Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, phản ánh câu chuyện những nạn nhân nữ trải qua ám ảnh tâm lý, không được bảo vệ và khó tìm lại công bằng sau khi bị chính lực lượng cảnh sát tại Mỹ tấn công, quấy rối tình dục.
Một đêm cuối tháng 10/2015 tại thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ), JeAnna Anderson ra ngoài để mua thuốc điều trị dị ứng. Bỗng chốc, cô thấy một chiếc xe cảnh sát đi đằng sau, ra hiệu thông báo cô dừng lại.
Giọng điệu thù địch của sĩ quan Anthony Armour ngay lập tức khiến cô cảm thấy không an toàn.
Trong vài giây, cô biết mình cần đi ra khỏi bãi đậu xe tối đèn này ngay lập tức.
Mariah Valenzuela, một nạn nhân bị cảnh sát tại Phoenix (Mỹ) dùng vũ lực để khống chế, tấn công gây thương tích. Ảnh: The Guardian. |
“Anh ta cảnh báo tôi đừng 'dại dột' chống lại cảnh sát và nói bằng lái xe của tôi bị đình chỉ. Tôi đã đưa giấy tờ chứng minh rằng bảo hiểm xe cộ đang có vấn đề, anh ta vẫn bỏ ngoài tai”, cô kể lại.
Armour cũng từ chối việc Anderson yêu cầu có thêm nhân chứng chứng kiến vụ việc, thay vì chỉ có 2 người.
Khi người phụ nữ 47 tuổi cố dùng điện thoại quay lại bằng chứng, Armour bóp cổ Anderson, khống chế và còng tay cô lại. Viên sĩ quan bắt đầu giở trò đồi bại khi luồn tay vào trong áo, sờ soạng ngực và bộ phận nhạy cảm.
“Đau đớn tột cùng”, “như có sét đánh” là cảm giác của nạn nhân khi bị vặn ngược cánh tay về sau, lôi vào xe cảnh sát. Cô khóc vì bất lực khi bị viên cảnh sát sờ soạng khắp người.
Nạn nhân bị thủ phạm áp giải về đồn
Sau đó, Anderson bị áp giải về đồn. Trong xe cảnh sát, cô nhớ mình đã bị hoảng loạn. Vì quá sợ hãi, người phụ nữ ngất xỉu.
“Tôi liên tục xin giúp đỡ vì không thở được nhưng không ai trong số các sĩ quan khác có mặt ở hiện trường quan tâm. Họ chỉ cười khẩy và nói ‘Đừng giả dối nữa. Cô sẽ vào tù’”, Anderson kể lại.
Sau 5 năm, JeAnna Anderson mới dám trải lòng với báo giới về ký ức bị viên cảnh sát sờ soạng, tấn công tình dục. Ảnh: The Guardian. |
Khi nhận lại điện thoại từ cảnh sát, Anderson phát hiện trong máy có một tấm hình lạ. Hình ảnh cho thấy cô đang nằm bất tỉnh trên mặt đất, còn một sĩ quan khác đang đứng phía trên cô. Anderson quả quyết Armour chính là kẻ chụp bức ảnh.
Cuối cùng, Anderson bị buộc tội chống lại người thi hành công vụ, đối mặt mức 6 tháng tù giam và phạt tiền 2.500 USD.
Việc truy tố Anderson kéo dài trong 9 tháng cho đến khi các cáo buộc bị hủy bỏ. Sau vụ bắt giữ, cô đối mặt với chấn thương kéo dài ở vai.
Về phía Armour, anh ta không phải nhận án kỷ luật nào. Thậm chí, người này còn được chấp nhận cho nghỉ hưu sớm ở tuổi 40 và nhận lương hưu hơn 3.000 USD mỗi tháng.
JeAnna Anderson không phải là người phụ nữ đầu tiên lên tiếng về hành vi sai trái của Armour kể từ lúc người này gia nhập ngành vào năm 2006.
Ngay cả hồ sơ của Armour cũng cho thấy anh ta dính dáng đến nhiều cáo buộc hành hung, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bao gồm cả lạm dụng tình dục. Nhưng trước giờ, người này mới chỉ bị đình chỉ tạm thời 1 lần.
Năm 2011, một phụ nữ tố cáo Armour và đồng nghiệp đã ép cô vào một con hẻm vắng và tra hỏi vào lúc 2h30 sáng.
Năm 2012, cảnh sát điều tra đơn tố cáo nói rằng Armour đã "quan hệ tình dục" với một phụ nữ mà anh ta đang điều tra về tội buôn bán ma túy. Cùng năm, người đàn ông bị điều tra về sự cố một phụ nữ gọi điện báo cảnh sát có kẻ rình mò bên ngoài nhà.
Những cảnh sát lệch lạc thường nhắm vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất, như trẻ vị thành niên hay phụ nữ da màu, nạn nhân của bạo lực gia đình. Ảnh: CBS. |
Khi Armour đến, nạn nhân đang cầm sẵn con dao trong tay. Cuối cùng, anh ta nổ súng bắn. Người phụ nữ sống sót và bị buộc tội tấn công lực lượng chức năng.
Vài tuần sau khi Anderson bị bắt, Armour lại bị buộc tội xông vào nhà dân trái phép và còng tay áp giải người phụ nữ đang ở trong nhà. Sở cảnh sát sau đó chỉ kết luận anh ta tội xâm nhập trái phép và nhận án treo 80 giờ.
Vấn nạn cảnh sát tấn công tình dục phụ nữ
Sau 5 năm, Anderson mới dám trải lòng về những gì mình trải qua, sau khi phong trào Black Lives Matter phản đối việc phân biệt chủng tộc nổi lên khắp nước Mỹ thời gian qua.
Thực tế, nạn lạm dụng tình dục của giới cảnh sát đã trở thành vấn nạn phổ biến trong các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ. Thống kê chỉ ra trong 6 năm gần đây, có khoảng 1.000 viên chức bị thu hồi phù hiệu cảnh sát vì tội hiếp dâm hay các tội khác liên quan đến tình dục.
Nhưng đây mới chỉ là con số trên giấy tờ, vẫn còn rất nhiều vụ chìm trong bóng tối.
Theo Philip Stinson, giáo sư ở Đại học Bowling Green State, các tội liên quan đến quấy rối, tấn công tình dục là lý do phổ biến thứ hai trong các khiếu nại về sai phạm của ngành cảnh sát.
“Khi đọc một mẩu tin cảnh sát bị buộc tội hiếp dâm, chúng ta thường nghĩ chuyện này thật kinh khủng và hiếm khi xảy ra. Nhưng khi tổng hợp lại, chúng ta mới nhận ra đây là cả vấn đề đã diễn ra lâu dài”, giáo sư nói.
Vấn nạn cảnh sát tấn công tình dục phụ nữ khiến công chúng phẫn nộ và biểu tình để phản đối sự vô đạo đức của một bộ phận lực lượng chức năng tại Mỹ. Ảnh: USA Today. |
Các chuyên gia cho biết những cảnh sát lệch lạc thường nhắm vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất, như trẻ vị thành niên hay phụ nữ da màu, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ bị thổi phạt khi đang di chuyển trên đường.
“Khi bạn bị cảnh sát yêu cầu dừng lại, bạn khó có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ. Nếu không, cảnh sát sẽ khép bạn vào tội chống người thi hành công vụ”, ông Stinson nói thêm.
Riêng ở Phoenix, hiếm có trường hợp cảnh sát phạm tội nghiêm trọng bị trừng phạt thỏa đáng.
Tháng 7, camera quay lại được cảnh một cảnh sát đánh đập và quát mắng một cô gái khi xử lý vi phạm giao thông. Cảnh sát thành phố sau đó phản hồi rằng hành vi đó hoàn toàn được cho phép.
Năm 2015, sĩ quan Timothy Morris cũng hầu tòa với cáo buộc tấn công tình dục một phụ nữ, nhưng sau được tuyên trắng án.
"Bạn cầu cứu ai khi kẻ hiếp dâm là cảnh sát?"
Đó là câu hỏi giáo sư Philip Stinson đặt ra khi nói đến việc giành công lý cho những nạn nhân bị hiếp dâm, tấn công tình dục bởi chính lực lượng chức năng.
Tháng 12/2018, Erica Reynolds bị cảnh sát Phoenix điều tra vì nghi ngờ tàng trữ ma túy.
Không tìm thấy bằng chứng trên xe, cảnh sát áp giải Erica bị về đồn. Tại đó, người phụ nữ bị lột trần, rồi cảnh sát bắt đầu khám xét vùng kín, hậu môn nhưng không tìm ra bất cứ loại thuốc cấm nào.
Điều đáng nói, cảnh sát không hề xin lệnh khám xét mà cứ thế thực hiện. Một năm sau vụ việc, tòa án kết luận cảnh sát đã làm sai, vi phạm quy định phải có trát chấp thuận của thẩm phán và việc khám xét cơ thể phải do chuyên gia y tế tiến hành.
“Tôi sẽ không cho phép họ phủi đi mọi tội lỗi. Tôi cảm thấy như mình bị cưỡng hiếp bởi cảnh sát”, Erica nói.
Các nạn nhân bị cảnh sát tấn công tình dục gặp nhiều khó khăn khi kêu cứu vì các sở cảnh sát thường che giấu tội lỗi của nhân viên. Ảnh: Stock. |
Người phụ nữ sau đó đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán “bị tấn công tình dục và chảy máu trực tràng”.
Sau này, phía lực lượng chức năng thừa nhận việc khám xét cô là sai phạm nghề nghiệp và dàn xếp trả một khoản tiền để đền bù. Song với cáo buộc xâm hại tình dục, cảnh sát thành phố Phoenix chưa bao giờ thừa nhận.
Chỉ một sĩ quan liên quan bị đình chỉ 40 giờ công tác, trong khi những người khác làm việc bình thường.
“Họ sẵn sàng xé nát cuộc đời người khác, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống ma túy”, cô nói.
"Tôi không còn là chính mình"
Ám ảnh tâm lý sau vụ việc để lại không ít hậu quả lên những phụ nữ như Anderson và Erica.
Erica phải vật lộn với chứng sợ gần gũi thể xác sau khi bị làm nhục.
Còn cuộc sống của Anderson không còn tốt đẹp như trước sau khi cô được trả tự do.
Bạn trai đòi chia tay, cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, còn giờ cô đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi khi lái xe một mình vào ban đêm.
“Tôi không còn là chính mình nữa. Tôi luôn thấy bị tổn thương”, Anderson thú nhận.
Cuối cùng, Anderson rời Phoenix và chuyển đến Texas, cố gắng bắt đầu một cuộc sống mới.
“Nỗi sợ hãi sẽ không biến mất và tôi cần phải rời đi. Tôi không đáng phải sống một cuộc sống như vậy. Cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ người dân, nhưng không ai có mặt hôm đó làm đúng nhiệm vụ của họ”, người phụ nữ nói.