Đầu năm 2021, thông tin Zhang (22 tuổi) - nhân viên tại cơ sở kinh doanh tạp hóa cộng đồng của Pinduoduo ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc - đột ngột qua đời, được cho là do phải làm thêm giờ đến sáng, khiến dư luận xứ tỷ dân chấn động.
Văn hóa “996” - làm việc từ 9h đến 21h mỗi ngày, 6 ngày/tuần - của các công ty Internet một lần nữa trở thành tâm điểm tranh cãi. Tuy nhiên, theo Sohu, cách làm việc “đổi mạng lấy tiền” này dường như đã trở thành chiếc cùm khiến người trẻ tuổi không thể thoát ra.
Thực tế, không chỉ nhân viên công nghệ mới phải làm việc thêm giờ.
Theo khảo sát năm 2019 của Boss Direct Employment trên 2.268 người lao động, gần 90% không thể thoát khỏi cảnh làm thêm giờ. Trong số đó, 45,5% làm thêm giờ 2-3 ngày/tuần, 24,7% là hầu như mỗi ngày.
Các khẩu hiệu “Tẩy chay 996”, “Thoát khỏi Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu” một lần nữa được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Theo số liệu cuộc khảo sát với 81.000 người dùng trên nền tảng mạng xã hội Maimai, 89% phản đối việc làm thêm giờ. Truyền thông cũng liên tục kêu gọi chấm dứt văn hóa “996”.
Ở Trung Quốc, “996” có nghĩa là làm việc, làm việc, làm việc nhiều hơn nữa. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài “996” còn có “715”
Đầu năm 2019, một người dùng ẩn danh đã tạo kho lưu trữ “996.ICU” trên GitHub - cộng đồng trực tuyến quy tụ các lập trình viên trên khắp thế giới - với mô tả: “Tuân thủ lịch làm việc ‘996’, bạn có thể vào ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt)”.
Theo đó, lịch trình làm việc không hợp lý của các công ty công nghệ ở Trung Quốc, bao gồm Youzan, Alibaba hay JD.com, bị chỉ trích dữ dội. Rất nhanh chóng, các chủ đề về “996” thổi bùng làn sóng tranh luận trên khắp xứ tỷ dân.
Tháng 4/2019, tỷ phú Jack Ma tuyên bố tại sự kiện truyền thông nội bộ của Alibaba rằng văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là “phước lành”.
“Còn trẻ mà không làm theo lịch ‘996’ thì bao giờ mới làm? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, ông nói.
Theo giải thích của vị tỷ phú, thời gian đó không chỉ là để làm việc mà còn là để học hỏi, phát triển bản thân.
Thực tế, văn hóa làm việc “996” trở nên quen thuộc từ lâu. Trong 2 năm qua, nhiều thuật ngữ làm thêm giờ cũng liên tục xuất hiện, điển hình là “715”, có nghĩa là làm việc 15 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
Trụ sở chính của Alibaba tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những công ty bị đưa vào danh sách đen trên GitHub vì bắt nhân viên làm thêm nhiều giờ. Ảnh: EPA. |
Tháng 9/2020, Jia Guolong - Chủ tịch Tập đoàn Xibei - từng tuyên bố trên mạng xã hội về văn hóa làm việc của đơn vị mình: “‘996’ không là gì cả, chúng tôi có ‘715’”.
Jia đề xuất lịch trình làm việc này để đáp trả những người hỏi ý kiến mình về văn hóa làm việc “996”. Ông khẳng định làm việc chăm chỉ là niềm vui và con đường dẫn đến thành công.
Tuy nhiên, theo Luật Lao động Trung Quốc, thời gian làm việc không được quá 8 giờ/ngày, 44 giờ/tuần. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải đảm bảo nhân viên có ít nhất 1 ngày nghỉ/tuần.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, phía Tập đoàn Xibei sau đó nói rằng văn hóa làm việc “715” không bắt buộc đối với nhân viên, nhưng nên được coi là điều tự nguyện. Lãnh đạo đơn vị khẳng định sẽ không bao giờ làm điều gì vi phạm pháp luật.
So với trước đây, tiềm năng phát triển của công ty Internet dần bị thu hẹp. Để kiểm soát chi phí, các công ty bị cuốn vào cuộc cạnh tranh đòi hỏi nhân viên phải có văn hóa làm việc nhấn mạnh vào hiệu quả.
Theo đó, không chỉ thời gian làm thêm giờ bị kéo dài, mà quyền tự do nghỉ ngơi, thậm chí là đi vệ sinh cũng bị tước đoạt. People Magazine đưa tin việc khó đi vệ sinh đã trở thành vấn đề lớn đối với nhân viên công nghệ.
Ví như tại tòa nhà văn phòng của Pinduoduo, có hàng nghìn nhân viên trên mỗi tầng song chỉ có 8 nhà vệ sinh. Kuaishou thậm chí cài đặt bộ hẹn giờ bên ngoài mỗi nhà vệ sinh nhằm rút ngắn thời gian “lười biếng” của nhân viên.
Kuaishou bị chỉ trích dữ dội vì lắp đồng hồ đếm giờ trong nhà vệ sinh để phạt nhân viên. Ảnh: Weibo. |
Khó thay đổi
Theo Luật Lao động Trung Quốc, văn hóa “996” và “715” rõ ràng vượt quá giờ làm việc quy định. Tuy nhiên, nhiều công ty cho biết việc làm thêm giờ này dựa trên sự tự nguyện của nhân viên.
Thực tế, nhiều người lao động sẵn sàng làm thêm giờ vì tiền. Trong cuộc khảo sát do Boss thực hiện, hơn 51% người được hỏi cho rằng chỉ cần có thêm tiền, họ sẵn sàng làm ngoài giờ. Ở vị trí càng cao, tỷ lệ người sẵn sàng làm thêm giờ vì tiền càng thấp. Cụ thể, chỉ 33,78% quản lý cấp cao làm điều này.
Tuy nhiên, không phải cứ làm thêm nhiều giờ, người lao động càng có thêm thu nhập.
Cuộc khảo sát lực lượng lao động quốc gia lần thứ 8 - do Liên đoàn Công đoàn Trung Quốc thực hiện - cho thấy chỉ 44% nhân viên nói rằng họ nhận được tiền làm thêm giờ theo luật lao động hoặc được nghỉ 1 ngày/tuần. 56% còn lại là “đóng góp miễn phí cho công ty”.
Boss Direct Employment từng lưu ý rằng nếu tính cả thời gian làm thêm giờ, 29% người lao động được trả dưới 20 nhân dân tệ/giờ, tương đương mức lương 3.500 nhân dân tệ/tháng theo hệ thống làm việc 8 giờ. Thuật ngữ “người nghèo làm thêm giờ” ra đời từ đó.
Luật làm thêm giờ của Trung Quốc được thực thi một cách lộn xộn. Ngành công nghệ thường cho rằng làm thêm giờ là việc tự nguyện. Ảnh: Reuters. |
Trong môi trường làm thêm giờ khắc nghiệt như vậy, chắc chắn dân công sở Trung Quốc đang “đổi mạng lấy tiền”.
Theo “Báo cáo về chỉ số sức khỏe dân công sở Thượng Hải năm 2019” do Sở Ngoại vụ Thượng Hải phát hành, 98,75% dân cổ cồn trắng gặp vấn đề về sức khỏe. Nói cách khác, dưới 2 trong số 100 nhân viên của một công ty hoàn toàn khỏe mạnh.
Với nhân viên nữ, loãng xương, nhiễm khuẩn HP và viêm cổ tử cung mạn tính nằm trong số vấn đề sức khỏe hàng đầu. Trong đó, tỷ lệ mắc viêm cổ tử cung mạn tính tăng gần 17 lần trong 4 năm qua.
Nhân viên nam thường mắc hội chứng tăng độ nhớt của máu, bệnh tuyến giáp và viêm họng mạn tính. Trong đó, tăng độ nhớt của máu có thể gây đau đầu, hay quên, rụng tóc, mất ngủ, có thể đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, cũng như các bệnh nghiêm trọng khác.
“Báo cáo xu hướng di chuyển nơi làm việc của người Trung Quốc năm 2021” từ nền tảng mạng xã hội Maimai cho biết trong năm mới, điều ước lớn nhất của người lao động là tăng lương (45,5%), thăng chức (16,6%), thay đổi công việc (16,3%) và tăng tinh thần kinh doanh (15%).
Internet - ngành liên tục tạo ra của cải - vẫn đứng đầu trong danh sách lựa chọn của sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc. Tuy nhiên, làm sao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn là ẩn số cần được giải quyết.