3 tháng trước buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp của khoa Kỹ thuật máy tính, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đăng biết mình bị suy thận giai đoạn cuối.
Trải qua khoảng thời gian chới với, suy sụp tưởng như không vượt qua được, Đăng lấy lại tinh thần hoàn thành thiết kế robot còn dang dở. Cậu đến với buổi bảo vệ luận án, kiên trì thuyết trình kết quả nghiên cứu của mình trong hơn một giờ đồng hồ khiến thầy cô, bạn bè nể phục.
Buổi bảo vệ luận văn xúc động
Thầy Phan Văn Ca - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Máy tính viễn thông, khoa Điện - Điện tử, ĐH SPKT TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp ngày 19/2/2016 - chia sẻ thầy rất ấn tượng với hình ảnh của Đăng.
“Thực sự hôm đó, cả hội đồng ai cũng xúc động, nể phục sự đam mê và nghị lực của bạn. Biết bạn sức khỏe không tốt, tôi có nói bạn chỉ trình bày kết quả nghiên cứu thôi, còn quá trình chúng tôi đã đọc trong tài liệu trước đó rồi.
Vì được biết bạn bị tràn dịch màn phổi, thuyết trình có thể khó khăn, sức khỏe của bạn không chịu nổi. Nhưng bạn vẫn cố gắng thuyết trình toàn bộ, không bỏ qua phần nào”, thầy nói.
Nguyễn Hải Đăng trình bày luận văn tốt nghiệp trước hội đồng. Ảnh: Quang Phúc. |
Hôm đó đến 12h trưa, đáng lẽ buổi bảo vệ luận văn đã kết thúc nhưng cả hội đồng chờ Đăng đến và buổi bảo vệ kéo dài đến hơn 13h chiều.
Đăng cho biết hôm đó có cha chở đến trường nhưng trong lúc đi bị va quẹt, cả người bị trầy xướt, quần áo rách nên phải quay về nhà xử lý vết thương rồi mới tiếp tục đến trường.
“Lúc đó rất rối, lại sợ không đến kịp, rất may các thầy vẫn chờ mình”, Đăng tâm sự.
Để đứng trên bục bảo vệ luận án tốt nghiệp với robot, Đăng phải đến trường cùng điều dưỡng, nhờ bạn bè dìu từng bước lên cầu thang, mang giúp sản phẩm lên phòng.
“Hội đồng đánh giá đề tài 'Bản sao robot Asimo' (Robot nổi tiếng của Nhật Bản) của Đăng thuộc loại xuất sắc, vì thực sự không nhiều người có được kết quả nghiên cứu như Đăng. Robot này phải sử dụng trên 20 động cơ khác nhau để có thể hoạt động linh hoạt, có thể bắt chước các động tác của con người.
Để làm được điều đó đòi hỏi phần lập trình phải rất tốt mới có thể điều khiển được và bạn ấy đã tự làm một mình”, thầy Ca đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đăng.
Không tin mình bị bệnh
Chàng trai mới 23 tuổi đã sốc và không tin vào kết quả xét nghiệm lần đầu tiên tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định.
Đăng không tin vì mình còn quá trẻ, ngày ngày tập võ, chơi thể thao, học tập, vui chơi rất bình thường. Nhưng khi đến khám ở các bệnh viên khác, tất cả đều cho kết quả Đăng bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống rất mong manh nếu không sớm được ghép thận.
Cả gia đình bàng hoàng, suy sụp khi hay tin em bị bệnh.
“Gia đình đặt rất nhiều niềm tin vào mình. Bởi vì từ nhỏ, mình đã học tốt, thích tìm tòi, nghiên cứu nên gia đình nghĩ sau này ra trường mình sẽ tìm được việc tốt, lương cao, đi du học và thành công trong sự nghiệp, có nhiều sáng chế hữu ích cho mọi người”, cậu cho hay.
Đăng đang chờ kết quả xét nghiệm để biết cậu có thể nhận thận để ghép từ cha mình hay không. Nếu được thì chi phí ghép thận rất cao, cả nhà nội đã bán đất để có tiền cho Đăng trị bệnh.
“Lúc mới biết bị bệnh, mình không muốn chia sẻ với ai vì sợ ánh mắt thương hại của mọi người. Nhưng sau đó, mình nghĩ mình sẽ cố gắng để mọi người nhìn với ánh mắt khác. Và mình quyết không từ bỏ ước mơ của mình”, Đăng bộc bạch.
Thận suy nhưng não không suy
Hàng tuần, Đăng phải đi chạy thận ở bệnh viên 3 lần, có những ngày chất độc tích tụ trong người làm cậu rất mệt. Cơ thể lúc nào cũng rất buồn ngủ và có thể ngủ gục bất cứ lúc nào nhưng tinh thần chàng trai lại rất lạc quan.
Trước đó, Đăng đang làm việc cho một công ty nhưng sức khỏe không đảm bảo nên xin nghỉ, dành thời gian nghỉ ngơi, trị bệnh, nghiên cứu các tài liệu học thuật.
Robot mà Đăng đang nghiên cứu chế tạo. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về giấc mơ với những con robot của mình, Đăng cho hay cậu đã thích chế tạo robot từ hồi còn rất nhỏ.
Khi nhìn thấy những con robot của Nhật, Đăng luôn muốn làm ra con robot có tính năng còn vượt hơn cả robot Asimo của Nhật, để có thể ứng dụng vào đời sống, giúp người già, làm phục vụ hay thậm chí ứng dụng vào lực lượng cảnh sát để giảm thiểu khả năng bị thương cho các chiến sĩ cảnh sát.
Chính vì thế, Đăng dự định đi du học để nghiên cứu chuyên sâu hơn và có điều kiện chế tạo robot. Nhưng với tình hình sức khỏe hiện tại, giấc mơ du học đã không còn khả quan với Đăng vì việc chuyển bệnh viện và kinh phí điều trị ở nước ngoài rất khó khăn.
Tưởng chừng như phải từ bỏ giấc mơ du học nhưng Đăng tâm sự cậu sẽ tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia những khóa học online miễn phí của trường Havard hoặc MIT và chờ đợi cơ hội nếu tình hình sức khỏe tốt hơn.
Đăng dự tính sẽ tìm kiếm những người bạn cùng đam mê như mình để có thể hỗ trợ nhau nghiên cứu.
Đăng đã tự tin nói rằng: "Thận suy nhưng não không suy, có thể mình sẽ làm được nhiều điều hơn nếu không mắc phải căn bệnh này nhưng mình có thể đi con đường khác để đến với ước mơ".