Theo CNN, biến chủng đầu tiên, B117, xác định ở Anh, đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Dù ban đầu các nhà nghiên cứu lo lắng nó có thể đã thay đổi để tránh được sự bảo vệ của vaccine, nhiều bằng chứng cho thấy điều đó không xảy ra.
Tuy nhiên, biến chủng thứ hai, 501.V2, xuất hiện ở Nam Phi, đã thay đổi giúp virus ít nhất phần nào tránh được khả năng miễn dịch của một số loại vaccine hiện tại.
Biến chủng SARS-CoV-2 có thể làm gì?
Tiến sĩ Buddy Creech, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), người tham gia vào thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19, cho biết tất cả vaccine hiện tại đều nhắm vào protein đột biến - cấu trúc mà virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào nó tấn công.
"Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ tập trung vào phần quan trọng của virus. Đây là phần rất dễ nhận biết và các loại vaccine đang được phát triển đều nhằm mục đích huấn luyện cơ thể nhận ra và tấn công nó", tiến sĩ Creech nói.
Biến chủng SARS-CoV-2 có thể giúp virus dễ lây lan hơn. Ảnh: BBC. |
Các biến chủng làm thay đổi diện mạo của protein đột biến, giúp nó ẩn náu khỏi cả 2 nhánh của hệ miễn dịch - kháng thể gắn vào virus để ngăn nó bám vào tế bào và tế bào T tấn công virus.
"Có thể có những đột biến trong protein làm thay đổi nó theo cách mà các kháng thể của chúng ta không còn hiệu quả nữa. Rất may chúng tôi chưa thấy điều đó xảy ra", tiến sĩ Creech chia sẻ với CNN.
Nhiều chuyên gia lo lắng một loạt các đột biến lần đầu tiên được xác định ở Anh có thể giúp virus SARS-CoV-2 tránh được vaccine. Nhưng các bằng chứng hiện chỉ ra trong khi những đột biến đó làm cho virus dễ lây lan hơn, chúng không ảnh hưởng đến việc hệ miễn dịch có thể nhận ra virus hay không.
Biến chủng ở Nam Phi đáng lo ngại hơn. Nó có đột biến ở vị trí cụ thể trên protein, gọi là E484, ảnh hưởng việc hệ miễn dịch có thể vô hiệu hóa virus. Một số nghiên cứu cho thấy các đột biến ở vị trí đó có thể làm giảm hoạt động trung hòa tới 10 lần.
Mặc dù vậy, phản ứng phức tạp của hệ miễn dịch vẫn có thể cho phép cơ thể ngăn chặn virus từ nhiều hướng khác nhau. Biến chủng có thể tạo ra các kháng thể tập trung vào đoạn protein đột biến cụ thể đó. Tuy nhiên, nó sẽ không ảnh hưởng đến các kháng thể được "huấn luyện" để tìm kiếm sự thay đổi của virus.
Tất cả virus đều đột biến
Scott Hensley, chuyên gia về miễn dịch học và sinh học phân tử tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết: "Bạn có thể tưởng tượng nó giống chìa khóa và ổ khóa. Nếu ổ khóa đó thay đổi, chìa khóa có thể không mở được. Nhưng hãy tưởng tượng đây không phải là cánh cửa duy nhất vào căn phòng, mà có tới 10 cánh cửa khác nhau. Sẽ có 9 chìa khóa khác có thể đưa bạn vào phòng".
Nhiều chuyên gia lo lắng biến chủng SARS-CoV-2 có thể cản trở hiệu quả của vaccine. Ảnh: Thejapantimes. |
Theo ông Hensley, hệ miễn dịch của con người rất phức tạp, đều có kháng thể để chống lại nhiều mục tiêu. "Có vẻ những biến chủng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến phản ứng của vaccine", chuyên gia miễn dịch học cho biết.
Ông Creech nhận định một loại virus thực sự không có khả năng đột biến quá nhiều. "Nếu thay đổi quá nhiều, nó không thể liên kết với bề mặt tế bào. Nó có thể tránh được phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra nhưng cũng không thể lây nhiễm cho các tế bào", chuyên gia này nói.
Thực tế, tất cả virus đều đột biến. Trước đó, virus cúm liên tục thay đổi, buộc các nhà khoa học phải thay đổi hỗn hợp vaccine hàng năm để chống lại bệnh cúm. Trong khi đó, mọi sự thay đổi ở bệnh sởi không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của vaccine.
Các nhà khoa học hy vọng virus SARS-CoV-2 giống sởi hơn cúm. Nhưng cả hai nhà khoa học Creech và Hensley đều đồng ý rằng có một giải pháp rõ ràng để đánh bại bất kỳ đột biến tiềm ẩn nào trong virus.
"Điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm là khuyến khích tiêm chủng. Chúng ta hãy ngăn chặn virus này theo dấu vết của nó. Nếu ngày mai có thể tiêm chủng cho 60-70% dân số, chúng ta sẽ không phải lo lắng về sự thay đổi vì virus sẽ bị tiêu diệt khá nhiều", ông Hensley khẳng định.