Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vào rừng sâu 'bắt' từng học trò ra lớp

Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua, tỉnh Quảng Ngãi, đi vận động học sinh đến trường, đám trẻ liền rủ nhau chạy trốn.

Giữa tháng 9, khi các giáo viên ở miền xuôi đang bận rộn với những bài giảng đầu tiên thì ở trường THCS Sơn Bua, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ánh vẫn đang thấp thỏm vì hơn 20 học sinh vẫn còn chưa đến lớp. Để lấp đầy những khoảng trống trong lớp học, thầy Ánh cùng các giáo viên của trường lại lên đường đến xóm Nước Mù.

“Hơn 1 năm qua, từ khi nhận công tác ở trường, dường như tháng nào tôi cũng phải làm một chuyến thế này”, thầy Ánh nói.

Vào rừng sâu “bắt” từng học trò ra lớp

Năm học mới đã bắt đầu. Thế nhưng các em vẫn ở nhà. Nguyên nhân chính là chiếc cầu treo, con đường độc đạo, duy nhất từ trong xóm đi ra ngoài đã bị hư hỏng nặng.

hoc sinh vung cao anh 1
Các thầy giáo vận động gia đình động viên các con cháu đến trường. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Hầu hết người lớn trong khu dân cư Nước Mù đều không biết chữ, vì thế họ cũng ít khi quan tâm đến việc học của con. Trẻ em ở xóm Nước Mù cũng đa phần chỉ học hết cấp 1, cấp 2 rồi nghỉ học theo bố mẹ làm nương rẫy kiếm sống.

Một ngày nắng giữa tháng 9, chúng tôi theo chân thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua - vào xóm Nước Mù vận động từng học sinh xuống núi đến trường.

Vượt gần 3 km con đường dốc núi ngoằn ngoèo, dốc cao để đến xóm Nước Mù, tôi tình cờ gặp 2 học sinh đang cười nói tay xách túi ni lông đựng một vài quyển vở. Khuôn mặt lén lút nhìn chúng tôi cười nói rồi vội vàng chạy lên phía trước. Đứa nào đứa đấy đều chân đất, lấm lem với những chiếc áo trắng cũ kỹ, đầy vết bẩn của đất rừng.

Xóm nước Mù chỉ có 16 hộ dân nhưng có đến 25 học sinh các cấp. Cách duy nhất đến thôn là phải đi bộ men theo con đường mòn vách núi đầy đá, trơn trượt và rất nhiều vắt.

“Nguy hiểm nhất là cây cầu treo Nước Mù. Cầu đã xuống cấp, người dân dùng nứa gia cố để qua lại. Đường xa, hiểm trở, cha mẹ lại thiếu quan tâm nên các em thường xuyên bỏ học, giáo viên phải lên đến tận nhà để vận động từng em đến lớp”, thầy Ánh bộc bạch.

Thầy Ánh vừa dứt lời cũng là lúc cây cầu “tử thần” ấy đã hiện ra ngay trước mắt. Cầu có chiều dài khoảng 110 m, cao chừng 15 m. Cầu được xây dựng hàng chục năm nhưng đã hư hỏng gần như toàn bộ. Trụ cầu vỡ nát, phơi bày cả lõi sắt gỉ đen do mưa nắng, mặt cầu chỉ còn là những thân cây nứa tạm bợ, có những đoạn đã mục nát, lộ ra những cái lỗ lớn bước trên cầu có thể nhìn xuống suối. Chỉ cần sơ sẩy có thể trượt chân rơi xuống con suối lởm chởm đầy đá vào mùa nắng, và đục ngầu vào mùa mưa.

