Bác sĩ chuyên khoa sản Cao Phương Thảo, thuộc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội cho biết: thuốc tránh thai khẩn cấp là loại thuốc chỉ dùng trong các trường hợp “cơ nhỡ” khi không kịp dùng các biện pháp tránh thai đơn thuần hoặc các phương pháp khác bị thất bại. Nó hoàn toàn không phải biện pháp tránh thai hàng ngày để có thể sử dụng như “cơm bữa”. Thuốc tránh thai là một dạng thuốc nội tiết đưa vào cơ thể có tác dụng ức chế sự rụng trứng. Nó ngăn cản có thai, không cho thai làm tổ chứ không làm hư thai, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thainhi.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cặp đôi vẫn tìm đến loại thuốc này như một biện pháp an toàn cấp tốc để rồi rước những hậu quả đáng tiếc.
Thuốc tránh thai khẩn cấp không phải biện pháp tránh thai hàng ngày để có thể sử dụng như “cơm bữa”. |
Có bầu vì chủ quan
Vợ chồng chị Hạnh (Đại Đồng – Chương Mỹ, Hà Nội) đã có hai con. Vì có cả con trai và gái rồi nên anh chị cũng không có ý định sinh thêm nữa. Đang trong thời gian cho con bú nên chị cũng không muốn dùng thuốc tránh thai hàng ngày. Vậy nên, chị Hạnh thường dùng thuốc tránh khẩn cấp gần như phương pháp “hữu hiệu” mỗi khi vợ chồng chị quan hệ. Sau vài tháng, chị thấy mình bị chậm kinh, trong người có biểu hiện lạ, da xanh… Chị giật mình đi khám bác sĩ cho biết chị có thai 6 tuần.
Đến lúc này anh chị không biết phải làm thế nào, con còn nhỏ, kinh tế gia đình không mấy khá giả. Suy nghĩ đi tính lại, anh chị quyết định đi phá thai.
Cũng như chị Hạnh, chị Vân (Phương Liệt – Hoàng Mai) năm nay đã ngoài 40 tuổi và có 2 cậu con trai đã lớn. Aanh chị không có ý định sinh thêm con. Nhưng vì cơ thể chị thường dị ứng với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên vợ chồng chị thường chọn biện pháp xuất tinh ngoài hoặc uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Nhưng khi chậm kinh tới gần 1 tháng, chị Vân bắt đầu lo lắng và đi khám thì mới biết mình lại dính bầu.
Chị Lan, 21 tuổi (Nam Định) đang là sinh viên của một trường Đại học ở Hà Nội. Chị Lan có người yêu đã lâu, hai người người thường xuyên có quan hệ tình dục và chọn cách tránh thai là thuốc tránh thai khẩn cấp. Gần đây khi thấy cơ thể có biểu hiện lạ, lại chậm kinh đến cả tháng trời, bụng to ra, chị Lan mới đi khám thì bác sĩ cho biết chị đã mang thai được khoảng hơn 7 tuần 5 ngày. Chị Lan tâm sự sau mỗi lần “quan hệ”, em đều uống thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên. Nhưng em không hiểu tại sao em lại “dính” bầu để dẫn đến hậu quả phải đi phá thai ngoài ý muốn này.
Đừng lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Bác sĩ Thảo cho biết thêm, cũng có những trường hợp uống thuốc rồi mà vẫn có bầu là do thai đã hình thành trước đó, nên lần thứ 2 uống thuốc mới không hiệu quả. Hoặc có thể do người sử dụng không đúng cách, quá thời gian giao hợp, lạm dụng thuốc (dùng quá 2 lần trong một tháng). Hiệu quả của thuốc giảm dần nếu việc dùng thuốc cách xa thời điểm quan hệ, mà thuốc khuyến cáo nên không có tác dụng tránh thai đôi khi nó tùy thuộc vào nội tiết tố của mỗi người nữa. Chính vì thế khả năng tránh thai không còn.
Theo khuyến cáo, thuốc tránh thai khẩn cấp không được sử dụng quá 2 lần/tháng, nghĩa là không quá 2 viên (đối với loại 1 viên/liều) hoặc 4 viên (đối với loại 2 viên/liều)” . Vì nếu lạm dụng nhiều, thuốc không những không có tác dụng ngừa thai mà lại còn dẫn đến những tác dụng phụ như làm rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, nhức đầu, chóng mặt, tăng cân… Rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Dùng nhiều còn có khả năng gây vô sinh sau này.
Sử dụng biện pháp ngừa thai khẩn cấp nhưng lại có thai ngoài ý muốn sẽ luôn làm cho các bà mẹ tương lai lo sợ. Nên để thai hay bỏ đi, thai có bị ảnh hưởng gì không… Tuy vậy nếu chẳng may bị mang thai khi đã dùng thuốc, bạn cũng không nên quá lo lắng mà hãy đi khám sớm để được các bác sĩ tư vấn thêm về cách giữ gìn sức khỏe.
Chính vì thế, khi có nhu cầu tránh thai, các bạn nên tìm hiểu kỹ cách sử dụng và các tác dụng phụ được khuyến cáo. Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn các biện pháp tránh thai cho đúng. Để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.