Sau Thế chiến 2, quân đội Mỹ đã chọn quần đảo Marshall ở Tây Thái Bình Dương với dân số khoảng 52.000 người là nơi thử nghiệm bom hạt nhân. Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ đã ném khoảng 67 bom hạt nhân xuống quần đảo này. Đảo Bikini xinh đẹp thành vùng đất chết. |
Theo CNN, nghiên cứu mới về ảnh hưởng của phóng tại hòn đảo này chỉ ra rằng mức độ phóng xạ ở nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Marshall cao hơn từ 10-1.000 lần so với các khu vực từng chịu thảm họa hạt nhân như Chernobyl (Ukraine) và Fukushima (Nhật Bản). Hơn 60 năm qua, quần đảo thiên đường vùng biển Thái Bình Dương đã lấy lại được vẻ đẹp vốn có, nhưng hậu quả từ vụ thử hạt nhân để lại nơi đây nhiều vết sẹo khó lành. |
Quần đảo Marshall được tạo thành chủ yếu từ những đảo san hô lớn nhỏ. Nơi đây mang vẻ đẹp của miền biển nhiệt đới. Các đảo như Rongelap và Utirik sở hữu rạn san hô trải dài, đủ hình thù, màu sắc. Trang CNN cho biết dân số của quần đảo Marshall năm 2018 khoảng hơn 75.000 người. |
Đảo Bikini xinh đẹp là nơi có mức độ phóng xạ cao nhất trong các khu vực được nghiên cứu. |
Sau khi cuộc thử nghiệm bom hạt nhân kết thúc, Mỹ đã cho xây dựng hố chôn các chất thải phóng xạ, lấp kín bằng mái vòm bê tông. Tuy nhiên, các chất thải này đang rò rỉ, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất sinh hoạt. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo người dân Marshall không nên sinh hoạt trên hòn đảo độc hại này. |
Hơn 6 thập kỷ trôi qua, người dân Marshall vẫn phải gánh chịu nhiều hậu quả từ vụ thử hạt nhân kinh hoàng. Trẻ em sinh ra bị dị tật, số người qua đời vì ung thư vẫn gia tăng. Ngày nay, cuộc sống của người dân Marshall vẫn phải sống chung với những nguy hiểm rình rập từ các chất phóng xạ. |
Hiện, gần một nửa dân số quần đảo Marshall sống tập trung tại khu đô thị chính Majuro khiến thành phố này trở nên chật chội. Mặc dù nổi tiếng là quần đảo bị nhiễm phóng xạ, Marshall vẫn mở cửa du lịch. Hiện, những tour du lịch đến Marshall chủ yếu tập trung vào các địa điểm ở Majuro. |