Người uống 2 tách cà phê mỗi ngày có huyết áp trung bình thấp hơn 5 điểm so với người không uống cà phê. Ảnh: Pexels. |
Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Hiệp hội Cà phê Anh ước tính mỗi ngày có khoảng 2 tỷ tách cà phê được tiêu thụ.
Theo Medical News Today, nghiên cứu chỉ ra người uống 3-5 tách cà phê/ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn người uống ít tách mỗi ngày.
Trái lại, cũng có một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể tác động tiêu cực đến các phép đo tim mạch. Ví dụ, một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống nhiều cà phê và tăng nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch ở người bị tăng huyết áp nặng.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tìm hiểu thói quen uống cà phê có ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp. Họ phát hiện ra uống cà phê thường xuyên liên quan đến việc hạ huyết áp. Nghiên cứu này xuất hiện trên tạp chí Nutrients.
Huyết áp tâm thu càng giảm khi uống từ 3 tách cà phê
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu sức khỏe của 720 nam và 783 nữ từ Nghiên cứu Tim mạch Brisighella (BHS), nghiên cứu bắt đầu vào năm 1972 với sự tham gia của người dân thuộc vùng nông thôn của Brisighella, thị trấn nhỏ ở miền Bắc Italy.
Cứ sau 4 năm, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá lâm sàng những người tham gia. Trong bài phân tích, họ đã so sánh các phép đo huyết áp khác nhau với việc tiêu thụ cà phê do người tham gia ghi nhận. Trong đó:
- Người không uống cà phê thường xuyên chiếm 14,6%.
- Người uống một tách cà phê/ngày chiếm 27%.
- Người uống 2 tách cà phê/ngày chiếm 48,3%.
- Người uống 3 tách cà phê/ngày chiếm 6,6%.
- Người uống hơn 3 tách cà phê/ngày chiếm 3,5%.
Nghiên cứu phát hiện ra người uống 2 tách cà phê/ngày hoặc nhiều hơn 3 tách có huyết áp tâm thu thấp hơn đáng kể so với người không uống cà phê. Huyết áp tâm thu đo áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Mức huyết áp tâm thu cao có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc đột quỵ và bệnh tim.
Ngoài ra, uống cà phê không ảnh hưởng đến độ cứng động mạch - tình trạng mất dần tính đàn hồi trong động mạch, có thể tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chứng mất trí nhớ và tử vong.
Tiến sĩ Yu-Ming Ni, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley, California, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết người uống 2 tách cà phê có huyết áp trung bình thấp hơn 5 điểm so với người không uống cà phê.
Hiệu quả sẽ cao hơn đối với người uống trên 3 tách cà phê, khi huyết áp trung bình của họ thấp hơn 9 điểm so với người không uống cà phê. Xu hướng huyết áp giảm khi uống nhiều cà phê vẫn xảy ra đối với các loại phép đo huyết áp khác nhau.
Chất chống oxy hóa trong cà phê có thể tăng cường sản xuất oxit nitric, giúp thành mạch máu giãn ra và hạ huyết áp. Ảnh: Pexels. |
Ảnh hưởng của cà phê lên huyết áp
Tiến sĩ Robert Segal, người sáng lập Manhattan Cardiology, New York, chia sẻ: “Caffeine trong cà phê có thể làm tăng huyết áp tạm thời bằng cách kích thích hệ thần kinh giao cảm. Nhưng về lâu dài, uống cà phê thường xuyên có thể làm giảm huyết áp một chút do cải thiện độ nhạy insulin và tác dụng chống oxy hóa”.
Tiến sĩ John Higgins, bác sĩ tim mạch thể thao tại Trung tâm Khoa học UTHealth, trường Y Houston - McGovern, cho biết thêm một số chất chống oxy hóa trong cà phê như flavonoid tăng cường sản xuất oxit nitric, giúp thành mạch máu giãn ra và hạ huyết áp.
Ngoài ra, các khoáng chất khác trong cà phê như magiê, kali, niacin hay vitamin E có thể chống lão hóa mạch máu bằng cách ngăn chặn quá trình oxy hóa gây hại và giảm tác hại viêm nhiễm. Ít bị viêm và nhiều oxit nitric hơn sẽ khiến huyết áp thấp hơn.
Hạn chế của nghiên cứu
Tiến sĩ Hoos-Thompson lưu ý nghiên cứu không đề cập đến lượng cà phê trong một tách là bao nhiêu. Việc không biết dung tích, nồng độ và liệu đồ uống có chứa caffeine đều làm hạn chế kết quả nghiên cứu.
Thêm vào đó, theo tiến sĩ Ni, nghiên cứu này chỉ tập trung vào người dân sống ở cùng một thị trấn tại miền Bắc Italy. Vì vậy, họ có thể có chế độ ăn uống, di truyền và lối sống tương tự nhau.
“Có lẽ hoạt động thể chất hoặc thói quen ăn uống, mức độ căng thẳng, hoặc một điều gì đó hoàn toàn khác đã ảnh hưởng đến mức huyết áp của họ. Trừ khi các yếu tố bổ sung này được đánh giá ở cùng một người, nếu không, sẽ rất khó để kết luận chắc chắn cà phê là tác nhân chính giúp huyết áp tốt hơn,” bà giải thích.
Tiến sĩ Ni nói thêm điều quan trọng cũng cần lưu ý là lượng cà phê do người tham gia tự báo cáo. Người Italy chủ yếu uống espresso, loại cà phê nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với cà phê pha tại Mỹ.
Bên cạnh đó, cà phê có vị ngọt từ syrup và các phương pháp rang hay pha khác nhau đều ảnh hưởng đến mức độ chất chống oxy hóa lành mạnh trong cà phê. Vì vậy, theo tiến sĩ Ni, rất khó để đi đến kết luận về lợi ích sức khỏe của cà phê.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.