Vừa qua khỏi cầu, trời bỗng trút cơn mưa lớn, khiến cho những bước chân càng thêm nặng nề hơn, hai bên lề là những tiếng xào xạc của lá cây phát ra ngày một lớn hơn khi những đàn vắt đang di chuyển đến chúng tôi. “Con đường đi của bọn trẻ là như vậy đó, trời nắng cũng có vắt nhưng không nhiều như những hôm trời mưa, bọn trẻ không chỉ phải đối đầu với nguy hiểm từ cây cầu treo, mà còn phải đối đầu với những cung đường ngoằn ngoèo, trơn trượt, và đầy vắt”, thầy Ánh vừa thở vừa nói.

Sau gần 1 giờ đồng hồ băng rừng, lội suối, vượt cầu “tử thần”, chúng tôi đã đặt chân đến những nóc nhà đầu tiên của xóm Nước Mù. Thấy thầy Ánh, những đứa trẻ đang chơi đùa bên nhà liền nhanh chân chạy trốn, bởi chúng nó “sợ” thầy, cô giáo “bắt” đi học vì hôm nay là ngày thường buộc phải đến lớp.

Thầy Ánh đi từng nhà tìm bọn trẻ. Ở Nước Mù, chỉ cần một em bỏ học là những học sinh còn lại cũng ở nhà để chơi đùa cùng nhau, nếu một em đi học là tất cả những em còn lại cũng đi học theo. Do đó, thấy các em vắng là thầy cô lại vào tận làng vận động cha mẹ, nói nhẹ nhàng với các em, để các em đến lớp đầy đủ là điều không dễ dàng.

Người dân ở Nước Mù rất đông con như gia đình ông Đinh Văn Núi có đến 10 con, trong đó có 7 con đang là học sinh của trường mầm non, tiểu học và cả trung học cơ sở. Tuy nhiên, hôm nay chỉ có một cháu đến lớp, 6 người con còn lại trốn học ở nhà… vui chơi.

Ông Núi hồn nhiên cho biết: “Mấy hôm trước đưa tụi nó đi nhưng hôm nay không đưa được tại xóm có bắt được một con trăn, có mở tiệc nhậu từ sớm nên lũ trẻ hôm nay nghỉ học luôn”.

“Thầy nói với cha mẹ rồi đấy, mai ra trường với thầy. Mai ra trường sớm thầy cho quần áo mới, cặp mới, nhiều quần áo lắm. Ra trường ở lại với thầy, không phải sợ đi về đường xa. Ra trường với thầy được ăn cơm ngon, không phải sợ đói”, thầy Ánh nói với những đứa con nheo nhóc của ông Núi.

Rời nhà ông Núi, thầy Ánh cùng các giáo viên khác lại đến một số gia đình khác nói chuyện với các bậc phụ huynh để họ sớm đưa con em đến trường. Tại đây, các giáo viên đã phát hiện em Đinh Thị Thận (năm nay lên lớp 5) chưa đến lớp ngày nào kể từ khi năm học mới bắt đầu. Thận được cha mẹ đưa từ địa phương khác về khu dân cư Nước Mù để ở với ông bà. Nhưng do cha mẹ em không biết chữ, lại không biết phải đưa con lên lớp nào, nên dù năm học mới đã qua nửa tháng nay, Thận vẫn chưa được đến lớp.

Thầy Ánh đã hướng dẫn tận tình cho phụ huynh của em Thận để họ hoàn thành thủ tục nhập học cho em. Đồng thời, thầy cũng “đặc cách” cho Thận để em đến lớp trước khi em có đầy đủ hồ sơ nộp lên trường. Thận được bố trí học bán trú, những giấy tờ thiếu nhà trường sẽ hướng dẫn hoàn thành sau.

Chị Đinh Y Mới, mẹ em Thận, cho hay: “Tôi không biết chữ, nên rất muốn con đi học để biết chữ, để giỏi hơn cha mẹ. Tôi sẽ sớm về nơi ở cũ rút học bạ để cho con được đi học tiếp”.

Bỏ học, nhưng tới bữa vẫn đến trường… ăn cơm

“Giáo viên của trường phải thường xuyên đi xin quần áo, sách vở để các em đến lớp có đồ mặc, có sách vở để học”, thầy Nguyễn Văn Ánh cho hay.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua có 422 học sinh, trong đó bậc tiểu học có 12 lớp, trung học cơ sở có 4 lớp. Trường có 170 học sinh bán trú, nhưng có 200 học sinh ăn cơm trưa tại trường. Điều đặc biệt là dù các em bán trú này có đến lớp đầy đủ hay không nhưng suất cơm cho các em vẫn phải chuẩn bị đầy đủ, vì việc các em nghỉ học nhưng giờ ăn lại có mặt đã trở thành chuyện “thường ngày”.

Thầy Nguyễn Tấn Đức, giáo viên nhà trường, cho hay: “Từ cuối tháng 8 vừa rồi, chúng tôi phải vào xóm Nước Mù để vận động phụ huynh đưa các cháu đến trường. Nhưng những ngày đầu, các cháu được cha mẹ đưa đến trường. Tuy nhiên, được vài hôm thì ở nhà hẳn luôn”.

Còn theo thầy Ánh “Các em vắng học chưa hẳn là đã về nhà, có thể là bỏ đi chơi, đến lúc đói lại về trường ăn cơm. Cũng có những em về nhà, nhưng đến giờ ăn lại đến trường để ăn xong rồi bỏ về. Vì đi học kiểu vậy nên không theo kịp bài giảng các em lại thêm chán nản, trốn tránh các buổi học để ở nhà đi chơi”.

Để đảm bảo việc dạy và học, nhiều năm qua nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, việc tổ chức bán trú cho các em bậc tiểu học cũng đã tạo ra nhiều khó khăn cho cán bộ, giáo viên nhà trường bởi các em còn quá nhỏ, chưa thể tự lập trong việc vệ sinh cá nhân. “Cái khó nhất đối với giáo viên là vào giờ ăn và ban đêm, các em còn quá nhỏ nên chưa thể tự vệ sinh cá nhân, vì vậy giáo viên phải tắm, rửa cho các em. Trường lại không có cán bộ chuyên phụ trách công tác bán trú nên phải cắt cử các giáo viên thay nhau trực để chăm cho các em”, thầy Đức tâm sự.

Như em Đinh Văn Lang có nhiều hôm, ăn tối xong nhưng lại không thấy ở trường, trốn ra ngoài ngủ. Thầy cô phải hối hả chạy đi tìm khắp nơi, có hôm em Lang trốn ra ngoài ngủ với ông say rượu ở cạnh trường. “Việc trông nom, lo cho các em từ cái ăn, cái học, cái ngủ… thực sự không dễ”, thầy Ánh tâm sự.

Trên đường về, thầy Ánh chép miệng, tại Sơn Bua có nhiều điểm dân cư nằm tách biệt với trung tâm xã. Dù được học bán trú nhưng học sinh vẫn thường xuyên vắng học. Giáo viên phải thay nhau vào rừng kéo các em ra lớp.

“Đường đi rất khó khăn, nguy hiểm nhất là vào mùa mưa, nước cao, chảy xiết. Giáo viên chúng tôi thì sao, nhưng bọn trẻ phải qua lại cầu Nước Mù hư hỏng nặng, thực sự quá nguy hiểm. Nếu được cấp trên quan tâm làm cho cây cầu mới thì các em đến lớp sẽ chăm chỉ và an toàn hơn”, thầy Ánh ao ước.

Rơi nước mắt trước khu nội trú của giáo viên vùng thượng Kỳ Anh

Năm học mới đã bắt đầu, cán bộ, giáo viên (CBGV) các trường học ở vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đau đáu ước mong về những khu nhà nội trú vững chãi để yên tâm gắn bó với nghề.


https://www.tienphong.vn/giao-duc/vao-rung-sau-bat-tung-hoc-tro-ra-lop-1466832.tpo

Theo Nguyễn Ngọc/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm