Ung thư buồng trứng – suy thận
Trong số hàng nghìn bệnh nhân ung thư đã được điều trị thành công tại Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư Khoa nhớ nhất là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan, 72 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội được chuyển đến khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 6/2014 từ một bệnh viện chuyên ngành Ung thư tại Hà Nội.
Giáo sư Khoa cho biết khi nhập viện bà Lan đã bị phù mặt và hai chi dưới, đang điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn III b. Đây là giai đoạn muộn và bệnh nhân này đã được xạ trị. Tuy nhiên do biến chứng của xạ trị, bệnh nhân xuất hiện tiểu tiện ít dần, cả ngày chỉ được khoảng 200 ml nước tiểu, mặt phù, hai chi dưới cũng tương tự.
Hình ảnh phim chụp CT của bà Hà đã không còn dấu vết của ung thư. |
Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, chẩn đoán bác sĩ Khoa cho biết bà Lan bị suy thận cấp. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu cho bệnh nhân cũng như sử dụng thuốc lợi tiểu. Sau gần 1 tháng điều trị suy thận cấp, bệnh nhân khá hơn. Chuẩn bị vào đợt xạ trị mới thì bà Lan bị viêm dạ dày.
Gia đình thấy bệnh cảnh của bệnh nhân nặng, muốn xin về vì ung thư đã ở giai đoạn muộn. Sau khi nghe bác sĩ động viên, giải thích cặn kẽ cho gia đình hướng điều trị xạ trị hiện nay là phù hợp nhất và hy vọng tình trạng suy thận sẽ tiếp tục được cải thiện thêm. Bệnh nhân được tiến hành xạ trị gia tốc chiếu ngoài liều 50Gy, phân liều 2Gy/ngày.
Kết quả xạ trị sau 2 tuần, bác sĩ Khoa và gia đình đều bất ngờ vì các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân cải thiện dần dần, bệnh nhân hết ra máu âm đạo, hết đau bụng, tiểu tiện nhiều. Chức năng thận cải thiện dần.
Đến cuối tháng 8 vừa qua, tình trạng suy thận của bệnh nhân được cải thiện hoàn toàn, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định điều trị tiếp cho bệnh nhân bằng hoá chất. Sau truyền hoá chất đợt 1 bệnh nhân ổn định, không ra máu âm đạo, không nôn, không sốt, không phù mặt, không phù hai chi dưới, tiểu tiện bình thường. Giáo sư Khoa cho biết về cơ bản bệnh nhân tiến triển tốt và khả năng điều trị thành công rất cao khiến các bác sĩ cũng phải bất ngờ.
Ung thư dạ dày di căn phúc mạc
Bệnh nhân Phạm Thị Hà – trú tại Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tháng 8 năm 2013. Giáo sư Khoa và các cộng sự của ông đã điều trị thành công cho bệnh nhân này.
Bà Hà cho biết khoảng thời gian phát bệnh 6 tháng, bà thấy xuất hiện táo bón từng đợt; đau bụng vùng quanh rốn, gầy sút cân 3kg. Bà Hà được gia đình đưa đi khám bệnh, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Bác sĩ chẩn đoán khối u đại tràng góc gan, chưa thấy tổn thương di căn gan.
Tuy nhiên với sức khỏe yếu, gia đình bà Hà lo lắng sợ bà không chịu được các đợt điều trị hóa chất. Bà Hà chấp nhận cái chết trong vô vọng. Lúc đó, con bà kiên quyết đưa bà vào bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân được nội soi đại tràng và sinh thiết tổn thương u tại đại tràng phải. Kết quả mô bệnh học: ung thư biểu mô tuyến. Bệnh nhân được chẩn đoán trước mổ: Ung thư đại tràng phải và dự kiến phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại tràng và vét hạch.
Nhớ đến ca bệnh này, giáo sư Khoa cho biết: “Khi tiến hành phẫu thuật, chúng tôi đã phát hiện bệnh nhân có nhiều tổn thương di căn phúc mạc, dạng lấm tấm, trải đều toàn bộ phúc mạc nên không phát hiện được bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Lúc đó, chúng tôi đã chẩn đoán trong mổ ung thư đại tràng phải di căn phúc mạc. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt đại tràng phải và vét hạch”.
Bà Hà được bác sĩ tiến hành điều trị hóa trị. Sau 2 chu kỳ điều trị, sức khỏe bà Hà tiến triển tốt, không sụt cân, không còn buồn nôn. Với những bệnh nhân như bà Hà, GS Khoa cho rằng đã được xác định là thành công. Các chẩn đoán dựa trên hình ảnh đều không thấy có tổn thương vùng thận, xương chậu.
Bệnh nhân điều trị ung thư ở Bệnh viện K - Quán Sứ. |
Giáo sư Khoa khẳng định các biện pháp điều trị ung thư đang được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai đều có thể điều trị được cho các bệnh ung thư. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư di căn não, xương, tuyến thượng thận bằng dao mổ gamma.
Dao gamma là phương tiện phẫu thuật không phải dùng dao kéo thông thường mà bằng bức xạ gamma rất mảnh, có năng lượng cao, định vị ba chiều. Chỉ bằng một lần phẫu thuật trong điều kiện gây tê cục bộ, công nghệ này xác định chính xác và điều trị các khối u nằm sâu trong não hoặc các khối dị dạng động tĩnh mạch có đường kính nhỏ hơn 5cm.
Nghiên cứu của GS.TS Mai Trọng Khoa và cộng sự trên 60 bệnh nhân ung thư phổi di căn não được xạ phẫu dao gamma quay cho thấy, bệnh lý được cải thiện tới 55% sau tháng đầu tiên điều trị và nâng lên hơn 63% sau 9 tháng. Hiện nay cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ có Bệnh viện Bạch Mai điều trị bằng phương pháp này.