Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Út 'trọc' nói gì khi sử dụng bằng giả để thăng tiến?

Đinh Ngọc Hệ nói năm 2005 ông ta biết bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân là giả nên không sử dụng từ thời điểm đó.

Chiều 30/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và 4 người khác liên quan đến những sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này tiếp tục diễn ra phần xét hỏi.

Út "trọc" một lần nữa khẳng định ông không sử dụng bằng giả từ năm 2005. Trước tòa, bị cáo 47 tuổi khẳng định hồ sơ của ông gặp vấn đề về bằng cấp là do "sai sót của cơ quan chức năng".

Út 'trọc' nói về việc sử dụng bằng đại học giả Trước tòa, Út "trọc" nhiều lần khẳng định không sử dụng bằng đại học giả từ năm 2005.

"Không phải lỗi của bị cáo"

Trả lời câu hỏi đại diện cơ quan công tố về cáo buộc sử dụng bằng giả, bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói năm 2005 ông ta biết bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân là giả nên không sử dụng từ thời điểm đó.

Trước lời khai này, cơ quan kiểm sát quân sự đã trình bày tài liệu thu thập cho thấy hồ sơ đảng viên của Út “trọc” khai các năm 2007, 2010, 2012 đều có bản sao chứng thực bảng điểm, bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Khi kiểm sát viên đề nghị HĐXX làm rõ tình tiết này, Út "trọc" đã xin được trình bày.

Xet xu Ut troc anh 1
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ được lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dẫn giải vào phòng xét xử. Ảnh: Bá Chiêm.

Một lần nữa Đinh Ngọc Hệ khẳng định không sử dụng bằng giả tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân từ 2005.

“Các quyết định bị cáo thăng quân hàm từ 2010, 2011, 2012 đều lúc thế này lúc thế kia. Sai tất cả do các cơ quan chức năng, chứ không phải bị cáo kê khai cái đó”, Út “trọc” cho rằng bản thân không có lỗi khi chỉ ký vào hồ sơ nhờ Phòng Chính trị kê khai.

Không có bằng đại học này, bị cáo có được nâng lương, ngạch, quân hàm cao cấp không? HĐXX đặt câu hỏi. Đinh Ngọc Hệ nói: "Nếu không có sơ suất của cơ quan chức năng, năm 2014, bị cáo đã có bằng đó rồi”.

Thời điểm năm 2011, 2012, 2013 nếu không có bằng Đại học thì có được thuyên chuyển không? HĐXX tiếp tục truy vấn. “Bị cáo vẫn nghĩ 2011 bị cáo vẫn như thế. Đến khi ủy ban kiểm tra vào cuộc thì mới biết cơ quan chức năng kê sai, chứ không phải bị cáo cố tình kê sai”, bị cáo Hệ trả lời.

Khi HĐXX nói với tư cách sĩ quan, khi ký vào lý lịch đảng viên, Đinh Ngọc Hệ chịu trách nhiệm với lời khai của mình, Út “trọc” khẳng định: "Sự thật là như thế, mong HĐXX xem xét".

Cựu Sư đoàn trưởng 367 nói gì về việc giúp Út "trọc"?

Cáo trạng cáo buộc Út “trọc” cùng các bị can Trần Văn Lâm (Tổng giám đốc công ty Thái Sơn Bộ Q.P), Bùi Văn Tiệp (Cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không - Không quân) và Trần Xuân Sơn (Giám đốc chi nhánh công ty Thái Sơn tại Bình Dương) làm giả hợp đồng gửi xăng dầu để hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng không đạt chuẩn.

Tại tòa, bị cáo Bùi Văn Tiệp khẳng định ông ký vào hợp đồng thể hiện Sư đoàn 367 gửi hơn 2.000 lít dầu khi giấy tờ đã có chữ ký của giám đốc chi nhánh Trần Xuân Sơn. “Tôi nhớ lại hợp đồng được đánh máy sẵn được điền bằng bút mực màu xanh vào chỗ trống. Chữ ký Sơn màu xanh, rất đơn giản ở góc dưới bên phải văn bản. Tôi còn lấy cái bút chỉ vào đây hỏi ông Sơn này là ai thì ông Lâm nói Sơn là giám đốc chi nhánh”.

Xet xu Ut troc anh 2
Bị cáo Bùi Văn Tiệp. Ảnh: P.A.

Giãi bày về việc đặt bút ký, ông Tiệp nói: “Lúc đầu tôi cũng đắn đo”. Sau khi Đinh Ngọc Hệ gọi điện, bị cáo Lâm đã gặp ông trình bày rằng kho xăng dầu bị kiểm tra là của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng để lâu kém chất lượng. Hơn 40 năm công tác trong quân đội, ông Tiệp từng gặp tình trạng này nên không nghi ngờ.

Cựu Sư đoàn trưởng 367 nói ông giúp đỡ một phần cũng vì thấy bị cáo Trần Văn Lâm nói bên Quản lý thị trường hướng dẫn Công ty Thái Sơn lập hồ sơ. Ngoài ra, công ty của Đinh Ngọc Hệ và Sư đoàn 367 cũng là chỗ quen biết, từng giao lưu.

“Mục đích của tôi là giúp nhau để bảo vệ danh dự quân đội để khỏi bị phạt, mang tiếng “, bị cáo Tiệp nói ông đã đã khai báo điều này rất rõ với cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, khi trả lời xét hỏi của luật sư, bị cáo Trần Xuân Sơn lại khẳng định ông Tiệp ký trước vào hợp đồng thể hiện Sư đoàn 367 gửi hơn 20.000 lít xăng dầu. Giám đốc chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương khai khi nhận được hợp đồng đã thấy ông Tiệp ký. Ngoài ra, hồ sơ còn có 2 giấy giới thiệu của đơn vị nơi ông Tiệp công tác.

Được mời lên đối chất, bị cáo Trần Văn Lâm cũng bác lời khai của cựu Sư đoàn trường 367 và cho rằng “chắc chỗ này anh Tiệp nhớ nhầm”. Tổng giám đốc công ty Thái Sơn Bộ Q.P khẳng định sau khi Út “trọc” bảo soạn thảo hợp đồng, bị cáo này đã mang lên ông Tiệp ký trước, sau đó mới mang đưa cho Sơn.

Phiên tòa tạm nghỉ lúc hơn 17h. Sáng mai (31/7), tòa sẽ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Vì sao Út "trọc" hầu tòa?

Theo cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương, bị can Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ Chủ tịch Công ty Thái Sơn, đã mua ôtô bằng vốn tự có rồi đăng ký biển số quân sự, biển xanh. Út "trọc" sau đó chỉ đạo cấp dưới cho thế chấp, cho thuê, giao hàng chục xe cho cá nhân, tổ chức bên ngoài sử dụng trái quy định.

VKS còn xác định quá trình công tác, Đinh Ngọc Hệ đã mua bằng đại học, bảng điểm giả để sử dụng trong việc kê khai hồ sơ xin nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm.

Cơ quan công tố cáo buộc Đinh Ngọc Hệ cùng các bị can Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng, giấy tờ gửi xăng dầu, kê khai không trung thực với các cơ quan chức năng Bình Dương để hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng không đạt chuẩn.

Vì sao cựu thượng tá Út 'trọc' phải hầu tòa quân sự? Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi cá nhân, sử dụng bằng cấp giả và câu kết hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng.

Út 'trọc' phủ nhận lời khai của đồng phạm

Nghe các đồng phạm từng là cấp dưới khai họ làm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, bị cáo từng mang quân hàm thượng tá phủ nhận và cho rằng các lời khai đó không có căn cứ, vu khống.


Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm