Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII. Ảnh: Minh Quang. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ: Có người cho rằng Đại hội XII sẽ là khởi xướng cho công cuộc Đổi mới lần thứ hai. Hiểu như vậy cũng được vì nội dung Đại hội XII bên cạnh dân chủ và trách nhiệm cũng phải có tinh thần Đổi mới. Đổi mới thể hiện trong văn kiện và mỗi đại biểu mang đến cho Đại hội.
Chúng ta hài lòng với những thành tựu đạt được từ Đổi mới nhưng cũng không bằng lòng với những non kém, bất cập. Đơn cử như các vấn đề kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc như thế nào, làm thế nào vừa phát triển chiều rộng, vừa phát triển chiều sâu... Chúng ta đã có thực tiễn 30 năm qua để thấy bây giờ cần Đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng và bền vững. Đó là mong muốn của toàn đảng, toàn dân và toàn quân trong Đại hội XII
Cán bộ đặc quyền đặc lợi thì không phải cán bộ cách mạng
- Với những mong muốn như vậy thì yêu cầu, thách thức nào được đặt ra với thế hệ lãnh đạo mới?
- Qua thảo luận nhân sự ở các kỳ hội nghị trung ương gần đây, đặc biệt là Hội nghị 11, 12, 13 và 14 đặt ra yêu cầu những người được chọn vào Ban chấp hành Trung ương phải thực sự có đức có tài, phải gương mẫu, tận tụy và có quyết tâm, tư duy và năng lực đổi mới.
Sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng trong thời gian tới phải được nâng tầm lên, bằng đường lối, nghị quyết của Đảng và sau đó lãnh đạo để thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của nhà nước. Tạo nguồn lực, điều kiện để Nghị quyết ĐH XII tới đây đi vào cuộc sống, phải trăn trở, phải đổi mới không chỉ ở tầm quốc gia mà ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mỗi người trăn trở, quyết tâm và có tư duy đổi mới, có hướng đổi mới đúng đất nước sẽ chuyển mình mạnh mẽ.
- Tư duy, năng lực đổi mới được cụ thể qua tiêu chí, tiêu chuẩn, đánh giá như thế nào với các tân Ủy viên Trung ương?
- Những người trong danh sách đưa ra để đại hội bầu được chuẩn bị kỹ lưỡng qua các vòng làm công tác nhân sự. Có thể nói đó là những phương án gần như tốt nhất ở từng ngành, từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Người dân mong muốn ở những người này sự quyết tâm, tư duy đổi mới, có đức có tài. Đức ở đây, trước hết phải trong sạch, không dính vào nhóm lợi ích, không có biểu hiện giàu lên nhanh chóng, xa rời nhân dân. Đặc biệt phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Người cán bộ trong điều kiện mới đương nhiên không ai yêu cầu phải khắc khổ, nhưng phải nhìn mức sống của những người bên cạnh, của nhân dân, của đồng bào vùng sâu, vùng xa như thế nào để anh sống và làm việc. Nếu như làm cán bộ mà đặc quyền đặc lợi thì không phải là cán bộ cách mạng. Đảng và người dân không bao giờ chấp nhận những cán bộ như thế.
Chủ quyền trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng
- Lần đầu tiên bảo vệ Tổ quốc trở thành thành tố trong chủ đề Đại hội Đảng, ông có thể cho biết rõ thêm về nội dung này?
- Tình hình thế giới và khu vực hiện nay liên tục thay đổi, có những thay đổi mau chóng và có những thay đổi chúng ta phải chủ động nắm bắt rất sớm tình hình để có giải pháp phù hợp. Đơn cử, chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng. Nước ngoài (Trung Quốc – PV) đã xây đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa máy bay dân dụng ra đấy. Tới đây, chắc chắn họ sẽ từng bước quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảng và toàn dân phải thấy rằng để giải quyết vấn đề này quả thật không dễ. Chúng ta không thể nói là cứ lớn tiếng phản đối, dù sự phản đối là cần thiết. Cũng không thể dùng các biện pháp bức xúc, thiếu kiểm soát. Cuộc đấu tranh ấy phải bằng giải pháp ngoại giao, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Chúng ta đã làm khá tốt việc đó thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt xây dựng khối đoàn kết ASEAN, để có đối sách hợp lý, tạo được áp lực buộc những người, những nước vi phạm pháp luật quốc tế phải tự điều chỉnh.
- Liên quan đến chủ quyền, ngay tại thời điểm này, giàn khoan 981 của Trung Quốc đang được đặt ngay ngoài cửa Vịnh Bắc bộ của Việt Nam. Những ngày vừa qua, Trung Quốc liên tục đưa máy bay vi phạm vùng FIR HCM của Việt Nam. Điều này đặt thách thức như thế nào đối với nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh chủ quyền trên mặt trận thông tin, thưa ông?
- Báo chí phải tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng. Chúng ta phải làm sao vừa đấu tranh với các hành động sai trái, vừa thực hiện đoàn kết quốc tế, ngay cả đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, các nước láng giếng, để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với những sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong nước cần thông tin để người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có những hành động bức xúc thái quá. Vài năm trước, một số nơi ở Việt Nam xuống đường, biểu tình, gây ra các vụ đập phá. Những hành động manh động, thiếu kiểm soát này về cơ bản không giải quyết được vấn đề gì. Trên thực tế, chúng ta mất nhiều hơn, về cả kinh tế và ảnh hưởng uy tín. Chúng ta kiên quyết phản đối những hành vi vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, bằng hành vi tạo xung đột.
- Nhiệm kỳ vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam đã chủ động nói với dân về Biển Đông qua diễn đàn Quốc hội. Sau Đại hội XII, việc thông tin cho dân về tình hình diễn biến phức tạp trên biển đảo, ở biên giới, về quyết sách đối sách để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như thế nào, thưa ông?
- Thông tin về biển đảo thường phức tạp. Ví dụ, tàu ngư dân Việt Nam bị đâm trên biển, cần xác định tàu đâm tàu Việt Nam là đến từ nước nào, không thể ngay một lúc mà có thông tin chính xác được. Các cơ quan chức năng phải điều tra rất kỹ, không thể có chuyện tàu nước này đâm mà lại thông tin là tàu nước khác đâm.
Điều đó ảnh hưởng ghê gớm đến ngoại giao. Báo chí luôn có nhu cầu và áp lực phải thông tin nhanh, sớm. Tuy nhiên, với các vấn đề phức tạp cần sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, sự chính xác. Vì thế, trách nhiệm của người làm báo cần có ứng xử bản lĩnh, không vì nghe người này người khác nói mà đưa tin thiếu kiểm chứng. Thông tin phải từ cơ quan chức năng có thẩm quyền phát ngôn.
Rùa Hồ Gươm chết: không nên suy diễn
- Các cơ quan báo chí giờ đây không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với mạng xã hội. Thông tin trên mạng xã hội đầy rẫy và thiếu kiểm chứng. Liệu cơ quan chức năng có điều chỉnh, làm mới để đảm bảo báo chí thông tin nhanh, đầy đủ và xác tín?
- Trước hết việc này phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của phóng viên, cơ quan chức năng cung cấp thông tin càng đầy đủ, nhanh, chính xác thì càng tốt. Đơn cử, việc cụ rùa Hồ Gươm ra đi chiều qua. Với người Việt, cụ rùa Hồ Gươm là một biểu tượng thiêng liêng ngàn năm nay, đặc biệt là truyền thuyết về trao trả gươm báu sau khi vua Lê đánh tan quân xâm lược thể hiện hòa hiếu, hòa bình của Việt Nam.
Sự ra đi đó là một tổn thất mặc dù, theo quy luật của con người hay động thực vật, đều có sinh lão bệnh tử, chuyện đó là bình thường. Một số thông tin trên mạng cho rằng hình như có sự ngăn cấm thông tin. Tôi xin khẳng định, không ai ngăn cấm cả. Vấn đề là chúng ta đưa tin thế nào, không nên suy diễn. Tôi cho rằng những việc như thế này báo chí cần phải thông tin có trách nhiệm, ngay cả mạng xã hội không nên suy diễn, đồn đoán, làm cho dư luận, công chúng lo lắng.
- Đó là từ góc độ báo chí đưa tin và người dân khi tiếp cận với thông tin. Còn từ góc độ của cơ quan chức năng, liệu có điều chỉnh cách ứng xử với báo chí, thông tin mạng, để tạo môi trường thông tin cởi mở, minh bạch, dễ dàng tiếp cận?
- Chúng ta đã có quy chế về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, vấn đề là thực hiện như thế nào. Cơ quan công quyền phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Cũng có một số cơ quan báo chí, nhà báo nhiều khi trong xử lý quan hệ với cơ quan chức năng có trục trặc nhất định, có khi thông tin không đầy đủ. Người ta nói cả mặt mạnh, mặt yếu thì nhà báo chỉ khai thác mặt yếu. Một câu nói đặt trong văn cảnh, cắt ra văn cảnh, công chúng hiểu khác. Nói cách khác, cũng có lỗi của báo chí nên các cơ quan chức năng, công quyền vì thế cũng ngại, không muốn trả lời. Nhiều khi không khéo thì thành vạ miệng, thậm chí bị dư luận "ném đá".
Khi đưa lên báo chí rồi, có nhiều bình luận, mạng xã hội đi theo, nhiều vị dù rất trách nhiệm, tâm huyết nhưng khi phát ngôn không loại trừ việc lỡ lời. Công chúng phải thông cảm, chia sẻ với cơ quan chức năng.