Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post, lý giải thực hư việc thói quen ăn uống với nhiều người dùng chung đũa trong một đĩa ăn được cho là văn hóa truyền thống của Trung Quốc.
Tháng trước, chúng ta nói đến việc tụ tập ăn uống đông người như là một trong hai yếu tố lây lan, hoặc nghi ngờ lây lan, của virus corona bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Một gia đình 10 người ở Hong Kong đã bị nhiễm bệnh sau khi ăn chung một nồi lẩu và một bữa thịt nướng. Ở Singapore, 8 đồng nghiệp của một người đàn ông bị nhiễm bệnh đã bị cách ly sau khi cả 9 người dùng đũa ăn chung một đĩa gỏi cá sống Quảng Đông - một món ăn phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán của cộng đồng người Hoa ở Malaysia và Singapore.
Nhúng đũa hoặc thìa vào một món ăn chung là thói quen ăn uống phổ biến của một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Tuy nhiên thói quen này không được đánh giá là văn minh, đặc biệt là về mặt vệ sinh.
Thói quen nhúng đũa hoặc thìa vào một món ăn chung không được đánh giá là văn minh, đặc biệt là về mặt vệ sinh. Ảnh: SCMP. |
Nhiều người, bao gồm cả dân Trung Quốc, tin rằng các món ăn Trung Quốc phải luôn được ăn chung trên cùng một bàn theo cách người ta vẫn làm ngày nay. Điều này không hoàn toàn đúng.
Bằng chứng là trong quá khứ, tầng lớp thượng lưu Trung Quốc không dùng chung đĩa ăn với nhiều người khác. Điều này có thể thấy trên những bộ phim dã sử Trung Hoa.
Trong một bữa tiệc ở cung điện, nhà vua ngồi trên bục cao nhất và các triều thần ngồi ăn ở những chiếc bàn thấp của riêng họ. Mỗi người dùng đĩa ăn riêng với những món ăn được phục vụ tận bàn.
Triều đại nhà Chu (từ năm 1046 TCN đến năm 256 TCN) có các giao thức nghiêm ngặt quản lý việc sắp xếp bàn ăn và trở thành tiêu chuẩn cho các triều đại tiếp theo.
Theo quy định trong Sách Nghi thức, hoàng đế thời nhà Chu có thể thưởng thức 26 món ăn khác nhau, trong khi công (tức công tước) và hầu (tức hầu tước) được phục vụ lần lượt 16 và 12 món. Các quan chức cấp cao được dùng 8 món, và các quan chức cấp dưới chỉ được dùng 6 món ăn trong một bữa.
Trong một dịp cụ thể, cách thức dùng bữa củng cố bản chất phân cấp của giai cấp thống trị. Vị trí ngồi trong bữa tiệc cũng thể hiện số lượng món ăn mà một người được thưởng thức trong một buổi tiệc.
Vị trí ngồi trong bữa tiệc cũng thể hiện số lượng món ăn mà một người được thưởng thức trong một buổi tiệc. Ảnh: Pinterest. |
Sự sắp xếp này được áp dụng cho các bữa tiệc hoàng gia. Tuy giao thức này có sự thay đổi về chủng loại và số lượng thực phẩm nhưng vẫn được duy trì cho đến triều đại cuối cùng của Trung Quốc, kết thúc vào đầu thế kỷ 20.
Những bữa ăn thường ngày của các gia đình Trung Quốc xưa lại là một phạm trù khác.
Đối với những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu, họ có thể mô phỏng cách cư xử của cung điện khi ăn ở biệt phủ - tức là mỗi người sẽ có bộ đĩa riêng khi ăn. Nhưng đối với những người dân nghèo, họ chia sẻ các món ăn trong vài chiếc đĩa đặt ở trung tâm bàn ăn.
Không biết chính xác thời điểm mà việc dùng chung đũa trong một đĩa ăn trở thành tiêu chuẩn phân biệt giai cấp giàu - nghèo, nhưng nó đã trở thành một phần không thể xóa nhòa trong văn hóa Trung Hoa.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn hóa này không thể thay đổi, đặc biệt là trong thời dịch như SARS hay Covid-19.
Việc các nhà hàng phục vụ thìa và đũa cho những bữa ăn chung là một sự phát triển tích cực, nếu như ta xét trên phương diện phân hóa xã hội chứ không phải việc đảm bảo vệ sinh.