Theo bác sĩ Vũ Đình Vương - Trưởng Khoa nội trú, bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bệnh nhân bị loạn thần do rượu thường ngoài 30 tuổi. Người bệnh thường bị chứng ảo giác và ảo thanh, chiếm khoảng 60%.
Trong suy nghĩ, họ luôn có những hình ảnh kỳ quặc luẩn quẩn, như nhìn thấy máu, rắn rết bò đầy mình, ma quỷ, hoặc nghe thấy tiếng hăm dọa từ người xung quanh, muốn giết hại mình...
Cũng theo bác sĩ Vương, thực tế, mọi người thường nghĩ loạn thần do rượu thường xuất hiện ở những người dân lao động chân tay như bác xe ôm, thợ hồ... Nhưng người thành đạt cũng mắc phải chứng này.
Uống rượu nhiều sẽ gây ra loạn thần. Ảnh: Robohub. |
Anh N.V.A (35 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) là kỹ sư hóa dầu ở một tập đoàn nổi tiếng. Mỗi ngày, A. uống khoảng nửa lít rượu đế, kéo dài 6 năm liền.
Trong khoảng thời gian dài đắm chìm trong rượu, A. có dấu hiệu hoang tưởng, run tay, hay nổi cáu, ghen tuông, đánh đập mọi người xung quanh không cần lý do, có khi ngồi nói nhảm một mình, thần kinh không được ổn định.
Bác sĩ Vương còn cung cấp tư liệu về bệnh nhân N.T.H (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Chị H. là y tá trong một bệnh viện ở TP.HCM nhưng do sử dụng rượu vượt mức quy định, ăn uống không đủ chất nên bị loạn thần. Mỗi ngày, chị H. không uống rượu là cảm thấy ngứa ngáy trong người, mệt mỏi và quậy phá, rượt đánh bất cứ ai.
Theo thống kê bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, tổng số lần khám bệnh F10 loạn thần do rượu, nam là 99.708 lần và nữ là 47.228 lần. Ngoài ra, tổng số người nhập viện nội trú cả nam và nữ tại bệnh viện là 113 bệnh nhân.
Tại buổi hội thảo nghiên cứu dự án Luật phòng, chống tác hại rượu bia, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Thái Lan), đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tỷ lệ tiêu thụ rượu bia. Điều đáng nói tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ uống rượu ở mức nguy hại ngày càng gia tăng”.
Điều này cho thấy, vấn đề nghiện rượu đáng báo động là mối nguy hại lớn nhất gây ra bệnh loạn thần.
Nhiều triệu chứng nguy hiểm
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Chuyên khoa Tâm thần - Nội khoa Tổng quát bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết: “Số liệu bệnh nhân loạn thần do rượu theo chuẩn đoán tiêu chuẩn ICD10 là tiêu chuẩn phân loại bảng quốc tế. Mã rối loạn tâm thần và hành vi liên quan đến rượu là F10. Trong đó được chia ra rất nhiều loại bệnh như rối loại tâm thần do rượu, lạm dụng rượu, nghiện rượu”.
Cũng theo bác sĩ Hoàn, rượu giúp cho con người phấn chấn, vui vẻ, thoải mái trong những bữa tiệc. Tuy nhiên, dùng vượt mức quy định sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như mạch máu, gan, tiêu hóa, dạ dày và cuối cùng là rối loạn về tâm thần.
“Những người nghiện rượu cũng thường có các bệnh lý mãn tính như bịa chuyện, rối loạn định hướng lực, bệnh lý não Wernicke với các biểu hiện như lú lẫn, rung giật mãn cầu, liệt cơ vận mãn, sa sút do rượu, rối loạn trí nhớ và các triệu chứng mất ngôn ngữ, mất động tác”, bác sĩ Hoàn cho biết.
Theo bác sĩ Vương, cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu tích lại trong máu. Cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa.
Trong thời gian ngắn, quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể; làm suy giảm chức năng gan, thận, ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi.
Bệnh nhân sảng rượu sẽ gây ra tình trạng co giật, nghiêm trọng hơn là loạn thần. |
“Ngoài ra, nhiều người uống rượu thường xuyên nhưng vì một bệnh lý nào đó họ ngưng rượu. Việc ngưng đột ngột, bệnh nhân sẽ lập tức bị hội chứng cai, tâm thần rối loạn.
Còn có một số bệnh lý tâm thần khác ở nghiện rượu như co giật vì rượu làm giảm ngưỡng động kinh, chứng quên thoáng qua cơn say hoặc quên hoàn toàn các sự kiện xảy ra trong cơn say”, bác sĩ Vương cho biết.
“Cắt cơn nghiện dễ, nhưng chống tái nghiện là khó”
Theo bác sĩ Hoàn, có nhiều cách điều trị bệnh loạn thần gồm: cai khô, uống thảo dược và châm cứu, thuốc chống loạn thần, thuốc đặc trị Disulfiram (chống nghiện) và bổ sung vitamin B1,12.
“Người bệnh cần phải hỗ trợ vitamin B1 và B12, điều này là bắt buộc. Bởi, quá trình chuyển hóa do rượu sẽ đốt hết B1 và B12 từ trong cơ thể một lượng lớn, nếu không bổ sung kịp thời người bệnh sẽ kiệt sức.
Ngoài ra, cần phải truyền nước nhiều, người bệnh cần ăn uống đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng thì mới mau bình phục”, bác sĩ Hoàn cho biết.
Bác sĩ Hoàn cũng khuyến cáo, gia đình không nên tự điều trị cho bệnh nhân tại nhà khi không có hỗ trợ y khoa kèm theo, rất nguy hiểm. Người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời để chẩn đoán, theo dõi để bác sĩ nắm bắt tình hình, tỷ lệ phục hồi sẽ cao hơn.
“Bệnh loạn thần do rượu cai không khó, nhưng để chống tái nghiện lại là vấn đề nan giải. Mới cai xong, bệnh nhân lại tiếp tục uống nữa thì thần tiên cũng phát điên, đừng nói người bình thường”, bác sĩ Vương nói.
Đặc biệt, người uống rượu thường không kiểm soát được bản thân, đánh mất các chuẩn mực về đạo đức. Vì thế dễ gây hấn, xâm phạm đến quyền lợi người khác và nhất là không hối hận sau khi có hành vi sai trái.
“Người nhà cần theo dõi bệnh nhân, tốt nhất là không cho uống. Ngoài ra, gia đình cần điều chỉnh cuộc sống hợp lý, không được kỳ thị, xa lánh, vì càng ruồng bỏ người bệnh càng lún sâu hơn, không cứu được”, bác sĩ Vương tư vấn.