Nhân viên tưới cỏ trên sân vận động 974, nơi tổ chức World Cup Qatar 2022. Ảnh: Reuters. |
Quốc gia có 2,9 triệu dân này không có sông và lượng mưa trung bình mỗi năm là 100 mm. Thực tế này khiến Qatar chủ yếu sống nhờ nguồn nước được tạo ra bởi công nghệ khử muối đắt tiền, theo AP.
Công nghệ này cũng được sử dụng bởi các quốc gia khan hiếm nước ngọt khác như Bahrain, Kuwait, Oman, UAE... Tuy nhiên, ngoài đắt đỏ về tiền bạc, quá trình khử muối để biến nước biển thành nước uống còn tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Chiếm 60% tổng nguồn cung
Khử muối là quá trình tạo ra nước ngọt mà con người có thể sử dụng từ nước biển. Các nhà máy khử muối hút nước từ đại dương qua các đường ống lớn và đưa nước qua các màng mịn cho phép phân tử nước đi qua, nhưng giữ muối lại. Quá trình này được gọi là thẩm thấu ngược.
Có nhiều loại khử mặn nhưng thẩm thấu ngược là phổ biến nhất. Nước lợ cũng có thể được khử muối.
Các nhà máy khử muối nằm rải rác dọc theo các bờ biển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, những nhà máy có công suất lớn nhất được đặt ở các nước Trung Đông giàu có, thiếu nước với đường bờ biển trải dài, chẳng hạn như Saudi Arabia, UAE và Israel. Saudi Arabia là nơi có nhà máy khử muối lớn nhất thế giới.
Nhà máy khử muối tại Qatar. Ảnh: Doha News. |
Công nghệ thẩm thấu ngược đã xuất hiện từ những năm 1950. Các quốc gia vùng Vịnh là một trong những nơi đầu tiên áp dụng công nghệ này.
Sau khi doanh thu từ dầu mỏ tăng vọt trong những năm 70-80, biến nơi đây thành khu vực giàu có nhất thế giới, các nước bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Israel nghiêm túc xem xét quá trình khử muối vào cuối những năm 1990, sau một đợt hạn hán nghiêm trọng.
Có gần 16.000 nhà máy khử muối trên toàn thế giới, theo ước tính năm 2019 của các nhà nghiên cứu thuộc chương trình phát triển con người và nguồn nước của Liên Hợp Quốc. Khoảng một nửa lượng nước các nhà máy này sản xuất nằm ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Qatar phụ thuộc nhiều vào nguồn nước khử muối từ Vịnh Ba Tư. Theo số liệu năm 2019 từ cơ quan thống kê và lập kế hoạch của nước này, nước khử muối chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung cấp và phần lớn nước dùng trong hộ gia đình.
Ảnh hưởng xấu đến môi trường
Khử muối nước biển sử dụng một lượng lớn năng lượng. Thông thường, điện đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Peter Gleick, Chủ tịch danh dự của Viện Thái Bình Dương có trụ sở tại California, người đã nghiên cứu tài nguyên nước trong nhiều thập kỷ, cho biết: "Đơn giản là cần rất nhiều năng lượng để đưa muối ra khỏi nước biển".
Công nghệ đã được cải tiến trong những thập kỷ gần đây. Nhưng vẫn phải mất 3,5-4,5 kWh điện để khử muối cho 1.000 lít nước, theo một phân tích năm 2019 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hàn Quốc tại hơn 70 nhà máy quy mô lớn.
Vấn đề xử lý nước muối và bùn có độ mặn cao để lại từ quá trình lọc cũng rất phức tạp. Một số cơ sở xử lý trên đất liền hoặc đưa chất thải vào lòng đất. Nhưng hầu hết nhà máy khử muối thải thẳng ra đại dương.
Quá trình khử muối thải ra các chất gây hại cho môi trường. Ảnh: storyblocks. |
Các chất thải này còn chứa kim loại nặng và hóa chất, những thứ có thể làm chết rong biển, san hô, gây ô nhiễm biển cả.
Qatar dự kiến tăng nguồn cung cấp nước lên 10% trong thời gian diễn ra World Cup 2022, người phát ngôn của Kahramaa, cơ quan cấp nước và điện của nước này, cho biết.
Điều đó có nghĩa là các nhà máy khử muối phải tăng công suất, Amin Shaban, nhà thủy văn học tại hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia của Lebanon và chuyên gia về hệ thống nước Trung Đông, cho biết.
Lượng nước tăng thêm sẽ được sử dụng cho 1,2 triệu người hâm mộ dự kiến đến xem World Cup và chăm sóc cỏ trên các sân vận động, sân tập.
Chi phí năng lượng của việc khử muối và sự phụ thuộc nhiều của Qatar vào quá trình này làm gia tăng nghi ngờ về lời hứa của nước chủ nhà, cũng như FIFA rằng World Cup 2022 sẽ hầu như không ảnh hưởng đến khí hậu.
Các quan chức cho biết nhà vệ sinh và quá trình kiểm soát bụi ở 8 sân vận động World Cup đang sử dụng nước tái chế. Nhưng các sân bóng thực tế mà công nhân xây dựng đã tưới nước trong nhiều tháng qua, bao gồm cả mùa hè nóng nực, đang sử dụng nước khử muối.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.