Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống thuốc 'tiên', bệnh càng nặng

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cả tin rằng có một loại thuốc, thảo dược nào đó có khả năng chữa bá bệnh.

Bất chấp lời khuyên của thầy thuốc, người bệnh nghe theo lời đồn cứ âm thầm mua thuốc về uống để rồi tiền mất tật mang...

Không biết tự bao giờ, người bệnh đái tháo đường ở nước ta rỉ tai nhau mua mỗi lần hai chai thuốc Trung Quốc phenformin và glibenclamide về uống, với giá khoảng 25.000 đồng mỗi cặp.

Ngộ độc thuốc Tàu

Ông N.V.H. (50 tuổi, nhà ở quận 11, TP.HCM) bị bệnh đái tháo đường đã 10 năm, nghe lời bạn khuyên mua cặp thuốc Trung Quốc nói trên về uống. Sau khi uống hai thuốc này vài ngày, thấy đường huyết ổn định nên ông vui và giới thiệu cho nhiều bệnh nhân khác dùng. Một bữa nọ, ông H. đau bụng, nôn liên tục và thở hổn hển...

Sau khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện ông H. bị nhiễm toan axit lactic do dùng phenformin là loại thuốc bị cấm sử dụng.

Phenformin thuộc nhóm biguanide, có tác dụng ức chế phóng thích chất đường glucose từ gan vào máu nên chống lại sự tăng đường huyết. Thuốc bị rút khỏi thị trường Mỹ từ năm 1977 vì gây tác dụng phụ nghiêm trọng là nhiễm toan axit lactic, có thể dẫn đến tử vong với tỉ lệ 7%. Hiện nay, phenformin vẫn còn được lén lút sử dụng ở một số nước như Trung Quốc, Ý...

Gần đây, do phản ứng của các thầy thuốc về phenformin, phía cung cấp thuốc không còn ghi tên tân dược theo quy ước, mà ghi toàn chữ Trung Quốc để người bệnh và cả thầy thuốc khó lòng đọc được.

Glibenclamide thuộc nhóm sulfonylureas, có khả năng kích thích tụy tăng tiết insulin, làm giảm đường huyết rất mạnh và kéo dài, có thể gây hôn mê do tụt đường huyết.

Tuy nhiên, do tác dụng giảm đường huyết rất mạnh nên người bệnh đái tháo đường sau khi dùng thuốc này thấy lượng đường huyết của mình giảm hẳn so với trước (nhất là người bệnh có lượng đường huyết tăng cao khó kiểm soát trước đó) nên họ tin tưởng, dùng chúng vô tội vạ và lãnh hậu quả xấu.

Bà D.M. (70 tuổi, nhà quận Tân Bình) bị đái tháo đường, gần đây thấy đường huyết tăng cao nên tự ý mua nhóm thuốc kể trên uống, mới được vài ngày thì người nhà phát hiện bà nằm hôn mê. Khi vào bệnh viện, thử đường huyết cho kết quả rất thấp, phải truyền đường mới tỉnh lại.

Trong thời gian nằm viện, bà M. còn bị tụt đường huyết vài lần nữa. Nguyên nhân là do glibenclamide là thuốc gây hạ đường huyết rất mạnh và kéo dài vì thời gian bán hủy khá dài.

Khó thở do dùng thuốc chữa bá bệnh

Bà T.T.K. (44 tuổi, nhà ở Cần Giuộc, Long An) bị bệnh sỏi túi mật và rất sợ phẫu thuật. Nhà khó khăn, lên Sài Gòn làm thuê, trong một lần về quê có người giới thiệu mua thuốc cổ truyền của Campuchia có khả năng chữa bá bệnh, kể cả bệnh nan y. Sau khi uống thuốc được một ngày, bà cảm thấy mệt, hồi hộp, khó thở và nhức đầu, kèm đau nhiều vùng trên rốn.

Bà K. đến khám ở phòng mạch tư, được bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc. Bác sĩ cho biết loại thuốc này được ghi là bào chế từ chín vị thuốc Trung Quốc và chín thảo dược của người Khmer nhưng không rõ nguồn gốc.

Trong tờ bướm hướng dẫn ghi sơ sài, có dòng chữ tiếng Anh, tạm dịch: “Đây là thuốc thảo dược có thể điều trị bá bệnh cho mọi lứa tuổi. Cũng có thể trị hết các bệnh nan y”. Tin vào chuyện “thần tiên” này, bà K. đã chuốc thêm bệnh vào thân.

Y học ngày nay dù đã rất phát triển nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết mọi nhu cầu chữa bệnh, phòng bệnh, làm đẹp... Từ đó xuất hiện những lời đồn thổi về các loại “thần dược” trôi nổi. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin liên quan đến sức khỏe của mình để có những quyết định phù hợp nhằm tránh các kết cục đáng tiếc.

Cần nhớ rằng: trên đời không tồn tại loại thuốc vạn năng và không có một phương tiện y học hiện đại hay y học dân gian nào có khả năng chữa khỏi tất cả loại bệnh.

Do đó, đối với các đơn thuốc dân gian, cần có một thái độ thận trọng, chỉ có thể chỉ định cho bệnh nhân một loại thảo dược nào đó sau khi tư vấn với bác sĩ điều trị (theo trang web www.callisia.org).

Chưa giảm cân đã nhập viện

Nhiều phụ nữ tìm các phương pháp làm đẹp phi chính thống. Từ việc sử dụng kem trộn, tắm trắng, hút mỡ bụng bằng ống chích to không bảo đảm... đến dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.

Chẳng hạn như bà N.T.L. (50 tuổi, quê An Giang) nghe theo người bạn mua thuốc giảm béo là hàng xách tay từ Thái Lan. Thuốc có nhiều loại, không ghi công thức, được để trong túi nilông. Sau khi uống hai liều, bà mệt mỏi rũ rượi bèn đi bác sĩ kiểm tra.

Nhìn các túi thuốc, bác sĩ lắc đầu ngao ngán vì chẳng biết chúng chứa thành phần gì.

Các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là thảo dược có khả năng giảm béo phì hiệu quả mà ít tác dụng phụ cũng có loại không an toàn. Nghe đồng nghiệp, cô N.T.H. (33 tuổi, nhà ở quận 11) mua thảo dược do một công ty của Trung Quốc sản xuất về uống.

Sau khi uống viên đầu tiên, cô H. có biểu hiện yếu liệt toàn thân, không cử động và không nói được lời nào dù vẫn rất tỉnh táo. Được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Trưng Vương, mặc dù các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết nhưng lúc đầu cũng không tìm ra dấu hiệu nào có thể giải thích cho tình trạng bệnh của cô H..

Cuối cùng thủ phạm gây ra tình trạng này cũng được bác sĩ tìm ra, đó là do thực phẩm chức năng dùng để giảm béo phì.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20141109/uong-thuoc-tien-benh-cang-nang/669354.html

Theo BS Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện Trưng Vương)/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm