Họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao gửi đến Zing.vn bài viết về tình bạn không dễ gì có được giữa hai cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam - Phạm Duy và Văn Cao.
Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao. |
Văn Cao khuyên Phạm Duy theo nghiệp sáng tác
Văn Cao và Phạm Duy quen nhau vào năm 1944 tại Hải Phòng trong một cơ duyên âm nhạc rất thú vị. Lúc đó Phạm Duy là một giọng ca tân nhạc rất lãng tử, vừa đàn, vừa hát trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Gánh hát này đưa Phạm Duy đi khắp mọi miền Tổ quốc, từ Bắc chí Nam, khiến chàng trai trẻ mở mang tầm mắt và tự nhiên là nhân tố quan trọng để ông giới thiệu các sáng tác tân nhạc đến toàn thể nhân dân.
Một lần gánh hát Đức Huy đến Hải Phòng biểu diễn và Phạm Duy gây ấn tượng khi vừa chơi guitar, vừa hát bài Buồn tàn thu của Văn Cao. Phạm Duy không hề biết rằng, lúc đó Văn Cao cũng đang sống ở Hải Phòng. Bạn bè của Văn Cao là Trần Liễn, Doãn Tòng đi xem hát về nói ngay với Văn Cao: “Có một tay ca sĩ trẻ hát bài Buồn tàn thu của mày rất hay”. Văn Cao khá nhạc nhiên và quyết định đi nghe Phạm Duy hát.
Sau đêm hôm đó, một người bạn đã dẫn Phạm Duy đến nhà Văn Cao ở góc bến Bính, Hải Phòng. Và tình bạn của hai người bắt đầu từ đó. Phạm Duy lưu lại xứ hoa phượng đỏ một thời gian và có nhiều dịp trao đổi về âm nhạc với tác giả Buồn tàn thu. Văn Cao khuyên Phạm Duy nên đi vào nghiệp sáng tác, chứ không chỉ là một ca sĩ du ca. Phạm Duy đồng ý và quyết tâm trở thành một nhạc sĩ. Những nốt nhạc đầu tiên do Phạm Duy có sự góp ý, trao đổi của người bạn Văn Cao.
Phạm Duy là một nghệ sĩ du ca nên ông chỉ lưu lại Hải Phòng một thời gian không dài rồi lại tiếp tục hành trình âm nhạc của mình trên khắp nẻo đường Tổ quốc. Sau khi trở thành bạn, Phạm Duy biểu diễn nhiều sáng tác của Văn Cao và góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu âm nhạc của tác giả Tiến quân ca đến đông đảo công chúng. Bên cạnh việc biểu diễn, Phạm Duy bắt đầu cho ra đời những ca khúc đầu tiên.
Một điều thú vị là những ca khúc ban đầu của Phạm Duy bị ảnh hưởng khá nhiều từ các sáng tác của Văn Cao, thậm chí nội dung một số ca khúc cũng có sự tiếp nối và phát triển từ âm nhạc của tác giả Mùa xuân đầu tiên. Ví như Văn Cao có Trương Chi thì Phạm Duy có Khối tình Trương Chi, Văn Cao có Trường ca sông Lô thì Phạm Duy có Tiếng hát trên sông Lô, Văn Cao có Thiên thai thì Phạm Duy có Tiếng sáoThiên Thai,…
Từng cãi nhau vì tính cách bất đồng
Phạm Duy là người phóng túng, đào hoa. |
Sau Cách mạng tháng 8, Văn Cao gặp lại Phạm Duy ở Hà Nội. Hai người thường xuyên gặp nhau ở phòng trà trên góc phố Hàng Gai. Đến khi toàn quốc kháng chiến Văn Cao được lệnh đưa giới văn nghệ rời khỏi thủ đô để đi tản cư. Văn Cao cố tìm gặp Phạm Duy, tìm mãi mới thấy bạn mình ở Phố Huế. Văn Cao khuyên Phạm Duy đi tản cư để tiếp tục sinh hoạt văn nghệ phục vụ nhân dân nhưng Phạm Duy bướng chưa chịu đi ngay, bảo bao giờ đánh thật mới đi.
Lo cho bạn, Văn Cao đưa cho Phạm Duy một tờ giấy giới thiệu có chữ ký của ông Võ Nguyên Giáp và dặn là khi nào kháng chiến nổ ra thì tìm đến Đài Phát thanh để sinh hoạt. Phạm Duy sinh hoạt ở Đài Phát thanh trong thời gian nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc và có thể nói Văn Cao chính là người đã vận động Phạm Duy đi theo cách mạng.
Năm 1947, đang ở chiến khu Việt Bắc, Văn Cao nhận nhiệm vụ mở một quán cà phê ca nhạc ở Biên Thùy (Lào Cai) để thu thập tin tức phục vụ cho cách mạng. Văn Cao nhắn Phạm Duy lên miền ngược biểu diễn âm nhạc. Phạm Duy lên ngay và hai người lại có điều kiện để cùng nhau đàm đạo về nghệ thuật.
Nhưng Phạm Duy vốn là một người phóng khoáng lại đào hoa, tích cách này khác hẳn với Văn Cao và không phù hợp trong môi trường kháng chiến. Văn Cao từng nhiều lần tranh cãi với Phạm Duy và điều này, nhưng Phạm Duy không nghe. Và cuối cùng Phạm Duy quyết định chia tay bạn mình và tiếp tục con đường du ca, sau chuyển dần vào Nam sinh hoạt.
Phạm Duy coi Văn Cao là thầy
Văn Cao được Phạm Duy coi như một người thầy. |
Sau này, Phạm Duy trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước khi sang định cư ở Mỹ. Thời gian này, Văn Cao và Phạm Duy không có liên lạc trực tiếp nhưng cũng thường xuyên hỏi thăm nhau qua giới bạn bè. Đến khi Phạm Duy về nước ở tuổi xế chiều thì Văn Cao đã không còn.
Phạm Duy đến thăm gia đình tôi khi đã đã qua ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, ông ngậm ngùi thắp hương cho người bạn quá cố. Tôi dẫn ông đi thăm mộ cha mình và được ông kể lại nhiều câu chuyện thú vị về tình bạn của họ. Phạm Duy không ngại nhận mình là một người đào hoa, "sát gái" trong khi Văn Cao "cực kỳ nhát" trong các mối quan hệ tình cảm.
Tính cách của Phạm Duy và Văn Cao hoàn toàn trái ngược nhưng hai người vẫn có thể trở thành tri kỷ trong âm nhạc vì cả hai trọng cái tài của nhau. Khi trả lời phỏng vấn của một cơ quan báo chí quốc tế về Phạm Duy, Văn Cao nói rằng: “Đứng về phương diện nghệ thuật, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho tân nhạc Việt Nam. Và theo tôi, Phạm Duy thực sự là một nhà văn hóa”.
Phạm Duy cũng nhiều lần thể hiện sự mến trọng dành cho người bạn tri kỷ của mình. Trong một lần được mời sang giảng dạy tại khoa phương Đông của một trường đại học bên Mỹ, Phạm Duy không ngại thổ lộ rằng: “Tôi có vinh dự ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của Văn Cao – một người tôi coi như thầy”. Còn trong cuốn hồi ký của mình, Phạm Duy viết: “Tôi tôn trọng và vô cùng cảm phục Văn Cao”.