Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa rock Việt

Rock Việt – một khái niệm mà tới nay vẫn tốn giấy mực và công sức “cãi cọ” nếu cứ lao vào lý giải rồi định vị trên bản đồ âm nhạc Việt Nam.

Văn hóa rock Việt

Rock Việt – một khái niệm mà tới nay vẫn tốn giấy mực và công sức “cãi cọ” nếu cứ lao vào lý giải rồi định vị trên bản đồ âm nhạc Việt Nam.

Văn hóa rock Việt

Rockfan Việt máu lửa không kém ai

Một dòng chảy mà chưa bao giờ chiếm lĩnh tới 10% thị trường âm nhạc quốc gia kể từ khi được nhắc tên thì có lẽ nói về sự phát triển của nó thật khó.

Ấy vậy mà Rock ở Việt Nam vẫn cứ phát triển theo cách riêng của nó. Nếu nhìn nhận nó như một chủ thể văn hóa độc lập, ra đời bởi sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những nỗ lực tìm tòi của văn hóa bản địa, thì Rock vẫn như một tay lãng tử cứ lặng lẽ định hình trong lòng đô thị Việt Nam, hóa thân theo nhiều hình thức trong nhiều thế hệ thanh niên đô thị.

Có một văn hóa Rock?

Văn hóa Rock, khái niệm này nghe chừng to tát, nhưng thực tế khi một hình thức nghệ âm nhạc đã có lịch sử gần 1 thế kỷ đã định hình vị trí của nó như một trong những giá trị nghệ thuật thực sự của nhân loại thì không thể nào nói rằng nó không có những ảnh hưởng mang dấu ấn văn hóa tới xã hội. Cứ ngược lại với nguồn cội của Rock tại phương Tây, mỗi bước đi của lịch sử nhân loại lại gắn liền với thứ âm nhạc mang tính cộng đồng cao này. Thập niên 1960 Rock thoát thai từ niềm tin vào hòa bình, tự do và tinh thần bác ái mà những người tiên phong như Che Guevera hay Stefan Zwaig đã âm ủ để cả một thế hệ Hippie phản chiến, sống theo tôn chỉ trở về với thiên nhiên... tại các đô thị lớn từ Mỹ tới châu Âu tạo nên rất nhiều những nghệ sĩ vĩ đại (Bob Dylan, Jimi Hendrix, Joan Baez...) nhưng cũng đồng thời tạo nên một dấu ấn văn hóa đậm nét.

Những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước khi xã hội công nghiệp bỏ rơi cả một thế hệ thanh niên èo uột, họ đã tìm đến Rock và tự tay tạo nên một dòng chảy Grunge đầy phẫn nộ nhưng ứa tràn nhựa sống. Bức tranh toàn cảnh đầy nhân bản của thế hệ bị đánh mất đó, một thế hệ lạc lõng của các thành phố công nghiệp đã được tổng kết trong kịch bản xuất sắc của bộ phim Singles.

Tới Việt Nam, thứ văn hóa đặc biệt này cũng tạo nên những ảnh hưởng của nó trong nhiều thế hệ thanh niên đô thị. Và có lẽ chỉ nên gói trong góc nhìn đô thị bởi thực tế là cho tới nay nền tảng truyền thống nông thôn Việt Nam cũng như những điều kiện cuộc sống vẫn chưa hề tạo nên một dấu ấn nào của Rock tại các khu vực bên ngoài đô thị dù trong Nam hay ngoài Bắc.

Văn hóa rock Việt
Trần Lập (phải) của nhóm Bức Tường

7X – Chủ động với văn hóa Rock

Năm 2003, anh chàng Michael Leearm, khi đó đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Lịch sử Văn hóa tại ĐH Havard danh tiếng theo chân người bạn thân của tôi tới Việt Nam nghỉ hè. Michael tỏ ra rất ấn tượng về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là những giá trị văn hóa đô thị mà chúng tôi coi là bình thường, nhưng Michael lại sử dụng một từ rất nặng ký để miêu tả: unique (độc nhất vô nhị). Đó là nem chua nướng vỉa hè, đó là cafe bên hồ Hale, đó là những khu phố cổ “tưởng chừng giống các khu phố người Hoa nhưng hoàn toàn không phải”...

