuất phát từ nhu cầu này, ngày càng nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây như Wuala, Mega... đã cung cấp tính năng mã hóa dữ liệu để người dùng an tâm hơn khi lưu trữ các tài liệu trực tuyến. Peter Sunde cũng đi theo xu hướng này bằng cách tạo ra Hemlis, nhưng ông chọn cách đầu tư ở lĩnh vực viễn thông.
Video giới thiệu về ứng dụng Hemlis. |
(*) Croudfunding - huy động vốn từ cộng đồng - là một hình thức gây vốn khá thông dụng dành cho những công ty/cá nhân muốn khởi nghiệp khi chỉ có ý tưởng và nguồn lực tài chính hạn chế. Tham gia một trang croudfunding, bạn đã có thể trở thành “một nhà đầu tư”. Lợi ích thu được tùy thuộc vào số tiền đóng góp và thỏa thuận ban đầu với chủ dự án. Thông thường, mức đầu tư có thể từ 5 USD trở lên. Nhờ hình thức này, nhiều sản phẩm công nghệ (tiêu biểu là máy tính siêu nhỏ Raspberry Pi) đã được cụ thể hóa và tung ra thị trường. |
Duy Nguyễn
Theo Infonet