Ở các dòng ôtô số tự động hay hộp số vô cấp ngày nay, có nhiều kiểu thiết kế tùy theo nhà sản xuất để tạo sự khác biệt cũng như điểm nhấn riêng cho nội thất của từng nhà sản xuất.
Mỗi cách bố trí có những ưu nhược điểm nhất định trong sử dụng. Dưới đây là các điểm cộng và hạn chế của mỗi loại cần số trên xe số tự động, từ thiết kế theo hàng dọc, zic-zac, núm xoay cho đến nút bấm.
Cần số thẳng hàng hay cần số điện
Honda, Ford, Mitsubishi, Mazda, Hyundai hay Kia là các hãng xe đang có cần số tự động gồm số P - R - N - D cùng nằm trên một đường thẳng. Trong khi đó, chế độ sang số bán tự động sẽ được đặt cạnh số D và cho phép người lái chủ động chọn cấp số khi di chuyển.
Đây là kiểu thiết mang hơi hướm hiện đại, giúp cabin trông gọn gàng và trẻ trung hơn. Tuy nhiên, cần số thẳng hàng ở các thương hiệu phổ thông khi chuyển số dễ gặp tình trạng nhầm vị trí, nhất là khi vào số lùi R hoặc N nằm ở giữa dải số. Điều này dễ gây bất tiện cho người lái khi muốn thao tác lùi xe nhanh.
Cao cấp và dễ sử dụng hơn là kiểu trang bị cần số điện tử. Loại cần số này cũng có các bước số nằm liên tục nhau, gồm R - N - D, nhưng mỗi bước chuyển số tương ứng với một lần đẩy tới trước hoặc kéo cần số về sau, hạn chế việc vào nhầm số. Ngoài ra, người lái cũng chỉ cần bấm vào nút P là từ bất kỳ vị trí số nào thì hộp số cũng được gài về vị trí đỗ.
Peugeot và VinFast là 2 hãng xe phổ thông có trang bị kiểu cần số điện tử này trên các mẫu xe như 3008, Lux A2.0 hay Lux SA2.0. Trong khi đó, hầu hết thương hiệu xe sang đều có loại cần số này, chẳng hạn BMW, Audi, Porsche, Volvo, Jaguar, Land Rover…
Dù vậy, vẫn có vài dòng ôtô đắt tiền hiện nay trang bị dạng cần số thẳng hàng, đơn cử có Lexus là hãng xe sang trung thành với kiểu cần số cơ học này. Riêng Mercedes-Benz lại phổ biến với cần số điện tử nằm trên vô-lăng, thay thế cho vị trí cần gạt nước, chỉ một số ít model hiệu năng cao AMG có cần số điện tử.
Cần số bố trí zic-zac
Trên thị trường ôtô Việt Nam, nhắc đến cần số bố trí kiểu zic-zac thì nhiều người lái sẽ nhớ đến xe Toyota. Hãng xe Nhật Bản là nhà sản xuất hiếm hoi sử dụng kiểu bố trí này cho các mẫu xe dùng hộp số tự động hay hộp số CVT.
Vẫn có số ít dòng xe Toyota tại Việt Nam có cần số kiểu thẳng hàng, nhưng đó là các model được phát triển trên nền tảng thiết kế mới, chẳng hạn như Corolla Cross hay Land Cruiser 2021.
Đối với cách thiết kế hộp số gấp khúc, người lái gần như không thể bị nhầm lẫn khi chuyển số. Khi đã sử dụng lâu ngày, thao tác chuyển số sẽ trở nên quen thuộc và không cần nhìn cũng có thể chọn đúng cấp số mong muốn, từ P, R, N đến D.
Đổi lại, đường di chuyển ngoằn ngoèo khiến thao tác sang số phần nào chậm hơn các kiểu hộp số tự động khác. Đồng thời, thiết kế zic-zac trông kém bắt mắt hơn so với kiểu cần số thẳng hàng được bọc da.
Cần số kiểu núm xoay
Thương hiệu nổi tiếng nhất kiểu sang số sử dụng núm xoay là Jaguar Land Rover, bao gồm cả các dòng xe Range Rover. Từng có thời gian các mẫu ôtô đến từ Anh quốc nổi tiếng nhờ vào kiểu cần số độc đáo này, tuy nhiên vài năm qua Jaguar Land Rover đã từ bỏ đặc trưng vốn có để chuyển sang kiểu cần số điện tử.
Hiện nay, một vài hãng xe phổ thông đã ứng dụng loại cần số dạng xoay này để tăng tính sang trọng cho khoang lái. Trước Kia Sorento facelift ra mắt cuối năm 2020, mẫu SUV Trung Quốc Zotye Z8 cũng từng gây chú ý với khách hàng Việt Nam cần số núm xoay. Trên thế giới, cần số núm xoay cũng khá phổ biến trên các dòng ôtô điện.
Đẹp mắt và cao cấp có thể xem là ưu điểm chính của loại cần số kiểu núm xoay. Dù vậy, khi so sánh cần số điện tử thì thao tác sử dụng không thuận tiện bằng. Chẳng hạn, để chuyển từ vị trí số D hay S (Sport) về P, người lái phải xoay nhiều lượt, trong khi ở cần số điện tử chỉ cần một nút bấm.
Cần số kiểu nút bấm
Dù đã có mặt trên ôtô nhiều năm, cần số điện tử dạng nút bấm đến nay không được nhiều hãng xe sử dụng. Hyundai là hãng xe hiếm hoi tại Việt Nam hiện bán xe có kiểu cần số này với Santa Fe và Palisade. Honda cũng là thương hiệu châu Á hiếm hoi trang bị cần số nút bấm trên vài mẫu xe bán ở Bắc Mỹ hay Nhật Bản.
Điểm cộng chính của cách thiết kế nút bấm riêng biệt cho cần số là tối giản thao tác sang số. Đổi lại, người lái cần thời gian để làm quen với cách sử dụng mới, trái ngược hoàn toàn với thói quen cầm nắm cần số bấy lâu nay.
Cần số điện tử dạng nút bấm không phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: TC Motor. |
Bên cạnh đó, cách bố trí các nút bấm cũng góp phần quyết định tổng thể nội thất có đẹp mắt và tiện dụng hay không. Nằm xa tầm tay người lái hay quá nút rối rắm sẽ khiến kiểu cần số này phản tác dụng.