Liên quan tới sự việc 15 con chó và một con mèo của một cặp vợ chồng mắc Covid-19 bị tiêu hủy tại Cà Mau, nhiều người đặt câu hỏi khi nào vật nuôi sẽ bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật?
Luật sư Lưu Kiều Trang, Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Khoản 3, Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định "trung gian truyền bệnh" là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, có khả năng truyền bệnh.
Điểm c, Khoản 1, Điều 50 Luật này quy định động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc đối tượng bị tiêu hủy.
Từ những quy định trên, có thể thấy việc tiêu hủy động vật để vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch cần phải có 2 điều kiện đó là động vật đó phải mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và việc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm đó phải có khả năng truyền bệnh.
Trường hợp này, đôi vợ chồng mắc Covid-19 nhưng chưa có căn cứ xác định 15 con chó mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm Covid-19. Ngoài ra, thực tế tại Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào virus SARS-CoV-2 được lây từ vật nuôi sang người hoặc ngược lại. Do đó, chưa thể khẳng định đàn chó của đôi vợ chồng này là trung gian truyền bệnh.
Người đàn ông chở theo đàn chó từ Bình Dương vào Cà Mau. Ảnh cắt từ clip. |
Ngoài ra, việc vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch thuộc trách nhiệm của Đội Chống dịch cơ động và phải theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Việc Ban quản lý khu cách ly tự thực hiện việc tiêu hủy như trên khi chưa được Ban Chỉ đạo chống dịch yêu cầu là không đúng quy định. Ngoài ra, việc tiêu hủy chưa có sự hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Như vậy, hành vi tiêu hủy động vật từ vùng có dịch bệnh Covid-19 là chưa đúng quy định của pháp luật.
Việc tiêu hủy trái quy định của pháp luật nêu trên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đôi vợ chồng có quyền yêu cầu những người có trách nhiệm phải bồi thường. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại sẽ gặp khó khăn bởi pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc tiêu hủy động vật sai nêu trên.