Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống bao nhiêu chén rượu để không vi phạm giao thông?

Đề xuất nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở, lái xe bị tước giấy phép 2 năm, tịch thu phương tiện, vậy uống lượng rượu, bia cụ thể thế nào sẽ bị "tuýt còi"?

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) vừa đề xuất Chính phủ phê duyệt một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người tham gia giao thông trong đó có quy định xử phạt tài xế say xỉn.

Đề xuất cụ thể như sau: Nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Vậy uống bao nhiêu chén rượu, bao nhiêu cốc bia, lượng cồn trong máu sẽ đạt các con số trên?

Theo bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân Y – Viện 103, khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố: Cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống.

Theo đó, cân nặng càng cao, tốc độ uống đồ uống có cồn càng chậm (không phải hình thức uống nockout), thời gian từ khi uống đến khi điều khiển phương tiện càng dài, nồng độ cồn trong thức uống càng thấp, nồng độ cồn trong máu sẽ càng khó đạt tới mức bị tuýt còi vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen uống bia rượu quá độ khi tham gia giao thông. Nếu đề xuất được Chính phủ phê duyệt, rất nhiều người có thể sẽ bị xử phạt, thậm chí với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện.

Bác sĩ Phúc lấy ví dụ, trong một chai rượu mạnh 40 độ, cứ 100ml rượu sẽ có 40ml cồn. Với một người có cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống 21 gam cồn (tương đương 65ml rượu 40 độ, bằng một chén rượu trung bình chúng ta vẫn sử dụng), sau 30 phút, nồng độ cồn đã có thể đạt tối đa tới con số 50mg/100ml máu. Như vậy, nếu ước lượng như thông thường, chỉ cần uống 1 chén rượu trung bình vẫn dùng để uống chè hoặc nửa lít bia, lượng cồn trong máu có thể vượt quá mức tối thiểu 50mg/100ml máu.

Bác sĩ Phúc cũng cho biết thêm, việc sử dụng nồng độ cồn ở nam và nữ khác nhau, thường ở nam giới cao hơn. Cả hai người cùng uống một loại rượu, nhưng nồng độ cồn trong máu của phụ nữ tăng cao hơn nam giới, do cơ thể người phụ nữ ít nước và nhiều mô mỡ hơn nam giới. Vì vậy, để tránh xa các mức xử phạt, phụ nữ nên uống ít hơn mức khuyến cáo trên. 


Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông.
Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Tại sao lượng cồn không được vượt quá 80mg/100ml?

Thực tế, việc căn cứ vào nồng độ cồn trong máu để ra mức quy định vi phạm an toàn giao thông không là vấn đề mới trên thế giới. Nhiều quốc gia đã áp dụng vấn đề này với các mốc tính và cách tính khác nhau.

Cồn (hay còn gọi là rượu) là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Nó làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông, cồn dễ khiến người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn.

Sở dĩ Ủy ban ATGTQG yêu cầu xử phạt khi người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu bắt đầu từ 50mg/100ml do đây là mức nồng độ cồn trong máu bắt đầu gây nhiễm độc hệ thần kinh, tức là gây ra tình trạng chếnh choáng, loạng choạng, say…

Theo bác sĩ Phúc, bằng các thực nghiệm khoa học, người ta nhận thấy, chỉ cần nồng độ cồn trong máu đạt 50mg/100ml, người điều khiển phương tiện giao thông đã không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác khi tham giao thông.

Khi nồng độ cồn bắt đầu vượt ngưỡng từ 50mg/100ml trở lên, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bắt đầu xuất hiện do hệ thần kinh bị suy giảm khả năng điều phối chính xác.

Nồng độ cồn trong máu dao động từ 50-79mg/100ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn người không uống rượu bia tới 7-21 lần. Và nếu từ 80mg/100ml máu trở lên thì nồng độ cồn này đủ khả năng gây cho người điều khiển phương tiện giao thông mất tầm kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) đề xuất Chính phủ phê duyệt một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người tham gia giao thông, áp dụng từ 15/3.

 

Đối với người điều khiển ôtô, phạt 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng đối với hành vi điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100 ml máu hoặc đến 0,25 mg/lít khí thở.

Phạt 15-20 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu 50-80 mg/ml hoặc vượt quá 0,25 mg-0,4mg/lít khí thở; đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

Tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

Người điều khiển xe máy, phạt 4-5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ 50-80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4mg/lít khí thở; đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ.

Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức trên, người điều khiển sẽ bị tước giấy phép lái xe 2 năm và tịch thu phương tiện.

 

Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kiến nghị xử phạt người tham gia giao thông của UBATGTQG, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2015.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm