Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ước nguyện về quê thăm mộ phần con gái của người mẹ bán vé số

Ở tuổi 54, niềm vui ngày Tết của bà Cúc là được về quê, thăm mộ phần của con gái. Chỉ điều đó thôi đã đủ sưởi ấm cho những tháng ngày bán vé số của bà tại TP.HCM.

Bà Trần Thị Cúc (54 tuổi, quê ở huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên) mãi không quên cuộc điện thoại vào buổi chiều cách đây 17 năm. Người hàng xóm nấc từng tiếng nhỏ: “Chị Cúc về quê mau đi, con gái chị gặp tai nạn”.

Nghe xong, bà Cúc làm rơi cả cọc vé số trên tay, vội vã bắt chuyến xe về quê nhưng không kịp. “Đến đầu làng, nghe tiếng nhạc đám tang, thấy nhà treo cơ là tôi ngất xỉu”, ánh mắt người mẹ hằn lên nhiều nỗi đau.

Lê Ly Na (con gái bà Cúc) gặp tai nạn trên đường đi học về. Cô gái năm ấy vừa tròn 18 tuổi, anh trai đang ở quân ngũ, mẹ bán vé số tại TP.HCM. Đến lúc con mất, bà Cúc không tin được rằng mình không thể gặp con lần cuối.

Vietlott anh 1

Bà Cúc không tin được rằng mình không thể gặp con lần cuối.

Năm 14 tuổi, anh Trần Hy Trát (con trai bà Cúc) vì thương mẹ một mình chèo chống nuôi 2 con nên quyết định nghỉ học để em gái có thể đến trường. Đợt đó, anh vào TP.HCM bán vé số. Trong một lần sang đường, anh gặp tai nạn nghiêm trọng, nằm viện 3 tháng, một bên chân gãy phải nẹp đinh vít cố định. “Nghe tin, tôi bỏ hết ruộng vườn, vào TP.HCM chăm con. Đêm nào nằm ngủ, Trát cũng nhìn tôi khóc”, bà Cúc kể lại.

Không có tiền tiếp tục đóng viện phí, Trát trở về quê. Đến năm 18 tuổi, anh mới được thực hiện phẫu thuật miễn phí, tháo bỏ nẹp đinh vít trong chân. Riêng bà Cúc, vì số tiền nợ 8 triệu đồng trong thời gian nuôi con tại bệnh viện, đành ở lại TP.HCM tiếp tục thay con bán vé số.

Vietlott anh 2

Sau tai nạn của con trai, bà Cúc ở lại TP.HCM bán vé số để trả dần khoản nợ 8 triệu đồng.

Chưa được bao lâu, bà tiếp tục đón tin dữ của cô con gái nhỏ. Suốt một năm sau ngày con mất, bà Cúc gần như quỵ ngã, ngày nào cũng đứng khóc trước bàn thờ. Sang năm, bà quay lại TP.HCM để tiếp tục bán vé số. Với bà, khoảng thời gian đó không còn là những cuộc mưu sinh mà để chạy trốn đau khổ. Năm đó, bà Cúc quyết định không về quê. Đêm 30 Tết, bà làm mâm cơm giao thừa rồi tiếp tục đi bán.

“Người thân gọi điện thoại trách sao không về. Nói thật, một mình trong 4 bức tường, trong lòng tôi buồn lắm. Sáng mùng 1, ra đường không bóng người, tôi mới bật khóc. Lúc đó, tôi tự nhủ Tết nào cũng phải về quê, lo cho con mâm cơm đàng hoàng”, bà Cúc nhớ lại.

Từ đó, cứ 20 tháng chạp hàng năm, bà Cúc lại đăng ký vé xe về quê. Để có đủ tiền mua vé hơn 500.000 đồng, bà phải chắt chiu từng đồng từ việc bán vé số.

Nhìn thấy những hoàn cảnh như bà Trần Thị Cúc, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức chương trình “Chuyến xe đoàn viên”, đưa hơn 500 người khó khăn sống tại TP.HCM về quê ăn Tết. Chương trình được thực hiện thường niên như cầu nối yêu thương trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Vietlott anh 3

Chương trình “Chuyến xe đoàn viên” của Vietlott đưa hơn 500 người khó khăn sống tại TP.HCM về quê ăn Tết.

“2 năm nay, nhờ đăng ký chuyến xe đoàn viên, tôi tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng, không những được các cháu phục vụ chu đáo mà còn có thêm bao lì xì nhỏ. Tôi cảm thấy ấm áp khi được quan tâm, chăm sóc như vậy”, bà Cúc chia sẻ. Với bà Cúc, niềm vui sống của bà là mỗi dịp Tết đến, bà có thể trở về nhà, chăm sóc bàn thờ cả năm nguội lạnh của con gái.

Giang Ngân Nhi

Bình luận

Bạn có thể quan tâm