Nhìn dáng đi tập tễnh, bàn tay phải co cứng cùng miệng khó phát âm thoát chữ, không ai nghĩ Phan Thanh Tùng (25 tuổi) đang là lập trình viên tại một công ty sản xuất phần mềm.
Nỗ lực khẳng định bản thân
Phan Thanh Tùng là con út trong gia đình có 2 anh em ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Mẹ là công nhân, hàng ngày, bà có thêm gánh xôi buổi sáng kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.
Trước đó, vào khoảnh khắc "vượt cạn", người mẹ đau đớn khi biết mình khó sinh phải dùng dụng cụ hỗ trợ, ảnh hưởng não và dây thần kinh vận động của con. Tùng bị khuyết tật bẩm sinh với đôi chân và đôi tay không cử động bình thường. Lưỡi ngắn khiến 9X khó phát âm, trò chuyện.
Cậu bé Tùng từng phải hứng chịu sự kỳ thị từ mọi người xung quanh bởi hình dáng dị tật của mình. “Nhiều người đi đường trêu đùa, giễu cợt làm trò cười cho cả đám đông và gọi mình là 'thằng bị ngơ'”, 9X Phú Thọ nhớ lại.
Anh trai Tùng cho hay cậu em khuyết tật về thể chất chứ không "khuyết tật" tinh thần và trí tuệ. Những năm phổ thông, nam sinh là một trong những học sinh khá giỏi của trường. Ngay từ năm lớp 11, 9X được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán lớp 12 cấp tỉnh.
![]() |
Phan Thanh Tùng (thứ 3 từ phải sang) trong ngày nhận tấm bằng cử nhân.
|
Trong nhà không ai đam mê máy tính, Tùng tự tìm tòi, học hỏi. Năm 2011, 9X trở thành sinh viên khoa Công nghệ - Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với số điểm 24.
“Hai bên họ hàng, thầy cô và bạn bè đều rất bất ngờ với số điểm mình đạt được”, Tùng kể.
Tùng từng liên tiếp giành các giải thưởng khi còn là sinh viên. Năm 2012, bạn đoạt huy chương đồng, năm 2013 giành huy chương vàng kỳ thi lập trình theo chuẩn quốc tế ACM/ICPC. Năm 2014, 9X trở thành ứng viên nặng ký tại Hackathon, cuộc thi việt dã lập trình trên Windows của Microsoft.
Học tiếng Anh ngày đêm và kết quả 6.0 IELTS
Ngay từ đầu, do theo học bạn A (Toán, Lý, Hóa), Phan Thanh Tùng đã bỏ bê ngoại ngữ, gần như mất gốc hoàn toàn. Cuối năm thứ ba đại học, lời khuyên của một người bạn Nhật Bản đã khơi dậy khát khao vươn ra nước ngoài trong Tùng: “Anh ấy khuyên tôi nâng cao ngoại ngữ để có thể học thạc sĩ và tiến sĩ tại Mỹ hoặc Nhật Bản”.
Ý nghĩ nếu không có tiếng Anh, mình cũng chỉ giống hàng nghìn lập trình viên khác đã khiến Tùng lên kế hoạch chinh phục ngôn ngữ thứ hai.
Suốt một năm, Tùng lao vào nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh. Cậu quyết định đăng ký học tại một trung tâm tiếng Anh để nâng cao trình độ. Điều kiện kinh tế của gia đình lúc đó vô cùng khó khăn, 9X phải đi vay mượn khắp nơi để đóng học phí.
Nam sinh cho rằng những khiếm khuyết về cơ thể của bản thân chính là động lực để cậu vượt lên chiến thắng hoàn cảnh.
![]() |
Thanh Tùng tham gia học tại trung tâm tiếng Anh. |
Con đường chinh phục ngoại ngữ trở nên gian nan hơn bao giờ hết khi Tùng vừa bị mất gốc kiến thức, vừa bị dị tật.
"Các khớp ngón tay phải cứng ngắc, khó cầm bút nên không thể ghi chép được bài. Mình chẳng có gì để ôn lại sau khi kết thúc buổi học nên chỉ có thể dựa vào trí nhớ, tập trung cao độ để ghi dấu những kiến thức học được vào trong đầu", Tùng kể.
Tùng nhớ lại thời gian hàng ngày, bạn dậy từ 4h sáng để học ngoại ngữ. Lưỡi cứng, việc giao tiếp bình thường đã rất khó, phát âm tiếng Anh "tròn vành rõ chữ" lại càng khó hơn. Nam sinh cho hay mỗi ngày bỏ ra 6 đến 8 tiếng chỉ để luyện nói, phát âm.
Anh Vũ Hồng Công, lãnh đạo của Tùng, cho biết: “Thanh Tùng là người chăm chỉ, luôn tiếp cận vấn đề với thái độ tích cực và cầu thị. Tùng là một trong số ít nhân viên của công ty có thể giao tiếp với khách hàng nước ngoài”.
“Bất cứ khi nào rảnh, mình đều áp tai nghe các bản tin hàng ngày của kênh BBC, CNN, Discovery... Sau đó, mình xem bài dịch của bản tin đó để đảm bảo hiểu đúng và sâu. Mỗi ngày chỉ học 5 từ mới, mình tận dụng triệt để từ điển Cambridge của Oxford giúp hiểu chuẩn ngữ nghĩa của từ và chép chính tả trên website”, Tùng kể.
Sau một năm nỗ lực hết mình, Tùng quyết định đi thi lấy chứng chỉ IELTS. 9X gặt hái “trái ngọt” với chứng chỉ 6.0 IELTS từ Hội đồng Anh.
Hiện tại, Tùng có thể đọc báo, xem phim bằng tiếng Anh mà không cần phụ đề và giúp bạn luyện thi IELTS, TOEIC.
Cố gắng không ngừng nghỉ
Chàng trai cho biết chính tiếng Anh đã giúp mình có được công việc với mức lương tốt như hiện tại.
Thanh Tùng hiện giữ vai trò trưởng nhóm câu lạc bộ với hơn 30 thành viên. Là “đầu tàu”, chính khả năng và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt kiến thức đã giúp 9X nhận được sự ủng hộ và ngưỡng mộ của các thành viên.
“Anh Tùng có thể nói xuyên suốt hàng tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ để trao đổi thông tin và truyền lửa cho tất cả mọi người”, Lý Lưu Ly, thành viên của câu lạc bộ, cho hay.
Phan Thanh Tùng tin rằng nếu bản thân cố gắng thì không khó khăn nào không vượt qua được. Chàng trai cho biết thêm anh đang tham gia học ngôn ngữ thứ ba là tiếng Nhật để có thể lấy chứng chỉ vào tháng 5 tới.