Cùng sở thích là nhạc Rock, chúng tôi mời Michael tới một buổi biểu diễn của một số ban nhạc Rock. Không khí và âm nhạc tại Nhà văn hóa Hai Bà Trưng đêm hôm đó khiến anh rất “phê”. Nhưng ngày hôm sau, chàng trai sinh ra và lớn lên ở Seattle hỏi tôi: “Ban nhạc của chúng mày chơi hay đấy chứ nhưng sao cover nhiều quá vậy? Có thể cho tao nghe thử nhạc do họ sáng tác không?” Tôi chỉ có thể đưa cho cậu 4 chiếc đĩa CD của các nhóm như Bức Tường, Atomega, Buratinox, The Light... Michael vô cùng bất ngờ và kết luận: “Việt Nam thật lạ. Nhạc rock ở đây rất yếu kém và chỉ có 0% tính chuyên nghiệp nhưng hình như văn hóa Rock lại phát triển ghê gớm!”

Văn hóa Rock bắt nguồn từ sự nghe bởi Rock là một hình thức âm nhạc. Nhưng là một thể loại âm nhạc có các đặc tính ầm ĩ, phản kháng nên Rock không dễ được chấp nhận tại Việt Nam. Chính vì thế những thế hệ thanh niên đầu tiên tiếp cận với Rock trong những điều kiện rất khó khăn. Nhưng ngược lại, những điều kiện khó khăn đó khiến họ càng say mê thứ âm nhạc trái tai kia hơn để một phong cách sống được định hình.

Thế hệ 7X vừa kịp thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp của tuổi niên thiếu bập phải luồng văn hóa phá cách qua những băng đĩa do các chú, các anh cất công mang về từ những chuyến du học hoặc lao động tại Liên Xô cũ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức... Cá tính tuổi trẻ, sự nhận thức của thời điểm bước chân vào ngưỡng cửa đại học và điều kiện kinh tế dần được ổn định cho phép họ mơ tưởng tới một phong cách sống “gần với thời đại hơn”. Những cậu sinh viên mặc quần bò cũ, đeo túi cói vẽ chân dung John Lennon hay biểu tượng các nhóm Metal, để tóc dài đã trở thành một định dạng thời trang riêng của dân Bách Khoa, Kiến trúc hay Xây Dựng thời điểm đó. “Hồi đó chúng tôi cũng cuồng tín lắm!”, anh Lê Hải, năm nay 32 tuổi vẫn giữ tình yêu với The Beatles từ thời sinh viên kể lại, “Tất nhiên là chả ai quy định thế nào mới là “tín đồ rock” nhưng để được mọi người tôn trọng với danh hiệu đó bạn phải thực sự yêu Rock, ít thì cũng phải nghe tới mấy nhóm nổi tiếng, thuộc vài bản ballad và luôn có mặt tại các quán cafe như Sân Ga, Vọng Quán, Đinh Tiên Hoàng... Nhiều ra thì biết chơi nhạc cụ nào đó và đặc biệt là chỉ cần có một ban nhạc chơi trong một chương trình cỡ văn nghệ trường là oách lắm!”

Từ tình yêu tưởng chừng rất đơn giản và cách đam mê cũng khá “thô sơ” đó mà phong trào rock trong học sinh sinh viên tại 2 đô thị lớn của đất nước là Hà Nội và Sài Gòn đã ra đời mà tiêu biểu là sự thành công của nhóm Bức Tường sau này. Nhưng đứng trên phương diện văn hóa, từ mê nhạc Rock mà một bộ phận thanh niên đã tự định hình cho mình phong cách sống riêng, thậm chí niềm tin riêng trong cuộc sống.

