GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho hay ngộ độc rượu (say) là trạng thái của một người khi vừa uống một lượng rượu lớn, gây rối loạn hành vi và có ít nhất một trong 6 biến đổi về cơ thể tương ứng với mức độ ngộ độc rượu.
Người ta định lượng nồng độ rượu trong máu để xác định mức độ ngộ độc rượu.
- Nồng độ từ 80-100 mg trong 100 ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe.
- Nồng độ cồn từ 100-200 mg/100ml máu gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định, nặng hơn có thể gây thất điều, cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng.
- Nồng độ cồn là 150 mg/100 ml máu có nghĩa khả năng dung nạp với rượu của họ rất cao. Với những người có khả năng dung nạp rượu thấp, khi có nồng độ cồn trong máu ở mức độ này sẽ bị nôn và buồn nôn.
- Nồng độ cồn là 200-300 mg/100 ml máu, bệnh nhân sẽ nói líu lưỡi, quên ngược chiều.
- Nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí.
- Đối với những người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MT. |
Về cách xác định độ cồn trong máu qua số lượng rượu bia, bác sĩ Cao Xuân Phúc, Bệnh viện 103, cho biết thêm khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố: cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống.
Bác sĩ Phúc lấy ví dụ trong một chai rượu mạnh 40 độ, cứ 100 ml rượu sẽ có 40 ml cồn. Với một người có cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống 21 gam cồn (tương đương 65 ml rượu 40 độ, bằng một chén rượu trung bình chúng ta vẫn sử dụng), sau 30 phút, nồng độ cồn có thể đạt 50 mg/100 ml máu.
Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Hậu quả do sử dụng rượu bia và mức độ say khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hoàn cảnh và cách thức uống. Một số cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia.
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam. Đối với nữ, con số này là 1 đơn vị cồn/ngày và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).