Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa 996, nhậu với sếp ở Hàn qua lời kể của chàng trai Việt

Hơn 3 năm ở Hàn Quốc, điều khiến Nghĩa ấn tượng là môi trường làm việc của nước bạn rất nghiêm túc và năng suất cao. Khi được nghỉ, anh dành thời gian đi du lịch và trải nghiệm.

Cách đây 3 năm, với mong muốn được trải nghiệm tại đất nước mới, Phạm Trọng Nghĩa (31 tuổi), nhân viên kỹ thuật tại công ty công nghệ, quyết định sang Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Điểm đến của anh là thành phố Gwangju.

Trước đó, khi còn ở Việt Nam, Nghĩa làm cho công ty của Hàn Quốc nên phần nào hiểu về con người và văn hóa nước bạn. Hai lần đặt chân tới xứ sở kim chi trong những chuyến công tác ngắn hạn cũng để lại cho anh ấn tượng sâu sắc.

Van hoa 996 nhau voi sep qua loi ke cua chang trai Viet o Han anh 1

Nghĩa sang Hàn Quốc sinh sống và làm việc một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cuộc sống trong dịch bệnh

Đầu năm 2020, Hàn Quốc là một trong những quốc gia bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên. Lúc đó, tương tự nhiều người ở đây, Nghĩa hoang mang đến nỗi không dám đi siêu thị, ăn uống, thậm chí không ra ngoài. Dần dần, anh mới thích nghi với việc sống chung với dịch.

“Khi mới bùng dịch, mình thấy ở Việt Nam, nhiều công ty đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ tại nhà để chống dịch. Trái lại, ở Hàn, dù dịch bùng phát mạnh, hầu như không có doanh nghiệp nào ngừng hoạt động hay cho nhân viên làm việc tại nhà. Tức là mặc dù phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh rất cao, mọi người bắt buộc phải đến công ty mỗi ngày. Đó là điều mình nhận thấy Hàn Quốc rất coi trọng công việc”, chàng trai nói với Zing.

Nghĩa chưa từng là F0. Sau Tết Âm lịch, biến chủng Omicron hoành hành, công ty anh có hơn 50% nhiễm bệnh. Ai cũng hoang mang không biết khi nào sẽ tới lượt mình.

Thời điểm đó, Nghĩa luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn phòng và quần áo mặc trên người mỗi khi đi làm về. Anh cũng xông mũi và uống vitamin để tăng đề kháng. Khi bạn chung nhà mắc Covid-19, chàng trai chuyển ra ngoài khoảng một tuần.

“Hiện tại, dịch bệnh ở Hàn Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi hôm trung bình 300.000 ca mắc mới, có thời điểm lên đến hơn 600.000 ca/ngày. Số ca nhiễm cao dẫn đến hệ thống y tế quá tải. Đa phần F0 khai báo y tế và tự cách ly, điều trị tại nhà trong vòng 7 ngày. Chính phủ và người dân quyết định sống chung với dịch từ lâu, trong khi tỷ lệ tiêm chủng khá cao, nên mọi người cũng an tâm, ai có bệnh thì tự chữa”.

Với Nghĩa, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến việc về thăm gia đình trong 3 năm qua. Một phần vì các chuyến bay về Việt Nam bị hạn chế, rất khó đăng ký được chỗ cộng thêm chi phí quá cao.

Hiện tại, việc đi lại giữa Việt Nam - Hàn Quốc dễ dàng hơn do số lượng chuyến bay tăng lên.

“Theo thông báo từ phía Hàn Quốc cách đây 2 tuần, người từ Việt Nam sang Hàn Quốc (kể cả người Hàn) phải cách ly 7 ngày. Nhưng thông báo mới nhất cách đây vài ngày, quy định cách ly được gỡ bỏ với người được tiêm đủ liều vaccine”, Nghĩa nói.

Đất nước của công việc

Tại Hàn Quốc, việc sếp và nhân viên tụ tập nhậu, ăn uống sau giờ làm còn được biết tới với tên gọi “hwaesik”. Với Nghĩa, đây là nét văn hóa thú vị.

“Tiệc công ty là dịp để sếp, quản lý và nhân viên hiểu nhau hơn cũng như trò chuyện sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có biến tướng như đi tăng 2, 3 hoặc tình trạng ép nhân viên tham gia, quấy rối tình dục trong tiệc hwaesik. Bên cạnh đó, dù không thích, nhân viên vẫn phải đi nhậu vì có cấp trên. Bởi vốn dĩ, Hàn Quốc là đất nước mà trong văn hóa làm việc rất coi trọng thứ bậc (cấp dưới phải cung phụng, nghe lời cấp trên)”, anh cho biết.

“Là người ngoại quốc đang làm việc ở Hàn, mình đều tham gia để có những trải nghiệm vui ở đây”, Nghĩa nói thêm.

Với Nghĩa, Hàn Quốc là đất nước của công việc nên văn hóa 996 (làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần) không hề xa lạ. Chuyện nhân viên chưa xong việc ở lại công ty đến 21-22h là bình thường. Do công việc bận rộn, mọi người phải đi làm đúng giờ và làm hết năng suất. Thời gian ngồi tán gẫu dường như là không có hoặc rất hiếm.

“Nếu là công nhân, bạn phải làm luôn tay, luôn chân trong khoảng thời gian làm việc. Còn là nhân viên văn phòng, bạn cũng bận rộn đánh máy, làm việc không chút ngơi nghỉ. Vì thế, mình thấy năng suất làm việc ở Hàn Quốc rất cao. Giờ tan tầm, trên các đường phố hay tàu điện, có thể cảm nhận được sự mệt mỏi sau một ngày làm việc của mọi người”.

Ngoài ra, bất kể công việc là gì, khi được cấp trên giao việc, trong lời nói của người quản lý luôn có câu cửa miệng “balli” (nhanh lên). Theo Nghĩa, đó là sự khác biệt khi ở Hàn người ta luôn hối thúc nhân viên nhanh chóng hoàn thành công việc.

Làm việc ở công ty Hàn Quốc khi ở Việt Nam nên khi mới sang đây, Nghĩa không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, ban đầu, anh có chút sốc văn hóa khi bị cấp trên quát mắng.

“Vốn dĩ người Hàn rất nóng tính nhưng quát xong là hết. Lúc đầu, mình hơi sốc nhưng dần thành quen bởi đó cũng như đặc trưng ở môi trường làm việc bên này”, chàng trai nói.

Cảm giác thân thuộc

Điều khiến Nghĩa thấy thú vị là Hàn Quốc có rất nhiều quán gà rán, từ kiểu truyền thống đến kiểu Mỹ. Người dân rất thích uống bia với gà nên câu cửa miệng mỗi khi rủ ai đó đi nhậu sẽ là “mek-chin” (gà bia).

Văn hóa đường phố, quán xá, vui chơi ở Hàn Quốc đều giống hệt trên các bộ phim. Đặc biệt, mỗi khi có dịp ghé Seoul, Nghĩa thích đạp xe ven sông Hàn và ngồi ăn gà, uống bia ngắm hoàng hôn.

“Hàn Quốc là đất nước đa sắc tộc nên người bản địa xem việc có nhiều dân ngoại quốc bên cạnh là chuyện bình thường. Các quán ăn Việt Nam ở Hàn Quốc cũng rất nhiều nên mình cảm giác thân thuộc cứ như ở nhà”.

Trong các dịp nghỉ lễ, người Hàn Quốc thường đi chơi. Tùy độ tuổi, họ sẽ tới những địa điểm khác nhau như bar, quán nhậu hay nơi có cảnh đẹp để ngắm cảnh.

Ở xứ sở kim chi, hoa được trồng nhiều để mỗi mùa, người dân đều có thể chiêm ngưỡng.

“Người Hàn thường đi chơi theo cả gia đình hoặc cặp đôi. Thường thì họ rất đẹp và lãng mạn nên nhìn sẽ hơi bị ghen tỵ”, Nghĩa cười nói.

Ngoài công việc, lý do lớn nhất đưa chàng trai đến Hàn Quốc là khám phá những địa điểm đẹp ở Hàn mà trước đó báo chí Việt Nam ít hoặc chưa đưa tin.

Hầu như mỗi cuối tuần, Nghĩa sẽ dành thời gian để đi đâu đó, khi là học tiếng Hàn, lúc lại chụp ảnh, check-in ở những nơi đã ghé thăm.

“Hiện, mình đã đi được rất nhiều điểm thú vị ở Hàn Quốc. Chuyến đi khiến mình nhớ nhất là leo núi tuyết vào mùa đông, dưới cái lạnh gần -25 độ C trong điều kiện thời tiết xấu, gió to. Đứng trên đỉnh núi cao hơn 1.600 m trong điều kiện thời tiết như vậy, chỉ cần thò tay ra khỏi găng tay là sẽ bị phỏng lạnh. Nhưng bù lại, mình được ngắm những bông hoa tuyết tận trên cao mà trước giờ chỉ thấy trên mạng”, anh kể.

Khoảng 1,5-2 năm nữa, Nghĩa sẽ về hẳn Việt Nam còn sắp tới, anh dự định về thăm nhà. Trước đó, chàng trai tiếp tục dành thời gian khám phá và trải nghiệm.

Cô gái Việt ở Dubai một mình du lịch Ai Cập

Sống và làm việc ở Dubai (UAE) 10 tháng qua, Phương Mai dành thời gian khám phá hết thành phố này. Chuyến đi tới Ai Cập là lần xuất cảnh đầu tiên của cô trong năm nay.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm