Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người trẻ 'còng lưng' trả nợ khi vay tiền tỷ mua nhà

Không muốn "cả đời đi ở thuê", vợ chồng chị Hoàng Ngân quyết định dồn hết tiền tậu căn chung cư giá 3,5 tỷ đồng. Với thu nhập 40 triệu đồng/tháng, họ dành hơn 50% để trả nợ mua nhà.

Tốt nghiệp đại học năm 2020, nhờ có nền tảng tốt, Ngọc Nhi (28 tuổi, sống tại phường Xóm Chiếu, TP.HCM) nhanh chóng ổn định công việc tại một tập đoàn nước ngoài với mức lương 30 triệu đồng/tháng.

Giữa năm 2022, Nhi tình cờ biết đến căn nhà cũ 2 tầng, một sân thượng ở phường Chánh Hưng đang cần bán gấp do chủ nhà chuẩn bị ra nước ngoài. Diện tích nhà là 56 m2, được bán với giá khoảng 3,4 tỷ đồng. Thời điểm đó, cô có trong tay khoảng 1 tỷ đồng tiết kiệm.

“Thấy nhà hợp ý, chỉ cần sửa sang là có thể ở nên tôi vội mua ngay. Giờ đâu còn ai đợi đủ tiền mới mua nhà”, cô gái 28 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Gia đình khá giả, bố mẹ Nhi hỗ trợ con gái 1,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại, cô vay ngân hàng trong 10 năm với lãi suất 8%/năm.

Theo khảo sát của trang Property Guru năm 2023, số người trẻ như Nhi tìm mua nhà đang ngày càng tăng. Ở nhóm tuổi 22-26, tỷ lệ tìm kiếm nhà để mua đã tăng từ 13% (năm 2021) lên gần 19% (năm 2023). Một báo cáo khác của trang Batdongsan.com.vn đầu năm 2024 cũng chỉ ra tỷ lệ người trẻ vay tiền mua nhà cao hơn thế hệ trước. Cụ thể, 75% người trong độ tuổi 22-29 chọn hình thức vay mua nhà, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trên 30 tuổi là 68%.

Chần chừ sợ không mua nổi nhà

Với Ngọc Nhi, quyết định xuống tiền được cân nhắc kỹ sau 2 năm thị trường bất động sản đóng băng vì dịch Covid-19. Cô cho biết đây là giai đoạn giá nhà có phần chững lại, một số khu vực thậm chí giảm nhẹ và là cơ hội hiếm có để mua bất động sản với mức giá tốt.

“Tôi chấp nhận chọn khu vực xa một chút, đổi lại được nhà đất. Còn chung cư thì xuống giá nhanh mà thời hạn sở hữu chỉ 50 năm”, cô bày tỏ.

Nhi thừa nhận giai đoạn đầu khá áp lực khi buộc phải thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, sau 3 năm, khi thu nhập tăng lên và thanh toán nợ vay mỗi tháng giảm dần, cô cảm thấy quyết định mua nhà sớm là đúng đắn.

vay no mua nha anh 1

Căn nhà của Ngọc Nhi sau khi được sửa sang. Ảnh: NVCC.

Nhi nói thêm nếu ngày trước chần chừ, có thể đến giờ cô khó mua nổi nhà hoặc "còng lưng" trả nợ khi giá ngày càng tăng cao.

Gần đây, ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG), chia sẻ góc nhìn: "Với một người lương 20-30 triệu một tháng, để mua được một ngôi nhà với giá 5-7 tỷ là điều không tưởng. Các bạn trẻ có tiết kiệm thế nào cũng không thể mua nổi một căn nhà...".

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2025, tất cả dự án nhà ở thương mại mở bán mới tại TP.HCM đều có giá không dưới 40 triệu đồng/m2.

Báo cáo của công ty tư vấn Avison Young Việt Nam cho thấy trong quý II/2025, giá bán căn hộ tại TP.HCM dao động 84-135 triệu đồng/m2. Dự án có mức giá thấp nhất cũng đã vượt mốc 55 triệu đồng/m2 và không còn nguồn cung nào dưới 40 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo Savills Việt Nam, quý II/2025, giá căn hộ mới mở bán trung bình đã chạm ngưỡng 91 triệu đồng/m2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong vòng 5 năm qua, giá bán sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 22%/năm, riêng quý I năm nay đã tăng 32% so với cùng kỳ.

vay no mua nha anh 2

Giá bán căn hộ ở TP.HCM và Hà Nội đều ngày càng tăng cao. Trong ảnh là một chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội tại quận 7 cũ, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương.

Cũng với suy nghĩ “mua nhà càng sớm càng tốt”, vợ chồng Ngọc Hiền (29 tuổi, sống tại Hà Nội) quyết định sở hữu căn hộ chung cư sau một năm sống chung với bố mẹ chồng.

“Nhiều hôm đi làm về muộn, bố mẹ chờ cơm, chờ cửa khiến tôi áy náy và không thoải mái. Vậy nên hai vợ chồng đã xác định ngay từ đầu là cần có không gian riêng”, Hiền kể.

Cặp đôi chọn căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 60 m2 tại một dự án khá lớn ở huyện Gia Lâm cũ (nay là xã Bát Tràng), với giá 4,1 tỷ đồng. Trước đó, vợ chồng cô tích lũy được 800 triệu đồng.

Tổng thu nhập của hai vợ chồng 52 triệu đồng/tháng, sau chi tiêu còn dư khoảng 35-40 triệu đồng. Ngoài khoản tiết kiệm, họ bán một phần đất hồi môn ở quê được thêm 2 tỷ đồng.

Phần còn lại, cả hai vay ngân hàng trong 15 năm, với lãi suất cố định 7% trong 2 năm đầu, sau đó là thả nổi khoảng 10%/năm. Trung bình mỗi tháng, gia đình dành khoảng 18 triệu đồng để trả nợ.

“Vẫn đủ để xoay xở, thậm chí có dư một ít nếu quản lý chi tiêu hợp lý”, Hiền nói.

Gồng gánh trả nợ

Năm 2023, vợ chồng chị Hoàng Ngân (31 tuổi, TP.HCM) cũng quyết định mua nhà sớm thay vì tiếp tục đi thuê. Họ chọn căn hộ 2 phòng ngủ tại phường Tăng Nhơn Phú, giá 3,5 tỷ đồng (khoảng 72 triệu đồng/m2).

Thời điểm mua, hai vợ chồng tích lũy được 900 triệu đồng, bố mẹ hỗ trợ thêm 700 triệu. Ngoài ra, họ vay mượn người thân 300 triệu với lãi suất 5%/năm và phần còn lại vay ngân hàng, dự kiến trả trong vòng 10 năm.

Khi ký hợp đồng mua nhà, tổng thu nhập của cả hai vào khoảng 40 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi tiêu và biếu bố mẹ hai bên, họ còn khoảng 23 triệu đồng, vừa đủ trả nợ gốc và lãi hàng tháng.

Tuy nhiên, đầu năm nay, chị Ngân nghỉ việc, nguồn thu nhập chính chỉ còn đến từ chồng. Trong thời gian tìm việc mới, chị chuyển sang bán hàng online, mỗi tháng kiếm thêm khoảng 5 triệu đồng. Sau khi trừ sinh hoạt phí, gia đình còn dư lại khoảng 15-17 triệu đồng/tháng.

May mắn, vợ chồng chị được vay theo gói hỗ trợ dành cho người dưới 35 tuổi, được ân hạn nợ gốc trong 3 năm đầu, nên chỉ trả lãi.

“Tôi phải tính toán rất kỹ, có tháng hụt thì mượn bạn bè hoặc xin họ hàng trả trễ. Giờ sinh thêm con cũng phải đắn đo. Sắp tới, tôi phải tìm thêm việc làm để chuẩn bị trả cả nợ gốc. Tôi lo lắm”, chị Ngân trải lòng.

vay no mua nha anh 3

H.T. quyết định vay ngân hàng 2,2 tỷ đồng để mua nhà vào năm 2024. Ảnh: NVCC.

Là người trẻ ấp ủ giấc mơ an cư, H.T. (29 tuổi, làm trong ngành truyền thông tại Hà Nội) dành toàn bộ tiền tiết kiệm từ thời sinh viên đến khi đi làm để mua căn hộ 57 m2 với giá 3,2 tỷ đồng vào tháng 4/2024. Anh vay ngân hàng hơn 2,2 tỷ đồng, tương đương 70% giá trị căn nhà, theo hình thức trả góp cả gốc và lãi trong 20 năm, với lãi suất 9%/năm.

Khi đó, tổng thu nhập mỗi tháng của T. khoảng 35 triệu đồng, gồm 18 triệu từ công việc chính và 17 triệu từ các dự án tự do (freelance). Nhờ hồ sơ tín dụng tốt và gói vay ưu đãi từ ngân hàng liên kết dự án, anh được duyệt vay nhanh chóng.

“Giá nhà thì ngày càng tăng, không mua thì làm sao an cư lập nghiệp. Có nhà rồi, tôi thấy yên tâm và có thêm động lực để làm việc”, anh nói.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các dự án freelance giảm mạnh. Dù mức lương chính tăng nhẹ 10%, tổng thu nhập hiện tại của T. chỉ còn 27 triệu đồng/tháng. Sau chi tiêu và gửi tiền về quê cho bố mẹ, anh còn lại khoảng 18 triệu đồng, vừa đủ để trả lãi ngân hàng.

Cuộc sống của T. gần như bị đảo lộn khi khoản nợ gốc hơn 9 triệu đồng mỗi tháng bắt đầu đến hạn, khiến thu nhập không còn đủ để chi trả cả gốc lẫn lãi.

“Tôi không dám tiêu xài phung phí hay tụ tập bạn bè. Việc thiếu trước, hụt sau khiến tôi phải tạm thời bán bớt một số danh mục cổ phiếu để trả nợ. Giờ phải gồng gánh qua ngày, tôi đang tích cực tìm kiếm thêm các dự án mới để sớm ổn định”, anh tâm sự.

Đừng làm việc quá sức

Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.

Chàng trai TP.HCM tặng trái cây cho bộ đội đi qua đường gây bão mạng

Gặp đoàn bộ đội còn làm việc vào buổi tối, Mai Văn Lập liền mua trái cây tặng. Hành động của anh được nhiều người khen ngợi.

Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm