Mohamed Suleiman, cổ động viên 16 tuổi, đến từ Bolton, Anh, cho rằng các yếu tố như việc cấm bia rượu, chi phí đi lại… đã thay đổi văn hóa cổ vũ bóng đá tại World Cup. Mohamed nhận định điều này khi anh nhìn vào bức tranh toàn cảnh về những người ủng hộ đội tuyển Anh xung quanh mình ở Doha, Qatar.
“Tôi nghĩ văn hóa cổ động bóng đá đang thay đổi. Nó đang trở nên đa dạng hơn, họ đón chào, cởi mở với nhiều thứ hơn. Chắc chắn bạn có thể nhìn thấy điều này qua mùa World Cup ở Qatar”, anh nói với The Guardian.
Văn hóa cổ vũ thay đổi
Ông Abdul, cha của Mohamed, nói rằng được đưa con trai mình đến giải bóng đá lớn nhất hành tinh là mơ ước lớn nhất cuộc đời ông. Bây giờ, họ đã ở đây trong màu áo cổ vũ đội tuyển Anh. Cả hai đều nhận định đây là chuyến đi đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
“Cuối tuần vừa qua, người hâm mộ Anh và xứ Wales đã đánh nhau ở Tây Ban Nha. Nhưng ở Qatar lại không có vấn đề xung đột gì xảy ra. Có lẽ việc cấm rượu, bia đã góp phần tạo nên sự an toàn và cảm giác được chào đón tại đây", ông nói thêm.
Gia đình ông Abdul không phải là những người duy nhất cảm thấy sự thay đổi đó. Trên tàu điện ngầm đến sân vận động, Tarique Ghaffur, cựu trợ lý ủy viên của Met (Lực lượng cảnh sát của London), nhấn mạnh rằng văn hóa hâm mộ bóng đá của người Anh đã được cải thiện suốt những năm qua.
Con trai của ông, một YouTuber nổi tiếng từng làm việc với Manchester City, cho rằng cậu chưa từng gặp phải vấn đề gì trong công việc vì màu da của mình.
“Bóng đá là môn thể thao toàn cầu và nó xóa bỏ mọi rào cản", Tarique Ghaffur nhấn mạnh.
Tất nhiên, phần lớn những người ủng hộ đội tuyển Anh ở Qatar vẫn cổ vũ theo khuôn mẫu truyền thống. Dù vậy, tất cả đều đã khác xa so với lần đội tuyển thi đấu trên sân khách, tại Nations League 2019.
Thời điểm đó, hàng nghìn cổ động viên Anh đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Porto, Bồ Đào Nha. Hai fan hâm mộ của đội tuyển Anh cũng đã bị bắt giữ sau khi ném chai nước và các vật thể lạ vào những người cổ động viên địa phương và cảnh sát.
Những fan hâm mộ tuyển Anh đến từ nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có cả những người địa phương ở Doha. Ảnh: Tom Jenkins/The Guardian. |
Hiền hòa hơn khi không có bia rượu
Ai cũng biết những người hâm mộ bóng đá tại Anh rất cuồng nhiệt, thậm chí có phần quá khích. Điều này từng gây lo lắng cho những cổ động viên chọn đến xem các trận có đội tuyển Anh thi đấu.
Tuy nhiên, ở Qatar mọi thứ lại khác.
Theo The Guardian, khi phóng viên trò chuyện với một số người hâm mộ bóng đá tại đây, họ cho rằng ở Qatar, việc rượu, bia bị nghiêm cấm khiến họ cảm thấy an toàn hơn khi ra ngoài để cổ vũ. Họ biết mình sẽ không bị ướt sũng khi tắm bia hoặc nguy cơ xảy ra xung đột giữa fan đội bóng cũng sẽ thấp hơn.
Một số người Ấn Độ và Pakistan cho biết họ có cảm thấy yên tâm hơn khi ở trên khán đài của trận đấu vì có rất nhiều fan hâm mộ đến từ các quốc gia khác nhau.
“Tôi ủng hộ đội tuyển Anh vì họ là một đội bóng giỏi, các cầu thủ của họ rất đẹp trai”, Nasisasa, đến từ Thái Lan, nói với The Guardian.
Theo Jamie Cleland, học giả người Anh, một số yếu tố khác đã khiến văn hóa cổ vũ bóng đá thay đổi. Trong đó có thể do chi phí đến đất nước Trung Đông này quá đắt đỏ.
“Việc World Cup diễn ra vào cuối năm, gần Giáng sinh cùng lúc với việc lạm phát, khủng hoảng tài chính, thiếu thốn chi phí sinh hoạt tại Anh khiến nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt không thể đi Qatar", ông nhận định.
Trong khi đó, Pearson, tác giả cuốn sách An Ethnography of English Football Fans: Cans, Cops and Carnivals, người phân tích chính về văn hóa cổ vũ bóng đá tại Anh, cho biết anh công nhận sự thay đổi đã diễn ra từ khi World Cup được tổ chức ở Qatar.
“Cổ động viên của tuyển Anh chủ yếu là nam giới, da trắng. Họ là những người hâm mộ cuồng nhiệt, đứng đầu các cuộc ẩu đả vô tổ chức, say xỉn, vi phạm luật lệ, và làm mọi thứ để khiến bầu không khí nóng lên. Tôi không ám chỉ tất cả, nhưng những hành vi đó rất thô lỗ. Đó không phải là bạo lực. Đó cũng không phải là phân biệt chủng tộc. Đó chỉ là văn hóa cổ vũ cuồng nhiệt nhưng kém văn minh của phần lớn hooligan (tên gọi fan cuồng ở Anh) ", anh nhận định.
Tuy nhiên, những fan hâm mộ điên cuồng này đã không đến Qatar để tạo ra một nhóm cổ động viên đủ đông.
Trong khi đó, ở các giải đấu ở châu Âu, chúng ta có thể thấy văn hóa cổ vũ đó rõ nét và chiếm ưu thế hơn tất cả.
“Bạn có thể thấy những fan cuồng nhiệt, kích động ở mọi nơi, ngay cả khi họ không có vé. Tham gia trận đấu thôi ư? Đó không phải là lý do khiến họ ở đó", Pearson nhận định.
Tuy nhiên, Pearson cũng không dám khẳng định văn hóa cổ vũ đa dạng, ôn hòa này sẽ tiếp tục lặp lại khi tuyển Anh tới Đức tham dự Giải vô địch châu Âu 2024.
Nhóm cổ động viên của đội tuyển Anh đến từ Thái Lan. Ảnh: Tom Jenkins/The Guardian. |
“Tôi nghĩ việc dễ dàng mua vé vào sân ở Qatar đã tạo ra sự khác biệt lớn, điều này khiến người hâm mộ từ các quốc gia vào sân đa dạng hơn. Nếu nước Anh đủ điều kiện tham dự Euro sau hai năm nữa, mọi chuyện sẽ thực sự rất khác.
Ở các giải đấu châu Âu rất khó để bạn sở hữu tấm vé bước vào sân vận động. Tôi không biết liệu chúng ta có thể thấy những văn hóa cổ vũ ôn hòa này nữa hay không", anh nói thêm.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.