Theo Medical Daily, các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy phối hợp với Viện Karrolinska ở Stockholm, đã tiến hành nghiên cứu về tác động của rượu đối với tim mạch, kể cả rượu vang, rượu mạnh hay bia. Họ theo dõi 60.665 người tham gia về lượng tiêu thụ rượu và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Kết quả trong lần nghiên cứu thứ nhất từ năm 1995-1997, 1.588 người phát triển suy tim, trong đó nguy cơ cao nhất ở những người hiếm hoặc không bao giờ uống rượu. Những người uống nhiều hơn 5 ly rượu một tháng giảm nguy cơ suy tim tới 21% so với người không uống hoặc uống rất ít, trong khi những người uống từ 1-5 ly rượu một tháng giảm 2% rủi ro.
Uống 3-5 ly rượu, bất kể rượu vang, rượu mạnh hay bia, sẽ làm giảm nguy cơ suy tim. Ảnh: Dailymail. |
Trong lần nghiên cứu thứ hai, 58.827 người tham gia được phân loại theo số lượng và số lần uống rượu. Trong đó, 2.966 người phải trải qua cơn nhồi máu cơ tim cấp tính (AMI) từ năm 1995 đến cuối năm 2008. Các phân tích cho thấy uống rượu điều độ và có kiểm soát giúp giảm nguy cơ AMI tới 28%.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh số lượng người tham gia nghiên cứu uống nhiều rượu rất ít, vì vậy họ không thể kết luận rằng uống nhiều sẽ bảo vệ cơ thể chống lại cơn đau tim hoặc suy tim. Họ cũng cảnh báo mọi người nên suy nghĩ tới nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nếu tiêu thụ rượu cao.
Cụ thể, nguy cơ tử vong từ các vấn đề tim mạch tăng cao khi bạn uống nhiều hơn 5 ly rượu mỗi tuần, trong khi những người uống lượng rượu ít có nguy cơ thấp nhất. Uống rượu nhiều cũng gia tăng nguy cơ tử vong do bệnh gan.
Giáo sư Janszky và nhóm của ông thuộc Viện Karolinska khẳng định nghiên cứu này không khuyến khích mọi người uống rượu mỗi ngày để có trái tim khỏe mạnh. Ông cho biết: "Rượu giúp cải thiện lượng cholesterol tốt hơn. Tuy nhiên thức uống này cũng có thể làm tăng huyết áp, do đó tốt nhất bạn chỉ nên uống lượng rượu vừa phải và điều độ. 3-5 ly mỗi tuần là phù hợp cho tim mạch luôn khỏe mạnh".
Kết quả của 2 nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Internal Medicine và tạp chí International Journal of Cardiology.