Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiếp cận được hơn 24 triệu liều vaccine phòng bệnh Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau. Sau 6 tháng, hơn 18 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn quốc.
Thế nào là vaccine tốt nhất?
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khẳng định: “Với Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể nhìn nhận vaccine tốt nhất các loại được phê duyệt và có thể tiếp cận”.
Theo vị chuyên gia này, qua các nghiên cứu và bằng chứng khoa học, tỷ lệ sinh kháng thể của mỗi loại vaccine có thể khác biệt đôi chút. Tuy nhiên, bản thân người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus, thậm chí, lượng virus trong cơ thể nhóm này cao bằng người chưa tiêm. Do đó, người đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn có thể trở thành nguồn lây.
TP.HCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19 Vero Cell cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Chúng ta cần ý thức được rằng mọi loại vaccine đều không thể giúp cơ thể miễn nhiễm với virus. Mục tiêu chủ yếu của việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là hạn chế nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Về vấn đề này, mọi loại vaccine được cấp phép hiện này đều cho kết quả tương đương. Do đó, người dân hoàn toàn không cần kén chọn”, ông Nhung nhấn mạnh.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng chỉ ra rằng tác dụng phụ là điều có thể xảy ra ở mọi loại vaccine.
“Như AstraZeneca, chúng ta cũng ghi nhận một số trường hợp đông máu, Pfizer có một vài người xuất hiện triệu chứng viêm cơ tim sau tiêm... Vấn đề về sốc phản vệ sau tiêm hiện nay cũng được các cơ sở y tế xử lý rất tốt và không đáng ngại”, vị chuyên gia này nói.
Thời gian qua, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của vaccine Covid-19 Vero Cell (Sinopharm). Về vấn đề này, ông Nhung cho rằng: “Hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng về việc vaccine Vero Cell có thể gây biến chứng nặng hơn các loại vaccine khác. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, vaccine Vero Cell được nghiên cứu trên kỹ thuật bất hoạt virus. Nhờ vậy, vaccine này thậm chí có tính an toàn cao hơn các loại khác. Chúng ta cũng chưa ghi nhận trường hợp được tiêm vaccine Vero Cell xuất hiện biến chứng nặng”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh nhiệm vụ của Việt Nam lúc này là nỗ lực tìm kiếm mở rộng nguồn vaccine, làm sao để nhiều người dân được tiêm trong thời gian sớm nhất.
“Bất cứ loại vaccine Covid-19 nào được Bộ Y tế phê duyệt đều đã được kiểm chứng và có hiệu quả tốt. Người dân không nên kén chọn. Những người có bệnh nền, cần lưu tâm, có thể tiêm tại bệnh viện để đảm bảo an toàn”, ông nói.
Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Người dân không nên lựa chọn vaccine, có loại nào thì tiêm loại đó. Tất cả vaccine Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, không phải vaccine này tiêm cho nhóm này, vaccine kia tiêm cho nhóm kia”.
Số lượng các loại vaccine Việt Nam đã tiếp cận | ||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||
Nhãn | AstraZeneca | Moderna | Pfizer | Sputnik V | Sinopharm | |
Số lượng vaccine đã nhận | Liều | 15382240 | 5000100 | 1270000 | 12000 | 2500000 |
Về phía các đơn vị liên quan, Bộ trưởng cũng chỉ đạo cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Cụ thể, ông Long đã ký văn bản yêu cầu các địa phương triển khai tiêm tại các điểm, không giới hạn số lượng mũi mỗi buổi. Trong trường hợp thiếu nhà, các địa phương có thể dựng bạt, miễn đảm bảo khoảng cách. Thời gian chờ đợi sau tiêm cũng sẽ do địa phương quyết định.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định tới đây, vaccine sẽ được chuyển về với số lượng lớn, tần suất nhiều. Trong đó, một số loại phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu, cần có kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy, các địa phương cần sớm hoàn thiện và phê duyệt ngay các quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine.
Đến nay, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp cho 6 loại vaccine Covid-19 gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer/BioNTech, Vero Cell và Janssen.
Vaccine Nano Covax được kết luận đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch sau giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3a. Ảnh: Văn Nguyện. |
Về vaccine trong nước, Việt Nam hiện có 3 vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, vaccine Nano Covax vừa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3a; vaccine Covivac đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình và vaccine ARCT-154 đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tiên tại Đại học Y Hà Nội trên 100 tình nguyện viên..
Mới đây, nhóm nghiên vaccine Nano Covax cũng đã kết luận loại vaccine này đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nano Covax.