'Vài chục năm nữa mới hết cảnh xô đổ cổng trường thực nghiệm'
"Được học trong một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng sự phát triển tự nhiên (không phải tự phát) sẽ giúp học sinh phát triển hết cỡ. Rất tiếc là bây giờ chúng ta vẫn chưa có được môi trường giáo dục như vậy" - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nói.
>> Bao nhiêu cánh cổng trường sẽ bị xô đổ?
>> Cha đẻ của giáo dục thực nghiệm ở VN 'từng bị người tốt cản trở'
>> Hành trình trắng đêm nộp hồ sơ cho con ở trường Thực nghiệm
>> Trắng đêm đội mưa, xô đổ cổng trường xin học cho con
>> Công an ‘hộ tống’ phụ huynh nộp đơn cho con vào lớp 1
Không chỉ đến ngày 12-13/5, các bậc phụ huynh mới trắng đêm đứng trước cổng trường để xin cho con vào lớp 1 theo mong muốn. Tuy nhiên, chỉ đến rạng sáng 12/3, khi cổng trường PTCS Thực nghiệm đổ vì chen lấn, xô đẩy thì dư luận mới bàng hoàng vì sự "cuồng" của các bậc phụ huynh.
Câu chuyện không còn dừng lại ở việc mua đơn xin học cho con, mà dẫn đến thực trạng mong muốn con cái được học trong một môi trường tốt nhất, không quá tải, không mắc bệnh thành tích.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - người cùng với các chuyên gia tâm huyết về giáo dục đã tổ chức nhiều hội thảo về phương pháp giáo dục, soạn thảo bộ sách Cánh Buồm - đề cao sự tự học, tự giáo dục...
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam tại Hội thảo Chào lớp Một của nhóm Cánh Buồm |
Cái mà người ta giành nhau ở đây chính là hạnh phúc đi học
- Cảm nhận của anh về cảnh bi hài phụ huynh xô cổng trường để mua hồ sơ vào lớp 1 cho con ở trường Thực nghiệm?
- Trong chuyện này, đã có nhiều ý kiến phê phán sự khiếm nhã của các bậc phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nên thông cảm cho họ vì việc chen lấn xô đẩy ở đây không phải là để giành mua vài mét vải phin hay là tranh ngắm một cành hoa anh đào đến từ xứ lạ, lại càng không phải chen chân vào thử cho được món "phở quát" hay là "cháo chửi" mà báo chí thường nêu.
Tôi nghĩ rằng cái mà người ta giành nhau ở đây chính là hạnh phúc đi học, là tuổi thơ của con cái họ. Bởi vì hầu hết phụ huynh muốn con vào học trường Thực nghiệm đều có chung một mong muốn giảm bớt áp lực học tập cho con, để con có nhiều thời gian vui chơi hơn ở trên lớp và không bị giao quá nhiều bài tập về nhà. Vì hạnh phúc của con cái là lý do chính đáng để các bậc phụ huynh làm bất cứ việc gì, và chúng ta nên thông cảm.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, đó là “đỉnh điểm” của sự thiếu thốn trong một lối giáo dục quá nặng nề và áp đặt?
- Vụ việc này nếu có được cho là "đỉnh điểm" chẳng qua là vì cái cổng của trường thực nghiệm quá yếu. Chứ những sự việc kiểu như vậy đã xảy ra ở các trường điểm từ nhiều năm nay rồi.
Với cách giáo dục như hiện nay thì chỉ có sự áp đặt mới giúp nó tồn tại được, vì bản thân nó không có sức sống nội tại. Nói cách khác, bệnh thành tích và áp lực thi cử chính là động lực, là nguồn sống của nền giáo dục hiện nay, không có cái đó học sinh sẽ bỏ học. Bạn thử tìm hiểu xem có được bao nhiêu phần trăm học sinh có tình yêu thực sự với việc học do thực sự cảm thấy đi học là hạnh phúc.
- Theo anh, tại sao đến thời điểm này, mô hình giáo dục hiện đại tương tự trường Thực nghiệm chưa được nhân rộng trong hệ thống trường công lập?
- Không những không được nhân rộng mà thực ra chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đã bị giải tán từ giữa năm 2008 sau hơn 30 năm phát triển và gặt hái được nhiều thành tựu lớn về khoa học giáo dục. Chính GS Hồ Ngọc Đại đã nói rõ việc này trong lời đáp từ của ông nhân dịp được trao tặng giải thưởng Phan Chu Trinh về giáo dục năm 2009. Còn tại sao ư, tôi cho rằng nguyên nhân của việc mô hình trường thực nghiệm không thể được nhân rộng nằm ở trong định hướng sản phẩm của chương trình Công nghệ Giáo dục, tức là đào tạo ra những con người tự do tư duy.
- Để nhân rộng được những mô hình giáo dục tốt, theo anh thì cần có những yếu tố nào và phải đẩy mạnh ra sao?
- Phải tự do hóa nền giáo dục, và để làm được điều đó thì có ba việc cần làm ngay:
Một là phải tạo điều kiện để cả xã hội tham gia vào việc làm chương trình học và sách giáo khoa. Tránh tình trạng độc quyền như hiện nay. Cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho các trường lựa chọn, có như vậy thì những chương trình tốt mới có cơ hội phát triển và nhân rộng.
Hai là cần xây thêm trường học để giải quyết tình trạng quá tải về số lượng học sinh, đặc biệt là ở những thành phố lớn.
Ba là phải làm sao để giáo viên có thể sống bằng đồng lương của họ.
Thực hiện được ba việc đó thì áp lực chạy trường chạy lớp, dạy thêm học thêm, giao quá nhiều bài tập về nhà… sẽ tự nó giảm xuống.
Tất nhiên, song song với ba việc đó còn phải tiến hành nhiều việc khác không kém phần quan trọng có liên quan đến các khâu quản lý giáo dục, đào tạo nhân lực… Và nếu chúng ta tiến hành những thay đổi đúng ngay ngày hôm nay thì vẫn cần một quãng thời gian rất dài (vài chục năm) mới có thể khắc phục hoàn toàn được tình trạng giáo dục như hiện nay.
- Nếu một trường tiểu học muốn áp dụng các phương pháp giáo dục mới, triển khai chương trình học mới thì phải làm theo quy trình nào?
- Ngay cả khi có một chương trình học khác, có chất lượng cao hơn thì cũng rất khó có thể triển khai vào các trường trong điều kiện hiện nay vì hai lý do chính:
Thứ nhất là vì theo luật thì chúng ta chỉ có một chương trình một bộ sách giáo khoa, các trường bắt buộc phải dạy chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục. Cũng không thể đưa vào chương trình ngoại khóa vì không thể bắt học sinh học song song hai chương trình. Trong các giờ ngoại khóa, học sinh chỉ có thể học thêm các môn có tính chất bổ trợ như ngoại ngữ, kỹ năng sống, thể dục, âm nhạc…
Thứ hai, bản thân các trường (đặc biệt là trường công lập) hiện nay không có động lực để thay đổi, vì họ luôn ở tình trạng quá tải học sinh. Thậm chí tình trạng này còn mang lại lợi ích cho rất nhiều người nên họ chống lại sự thay đổi.
Chúng ta phải xây dựng nền giáo dục cho con em chúng ta
- Những năm gần đây, không ít mô hình giáo dục mới đã được áp dụng tại các trường quốc tế ở Việt Nam, anh đánh giá thế nào về các mô hình này?
- Tôi cho rằng có thể đem (mua, xin, học lỏm…) nhiều thứ của nước ngoài về dùng, như các sản phẩm công nghệ cao, hệ thống quản lý điều hành…nhưng riêng chương trình giáo dục (đặc biệt là giáo dục phổ thông) thì mình phải tự làm ra cho mình. Điều này đặc biệt đúng ở các môn xã hội, nghệ thuật, và lối sống. Rõ ràng không ai có thể làm thay, dạy thay các môn học như Lịch sử, Tiếng Việt, Văn… cho người Việt Nam được. Chính chúng ta phải xây dựng nền giáo dục cho con em chúng ta.
- Có sự khác nhau nào về phương pháp và nội dung giáo dục giữa các trường công lập và các trường dân lập?
- Dịch giả Phạm Anh Tuấn có một nhận xét rất hài hước về sự khác nhau giữa các trường công lập và các trường tư thục là nếu ở trường công lập người ta dạy Today Nam is going to school thì ở trường tư thục người ta dạy Today Peter is going to school.
Cũng có thể kể thêm những khác biệt ở khâu dịch vụ, chẳng hạn như ở các trường tư thục học sinh được chăm sóc chu đáo hơn, được vui chơi nhiều hơn, và phụ huynh ít sợ thầy cô giáo hơn so với phụ huynh học sinh ở các trường công lập.
- Về học phí, trong khi các trường công lập khá thấp, thì khối trường dân lập lại rất cao (từ 5-15 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng/tháng), anh nghĩ sao về điều này? Mức học phí ở môi trường công lập hiện đại như hiện tại đã tương ứng với phương pháp mới chưa, trong khi học ở trường quốc tế thì “đắt có xắt ra miếng”?
- Việc phê phán các trường dân lập đã thu tiền học quá cao có thể không sai, nhưng chắc chắn là không hoàn toàn đúng. Phần lớn tiền học của học sinh ở trường dân lập được dùng để trả cho việc thuê mướn cơ sở hạ tầng. Rất nhiều trường dân lập đang đứng trước bờ vực phá sản vì tiền thu vào không đủ chi.
Có thể thấy là việc đẩy giá bất động sản lên tới mây xanh trong vài năm qua không khác gì việc đi vay nặng lãi hay là việc bán lúa non ở quê. Mặc dù có giúp cho một số ít người giàu bốc lên nhưng đã đổ trách nhiệm thanh toán nợ nần lên đầu đa số người dân. Khoản nợ phải trả đó được tính vào giá thành của từ mớ rau, con cá (tiền thuê cửa hàng quá cao) cho đến tiền học của con (tiền thuê địa điểm mở trường quá lớn)... Các trường công lập không phải chi khoản tiền rất lớn này nên tiền học ở trường công lập thấp hơn nhiều cũng là hợp lý.
Bất động sản đang được định giá quá cao thực sự là trở lực rất lớn cho việc phát triển, canh tân rất nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục. Điều này cho thấy giải pháp cho giáo dục nhiều khi lại nằm ở cả những khu vực khác nữa.
- Với mô hình đào tạo mà ở đó một đứa trẻ được học trong môi trường khá tự do, không áp đặt, không quá đề cao điểm số, chơi nhiều hơn là cày cuốc làm bài tập, còng lưng vì sách vở… thì liệu khi lớn lên, trẻ có đủ kiến thức để thi đỗ đại học?
- Không cần phải lo lắng về điều này. Chính việc tạo áp lực học tập quá lớn lên trẻ em ngay từ lớp một sẽ làm các em bị "đụt" đi, không phát triển được hết khả năng của bản thân. Được học trong một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng sự phát triển tự nhiên (không phải tự phát) của trẻ em sẽ giúp học sinh phát triển hết cỡ. Rất tiếc là bây giờ chúng ta vẫn chưa có được môi trường giáo dục như vậy.
Một khi đã có được chương trình giáo dục phổ thông thực sự tiến bộ như mọi người mong muốn, và chương trình đó được nhân rộng ra thì bản thân hệ thống đại học cũng sẽ phải thay đổi, vì đại học rất cần tuyển những sinh viên giỏi. Và nếu các trường đại học công lập không kịp thay đổi thì hệ thống trường tư thục sẽ thay đổi trước và bắt buộc hệ thống công lập phải thay đổi theo, giống như những gì đã diễn ra ở khu vực kinh tế trong thời kỳ đổi mới.
Thủy Nguyên
Theo Infonet