Tôi mang câu hỏi yêu nhạc Rock đã ảnh hưởng gì tới cuộc sống tới hỏi những thanh niên 7X ngày nào giờ đã ở vào cái tuổi 30 như Hoàng Anh, trưởng phòng một công ty CNTT, anh tâm sự: “Thế hệ chúng tôi hồi đó những ai yêu Rock có một điểm chung: càng yêu càng muốn khẳng định bản thân. Càng bị phụ huynh và thầy cô khó chịu càng tạo ra vẻ ngoài khó chịu nhưng bên trong lại nỗ lực hoàn thiện bản thân để sống tốt! Tôi đảm bảo với bạn rất nhiều “tín đồ” hồi đó giờ đều là những người giỏi giang và thành đạt bởi chúng tôi rất có ý thức trau dồi và thậm chí chính sự thiếu thốn trong thưởng thức và tính chủ động trong nhận thức đã khiến chúng tôi phấn đấu để cải tạo cuộc sống bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.”

Văn hóa rock Việt

Microwave, đại diện thế hệ rock Việt mới

8X – Sự tiếp cận mới

Thế hệ 8X thực sự là thế hệ được cảm nhận đầy đủ sức nóng của sự du nhập văn hóa cuối những năm 90 và sang đầu thế kỷ 21 khi mọi cánh cửa tiếp nhận đều được mở bung và đặc biệt là sự phát triển của Internet. Tất nhiên họ định hình một giai đoạn ảnh hưởng mới của văn hóa Rock tại Việt Nam bởi khác với thế hệ các anh các chị mình, không chỉ dễ dàng nghe mà họ còn dễ dàng tìm hiểu về chính văn hóa Rock.

Mặc cho Rock Việt cứ èo uột, nhưng thế hệ thứ 2 sau khi đất nước hòa bình vẫn có thể sống với không khí nhạc Rock của thế giới qua mọi kênh thông tin họ có được. “Thế giới phẳng rồi thì chẳng còn phải lo đi thâu từng cuộn băng cassette nghe lèo xèo để có được một album của Nirvana nữa, tống hết vào máy mp3 là xong,” Hùng sinh năm 1987 nói.

Dấu ấn của văn hóa Rock trong thời trang là một minh chứng rõ rệt của sự hội nhập mà thế hệ 8X có được. Những khái niệm như Punk, Gothic hay Blackened đã trở nên không quá xa lạ với giới trẻ ngày nay bởi họ có thể cập nhật ngay các phong cách thời trang Rock mà thế giới đang thịnh hành. Có vẻ như một thế hệ “tín đồ” mới đã sạch sẽ và chuyên nghiệp hơn các đàn anh rất nhiều...

Hoàng Linh, trưởng nhóm Echoes lý giải với tôi tại sao họ chơi Punk Rock: “Dễ chơi, vui vẻ và phù hợp với những đề tài ca từ gần với cuộc sống.” Một thế hệ không chịu cái bóng của chiến tranh và được hưởng những lợi thế của sự phát triển đất nước tìm đến những gì giải quyết được cho họ các vấn đề rất bình thường thôi như tình yêu, bi kịch gia đình, quan hệ bạn bè... Họ cởi mở hơn rất nhiều khi không còn coi Rock là 1 khái niệm đối kháng với xã hội mà ngược lại họ sẵn sàng “thời trang hóa” Rock, sẵn sàng nghe rất nhiều thể loại khác khi vẫn coi mình là một người yêu Rock.

Văn hóa Rock không tạo nên một dấu ấn trên diện rộng hay số đông thanh niên đô thị. Nhưng thực tế nó đã có một quá trình sinh ra, lớn lên rồi biến đổi theo sự biến đổi của xã hội. Và cũng còn một thực tế nữa đó là văn hóa Rock đã đi trước chính nền nhạc Rock Việt Nam một bước dài để tạo nên dấu ấn xã hội của nó. Có lẽ đó là một sự khích lệ chăng cho những ban nhạc Rock Việt Nam có được một niềm tin tiếp tục con đường chông gai là tìm chỗ đứng trong thị trường âm nhạc nước nhà.

Theo Thể thao Văn hóa & Đàn Ông

Theo Thể thao Văn hóa & Đàn Ông

Bạn có thể quan tâm