Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống thuốc tránh thai trị mụn: Nên hay không?

Nhiều em gái tuổi dậy thì khi bị mụn trên mặt đã uống thuốc tránh thai để trị mụn. Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, đây là cách chữa mụn nguy hại cho sức khỏe.

Uống thuốc theo lời khuyên... truyền miệng

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc tránh thai như thuốc Regulon (hay còn gọi là viên hoa hồng xanh), thuốc Marvelon... qua lời giới thiệu của những người bán thuốc thì chúng đều có công dụng trị mụn tuyệt vời. Giá bán những loại thuốc trên cũng khá rẻ, không cần bán theo đơn nên rất nhiều người sau khi thấy hiệu quả đã uống loại thuốc này thường xuyên và mách bảo nhau sử dụng mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

Không nên sử dụng thuốc tránh thai trong điều trị mụn.

Em Thu Thuỷ (16 tuổi) vài tháng nay rất đau khổ vì trên mặt mụn mọc chi chít. Nghe bạn học cùng lớp mách uống thuốc tránh thai Diane 35 sẽ hết mụn, không ngần ngại, Thuỷ ra hiệu thuốc mua một vỉ về uống và thấy trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc ghi rõ là có công dụng trị mụn cho cả tuổi dậy thì lẫn phụ nữ trên 20 tuổi nên rất yên tâm.

Uống hết một vỉ 21 viên thấy đỡ mụn, Thuỷ lại mua tiếp vỉ nữa để uống, với hy vọng lấy lại gương mặt nhẵn nhụi.

Em Thái Hoà (18 tuổi) bị mụn đã nhiều năm, khi có người mách uống thuốc tránh thai khỏi mụn đã mua ngay về dùng. Sau vài tuần, các mụn trên mặt bay dần và Hoà lại mách phương thức thần kỳ đó cho các bạn nữ khác.

Chữa mụn dẫn đến vô sinh

Vì sợ mụn quay trở lại nên nhiều bạn trẻ đã uống thuốc tránh thai liên tục mà không hề quan tâm đến những sự thay đổi bất thường của cơ thể như vòng kinh không đều, hay hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tăng cân, nám da hai bên má, tàn nhang dưới quầng mắt... Đó là những tác dụng phụ của thuốc tránh thai nội tiết tố gây nên.

Theo các bác sĩ chuyên ngành da liễu, không được sử dụng các loại thuốc tránh thai nội tiết tố trong điều trị mụn trứng cá. Vì khi uống những viên thuốc nội tiết tố, buồng trứng và chu kỳ kinh nguyệt đều sẽ bị ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng. Trứng không chín, không rụng hàng tháng như bình thường. Nếu nội tiết tố cứ được đưa từ ngoài vào một cách thường xuyên, cơ chế sản sinh nội tiết tố của buồng trứng không cần hoạt động nữa. Sau này, khi ngừng thuốc, nội tiết tố không được đưa vào cơ thể, chúng ta sẽ khó mà bắt buồng trứng hoạt động tốt trở lại.

Đó là chưa kể, khi ngừng thuốc, mụn sẽ lại xuất hiện. Để điều trị mụn, các bác sĩ khẳng định rằng không có biện pháp nào là điều trị tận gốc. Cách tốt nhất là cần làm lành các tổn thương do mụn để không gây sẹo bằng cách dùng thuốc uống, thuốc bôi, thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn gây mụn. Tất cả các loại thuốc trên đều cần dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/uong-thuoc-tranh-thai-tri-mun-nen-hay-khong-20100528083036419.htm

DS Trần Thúy Mỵ/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm