Khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ say đó cũng là lúc những phiến dầm nặng hơn 240 tấn, dài 30 m được các đoàn xe ùn ùn vận chuyển từ bãi đúc tới công trường đường sắt trên cao.
|
Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, công trình đang ở giai đoạn lắp dầm. Khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ đêm cũng là lúc các công nhân ở đây đang say sưa làm việc.
|
|
21h, lần lượt các chuyến xe tải bắt đầu kéo bê tông từ khu đúc dầm xuyên qua cổng khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông). Mỗi tấm nặng trên 240 tấn, dài hơn 30 m.
|
|
Hơn 30 cán bộ công nhân viên công ty hợp danh dịch vụ vận tải tham gia mở, dẫn đường và phân luồng giao thông trên tuyến đường đoàn xe đi qua. |
|
Luôn có một ôtô con có đèn báo hiệu đi trước mở hoặc ngăn đường tại các ví trí giao nhau giữa ngã 3, ngã 4. Ngoài ra xung quanh mỗi đoàn xe chở khối bê tông luôn có 16 người phục vụ.
|
|
Đoàn xe di chuyển với tốc độ 5km/h qua đường Tố Hữu - Khuất Duy Tiến và vào công trường trên đường Nguyễn Trãi giao với Trần Phú (quận Hà Đông), tổng cộng quãng đường khoảng 5km.
|
|
Anh Nguyễn Đăng Hiếu - Chỉ huy trưởng công trường cho biết, những "dầm hộp giản đơn" này phù hợp khi lắp ghép với các trụ đã được thiết đặt trên đường. Chiều dài từ 29 đến hơn 30 m, bề rộng từ 4,3 tới 4,95 m. "So với nhiều công trình cầu đường lớn trên toàn quốc thì dầm ở đây có trọng lượng được cho là lớn nhất Việt Nam", anh nói.
|
|
Những khối bê tông khổng lồ đòi hỏi phương thức vận tải khá đặc biệt. Phải cần tới hai đầu kéo siêu trường, siêu trọng nối với 2 trailer thủy lực (mỗi trailer được cố định vào điểm đầu và cuối của khối dầm), tổng chiều dài xe khi tham gia giao thông không dưới 60 m. |
|
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Giám đốc công ty hợp danh vận tải phụ trách vận chuyển của dự án thì phụ trách sức kéo là các ôtô của Mỹ, Đức có sứ kéo trên 200 tấn với công suất từ 570-700 mã lực. Trong một tổ xe chở dầm luôn có 2 đầu kéo, một xe phụ trách kéo và một xe phụ trách đẩy. Mỗi đêm có 4 khối dầm được vận chuyển với 3 đội xe, đội thứ nhất sau khi vận chuyển thành công sẽ quay trở về bãi đúc dầm để vận chuyển khối dầm thứ 4.
|
|
Việc nâng và giữ thăng bằng cho kết cấu dầm đảm nhiệm bởi các "trailer thủy lực" đây là một khối rơmooc có từ 6 tới 9 trục bánh, mỗi trục gồm 8 bánh có độ dài từ 6 tới 10m. Hầu hết các rơmooc này có thể tham gia vận chuyển những kết cấu hơn 400 tấn.
|
|
Tại vị trí trailer cuối, phía trước đầu xe đẩy luôn có một người phụ trách việc điều khiển hệ thống thủy lực của trailer để đảm bảo sự an toàn của đoàn xe khi vào cua hoặc qua những đoạn đường không bằng phẳng. Họ được trang bị bộ đàm để đảm bảo liên lạc thông suốt giữa 2 lái xe.
|
|
Theo anh Văn Đức Trung - trưởng phòng vận chuyển đơn vị Ale thì đây là công việc vô cùng phức tạp và phải tuyệt đối an toàn về con người, thiết bị cũng như việc vận hành nhất là khi đoàn xe chở kết cấu lưu thông trên đường khi vẫn có phương tiện khác tham gia giao thông. Hiện các anh đã di chuyển thành công tới chân công trình là 280 kết cấu dầm và may mắn là chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra.
|
|
Anh Vũ Đình Chức, phụ trách cẩu cho biết, thời gian cho việc di chuyển và lắp đặt 4 kết cấu dầm hàng đêm tại đây kéo dài từ 21h tới 5h sáng hôm sau. Nếu mọi việc vận chuyển thuận lợi, an toàn thì tiến độ công việc có thể kết thúc vào 2h hoặc 3h sáng.
|
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn) phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,5 km, xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh - Giảng Võ.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giải quyết một phần cơ bản nhu cầu đi lại của người dân thủ đô từ phía Tây Nam vào trung tâm thành phố, là hướng có lưu lượng giao thông lớn nhất hiện nay.
Từ Cát Linh, tuyến đường sắt đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, Thái Hà mới, Yên Lãng tới đường Láng rẽ trái men theo mép sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối là bến xe Hà Đông mới cạnh QL 6. Toàn tuyến có 12 ga, cự ly bình quân giữa các ga là 1 km. Khu Depot đặt tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Theo thiết kế toàn tuyến đi trên cao, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hoá, theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu cấp động đất số 8... Ga trên cao được thiết kế theo kiểu nghiêng, khoảng cách giữa đường trung tâm với giáp ranh sân ga là 1.500 mm, độ cao mặt ray cách mặt sân ga là 1.020 mm.
Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 trong số 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển GTVT cũng như kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội. Đây còn là một dự án đặc thù: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết hợp với kinh doanh vận tải, cơ chế tài chính chưa có tiền lệ, công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.