Văn Hiệp: Diễn như có…ma
Tôi có dịp đi cùng Văn Hiệp tới nhiều vùng quê, lúc đó tôi mới biết bạn mình được công chúng yêu quý như thế nào!
Nghệ sỹ Văn Hiệp - Ảnh: giadinh.net |
Một loạt các vai diễn trong suốt thời gian Văn Hiệp công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã đi vào lòng khán giả. Đó là Y tá Háp trong vở Đôi mắt của tác giả Vũ Dũng Minh, cậu bé Sacca trong kịch Nila, Phi Vân trong vở Hoa pháo của tác giả Trần Vượng...
Và đặc biệt, tôi muốn nói đến hai vai diễn xuất sắc của Văn Hiệp ở hai vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến và Bài ca Điện Biên. Trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến, đạo diễn Dương Ngọc Đức đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và phải nói rằng Hiệp đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này, qua sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ đã trình diễn vai kịch này.
Đó là một Ốc rất láu cá, khôn ngoan nhưng lại rất duyên dáng và hấp dẫn. Nhất là đoạn Ốc đi ăn trộm, Văn Hiệp đã trổ tài diễn một mình trong quầng sáng với tính ước lệ của sân khấu dân tộc cao, tạo nên hiệu quả thật bất ngờ, thú vị.
Ảnh: Tổ Quốc |
Ở vở Bài ca Điện Biên thì lại là một dạng vai khác hẳn. Vinh - một anh nông dân trẻ xung phong đi bộ đội, nhưng bà mẹ ở nhà chỉ đồng ý cho đi với một điều kiện là phải cưới vợ trước khi đi. Thế là để được đi bộ đội, chàng thanh niên mặt búng ra sữa này đã buộc phải nghe theo lời mẹ, cưới vợ.
Nhưng rồi đi chiến dịch thì cậu chàng lại thấy thương người vợ trẻ phải xa chồng khi chưa được một ngày hạnh phúc. Đến một hôm, trong lúc đồng đội đang múa hát, vui điệu Xoè hoa bên chiến hào, thì chàng Vinh chui vào một góc hầm và khóc hu hu như đứa trẻ. Chính trị viên hỏi thế nào Vinh cũng không nói. Cuối cùng thì thú thật là nhớ vợ...
Nghệ sĩ Văn Hiệp (bìa phải) với hai bạn diễn - Quang "Tèo" và Giang "Còi" trong một tiểu phẩm hài |
Một lớp diễn vừa xúc động, vừa hài hước, nhưng lại rất lãng mạn và mang đầy tính nhân bản, đã khiến khán giả khi xem vừa khóc vừa cười, vừa yêu quý nhân vật, mà lại vừa yêu quý sáng tạo của người diễn viên.
Khán giả yêu quý diễn viên này tới mức hôm diễn phục vụ cho thương binh xem, đến đoạn Văn Hiệp diễn, các đồng chí thương binh cứ vỗ tay dài đề nghị đóng màn, diễn lại lớp chàng thanh niên nhớ vợ (!).
Tác giả Tất Đạt đã đánh giá rất cao sáng tạo này của Văn Hiệp và đãi Hiệp một chầu bia mệt nghỉ! Sau vai diễn này, Giám đốc Mạnh Linh tăng cho Hiệp hai bậc lương và đạo diễn Doãn Hoàng Giang thì nhìn anh mà bảo: Mày diễn như có “ma""!
Nhiều lần bị "tóm"
Tôi có dịp đi cùng Văn Hiệp tới nhiều vùng quê và lúc đó tôi mới biết giá trị của những vai diễn của Văn Hiệp và bạn mình được công chúng yêu quý như thế nào! Anh kể với tôi, có hôm đi diễn về, đau răng quá, vào một phòng răng ở thị xã Hà Đông (Hà Tây), ông chủ phòng răng nhận ra nghệ sĩ hài Văn Hiệp, thế là nhổ khuyến mại luôn cho anh hai chiếc răng, kèm theo thuốc thang miễn phí, bảo hành dài hạn!
Có một lần Hiệp đi diễn, buổi chiều phải đi quảng cáo, giữa đường, một tốp dân quân chặn xe lại bắt anh vào trụ sở Uỷ ban để "làm việc". Vào tới nơi, anh tưởng có việc gì vướng mắc, nhưng cuối cùng thì đồng chí chủ tịch xã ra xin lỗi và nói rằng chỉ có cách ấy thì mới được tiếp nghệ sĩ hài Văn Hiệp.
Một lần đi diễn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), đang nghỉ trưa thì có xe công an đến mời Văn Hiệp về công an huyện.
Văn Hiệp đành phải theo sự “áp tải"" của hai công an viên về trụ sở công an. Tưởng có chuyện gì, hoá ra chỉ vì các đồng chí lãnh đạo công an muốn gặp mặt anh, chiêm ngưỡng anh và tặng anh một cân thuốc lào đặc biệt, thứ thuốc lào tiến vua ngày xưa, để anh rít cho kêu đồng thời không quên xin lỗi anh vì màn kịch quá đường đột này!
Lại có một lần trong lúc đi quảng cáo, bên con đê làng, không biết có chuyện xích mích gì mà trai làng của hai đám cưới đang hùng hổ, đến độ sắp xảy ra xô xát thì Văn Hiệp vừa tới nơi. Ông trưởng thôn bèn “tuýt còi” đề nghị tất cả dừng lại và ai về nhà nấy…
Toàn bộ người của cả hai đám cưới khi thấy Văn Hiệp tới thì chả còn thiết gì gây sự đánh nhau nữa, mà xúm lại quanh anh để được nhìn tận mắt Văn Hiệp và tiện có máy ảnh xin chụp cùng anh làm kỷ niệm. Gặp nhiều "xì căng đan không giống ai"" như kể trên, nhưng cuộc sống của Văn Hiệp lại hết sức đơn giản.
Mỗi khi gặp chuyện buồn phiền, anh chỉ lấy điếu thuốc lào để giải toả và trút đi những tâm sự dồn nén trong lòng. Anh nói với tôi: Nhiều lần muốn bỏ rồi, nhưng chính khán giả yêu thích anh lại bảo “thiếu chiếc điếu cày thì còn gì là Văn Hiệp nữa”, thế là lại phải chiều họ để giữ lại một hình ảnh.
Lâu dần thành thói quen, không thể thiếu được điếu cày. Ngày anh đi biểu diễn ở Liên Xô cũ, mang theo chiếc điếu cày lên tàu hoả, điếu cày đổ, nước điếu lênh láng trên sàn tàu, mấy bà phục vụ Nga ngửi thấy thét lên như gặp phải ma quỷ! Còn anh thì chỉ cười và bảo với mấy bà là "ết tơ ố trên khơ ra sô!"" (tiếng Nga là: Cái này rất tốt!)
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)