Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn Kính Dương đòi giữ quyền im lặng, từ chối luật sư

Văn Kính Dương nói sẽ giữ quyền im lặng để chờ luật sư mới, không chấp nhận luật sư hiện tại bào chữa cho mình.

Văn Kính Dương, Ngọc Miu được áp giải đến tòa Văn Kính Dương, Ngọc Miu cùng 8 đồng phạm tiếp tục hầu tòa liên quan đến tội Sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy.

Sáng 16/7, TAND TP.HCM xét xử Văn Kính Dương (còn gọi là Hoàng "Béo"), Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu) cùng 8 đồng phạm về các tội Sản xuất trái phép chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn khỏi nơi giam giữ.

Trong số 10 bị cáo, Phạm Thị Thu Huyền (bị cáo được tại ngoại) không có mặt tại tòa sáng nay.

Ở phần làm thủ tục bắt đầu phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kỳ Nam (bị xét xử tội Sản xuất trái phép chất ma túy) được HĐXX cho phép ngồi khai báo do bị bệnh. 2 lần lên lịch xét xử trước đó đều hoãn vì Nam không đủ sức khỏe tham gia phiên tòa. Một trong số 3 luật sư của Ngọc Miu đã từ chối bào chữa cho bị cáo trước phiên xét xử.

HĐXX hỏi ý kiến các bị cáo có xin thay đổi ai trong HĐXX hay không, bị cáo Văn Kính Dương đề nghị thay đổi luật sư bào chữa cho mình.

“Từ bữa giờ bị cáo chỉ gặp luật sư có một lần nên không thể trao đổi về các hành vi của bị cáo trong vụ án. Bị cáo cảm thấy không tin tưởng nên xin từ chối luật sư để nói gia đình thuê luật sư khác”, Dương nói.

Bị cáo Lê Văn Mang cũng muốn thay đổi luật sư khác để bào chữa cho mình tại tòa.

Ngoc Miu anh 1

Bị cáo Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu) bị cáo buộc Tàng trữ trái phép chất ma túy. Ảnh: Duy Hiệu.

Luật sư của bị cáo Kỳ Nam cho biết tại buổi thăm ở trại giam gần đây bị cáo ngồi xe lăn, thở không được. Bị cáo bị lao kháng thuốc phải thận trọng tiếp xúc, giao tiếp phải đeo khẩu trang. Luật sư cho rằng đây là bệnh hiểm nghèo, căn cứ vào luật thì phải tạm đình chỉ vụ án cho tới khi bị cáo hết bệnh. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho tới khi bị cáo Nam hồi phục sức khỏe.

Sau khi HĐXX hội ý, tòa không chấp nhận đề nghị thay đổi luật sư của Dương và Mang vì các luật sư này đều tham gia phiên xử nên không có lý do gì từ chối. “Nếu bị cáo từ chối thì luật sư không bào chữa nữa, bị cáo tự bào chữa cho mình”, chủ tọa nói.

Với đề nghị của luật sư bào chữa cho Kỳ Nam xin tạm đình chỉ vụ án, chủ tọa cho rằng vấn đề sức khỏe chỉ nghe qua lời của bị cáo nói. Tại tòa, bác sĩ có báo cáo Nam bị lao phổi duy trì chứ không phải lao kháng thuốc.

Trước phiên tòa, bác sĩ cũng đã cho kiểm tra sức khỏe của Nam, không còn vi trùng nữa. HĐXX đã hỏi ý kiến bác sĩ về việc bị cáo có thể đeo khẩu trang hoặc không. Do đó, không thể căn cứ vào ý kiến cho rằng đây là bệnh hiểm nghèo để đình chỉ xét xử.

Riêng bị cáo Phạm Thị Thu Huyền vắng mặt, HĐXX sẽ tiếp tục xét xử vụ án vắng mặt của bị cáo.

Trước quan điểm của HĐXX, Văn Kính Dương nói sẽ giữ quyền im lặng để chờ luật sư mới, không chấp nhận luật sư hiện tại bào chữa cho mình. Chủ tọa một lần nữa giải thích cho Dương nếu từ chối luật sư thì sẽ tự bào chữa.

Ngoc Miu anh 2

Bị cáo Văn Kính Dương. Ảnh: Duy Hiệu.

Đây là lần thứ 2 TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm. Vào ngày 14/5/2019, thay vì đưa ra phán quyết đối với 10 bị cáo trong đường dây sản xuất ma túy do Văn Kính Dương cầm đầu, TAND TP đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung do một số vấn đề chưa được làm rõ.

Sau đó, Công an TP.HCM đã hai lần hoàn hồ sơ, giữ nguyên quan điểm về 8 vấn đề tòa án yêu cầu điều tra bồ sung.

Cáo trạng lần này gần như giữ nguyên các nội dung như cáo trạng trước đó, chỉ đình chỉ điều tra vụ án về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy đối với bị can Phạm Bảo Quân và Lê Văn Mang.

Do đó, lần này các bị can Nguyễn Đức Kỳ Nam, Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân và Nguyễn Bá Thanh bị đưa ra xét xử tội Sản xuất trái phép chất ma túy. Lê Hương Giang, Phạm Thị Thu Huyền, Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền bị truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Năm 2008, Văn Kính Dương bị TAND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) xử phạt 5 năm tù về tội Cướp giật tài sản. Trong thời gian thi hành án tại trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa), Dương tàng trữ trái phép ma túy nên bị phạt 7 năm tù. Tháng 6/2010, tại trại giam Thanh Lâm, Dương bị bắt quả tang khi trốn khỏi nơi giam giữ. Khi được chuyển đến cơ quan điều tra để chờ truy tố, xét xử, bị cáo đã cùng một số phạm nhân trốn trại.

Sau đó, Dương làm giả CMND và thuê nhà ở TP.HCM để tổ chức sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi thỏa thuận với một người tên Tom (chưa rõ lai lịch), Dương móc nối với Nguyễn Đức Kỳ Nam, Phạm Bảo Quân, Lê Văn Mang sản xuất chất cấm. Lê Hương Giang, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đắc Huy đảm nhận việc vận chuyển ma túy đi tiêu thụ. Còn Nguyễn Bá Thành mua hóa chất chuyển vào TP.HCM cho Dương sản xuất thuốc lắc.

Từ tháng 6/2016 đến tháng 4/2017, Văn Kính Dương cùng đồng phạm sản xuất và tiêu thụ trót lọt trên thị trường 18 kg thuốc lắc. Đồng thời, công an phát hiện thu giữ 120 kg thành phẩm và 86,11 kg bột màu vàng tinh chất ở thể rắn loại MDMA.

Tại phiên tòa tháng 5/2019, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị tòa áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với Văn Kính Dương và 5 đồng phạm: Nguyễn Đức Kỳ Nam, Phạm Bảo Quân, Lê Văn Mang, Nguyễn Đắc Huy và Lê Hương Giang.

Ngọc Miu bị đề nghị mức án 20 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. 3 bị cáo Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền và Nguyễn Bá Thành bị đề nghị án chung thân.

Văn Kính Dương và đồng phạm bị xét xử tội gì?

Sau hơn một năm trả hồ sơ điều tra bổ sung, Văn Kính Dương hầu tòa về 5 tội với khung hình phạt cao nhất là tử hình, Ngọc Miu vẫn bị cáo buộc tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm