“Gương trời” trên núi
Buổi sớm, nắng ban mai xiên qua lớp sương mỏng ánh lên những tia lấp lánh, lúc này mặt hồ Cấm Sơn giống như một chiếc "gương trời” khổng lồ giữa núi rừng thơ mộng. Chưa năm nào mực nước hồ dâng cao như năm nay, bởi vậy mà vẻ đẹp của miền sông hồ, núi rừng nơi đây càng trở nên quyến rũ và có sức hút mạnh mẽ. Giữa lồng lộng gió hồ, những đoàn thuyền đánh cá hối hả ngược xuôi, tạo nên vẻ đẹp hữu tình của miền thiên nhiên hoang sơ.
Hoàng hôn trên hồ Cấm Sơn. |
Anh Vi Văn Đương, dân tộc Nùng ở làng Mấn, xã Tân Sơn là "thuyền trưởng” đưa chúng tôi một vòng quanh hồ, vừa đi vừa ngân nga nhạc phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc...”. Anh kể, bấy lâu nay, người dân các xã Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn, Tân Sơn coi nguồn thủy sinh ở hồ Cấm Sơn là một phần quan trọng của cuộc sống. Hầu hết các gia đình tại đây đều có lưới vương, lưới chùm, vó, rọ tôm, thuyền nan, thuyền máy và cần câu cá.
Nhà ít thì đánh bắt đủ cá tôm cải thiện bữa ăn, còn hộ nhiều thì đánh bắt quanh năm để kiếm kế mưu sinh. Sinh ra và lớn lên giữa vùng đất này nên anh thông thạo từng ngõ ngách trên núi, dưới hồ, biết cả những câu chuyện dân gian huyền bí của đồng bào dân tộc nơi đây như sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, đảo Lăn Lóc... những địa danh du khách sẽ khó quên dù chỉ một lần đến nơi này.
Lòng hồ Cấm Sơn bao la cho cá tôm nhiều, vào những đêm trở trời, mỗi chiếc vó có thể bắt được vài chục cân cá tôm mỗi mẻ, có con nặng 20 - 30 kg. Cá tôm tươi ngon còn là yếu tố không thể thiếu khi đi du lịch Cấm Sơn. Du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống từ thuỷ sản ở hồ do những người dân bản địa chế biến....
Cảnh Cấm Sơn mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng. Trong lòng hồ là hàng trăm đảo lớn nhỏ, vào mùa khô, những bãi bồi nặng đầy phù sa được tận dụng trồng ngô, hoa màu, tạo thành một dải nương bãi xanh mướt. Mùa mưa nước dâng, lênh đênh giữa mặt hồ bao la ra các đảo mới thấy đất trời nơi đây thật mênh mang.
Điểm đến trong tương lai
Cấm Sơn là một trong những hồ nhân tạo lớn ở miền Bắc, quanh đó là những nếp nhà của đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Chí với đa sắc màu văn hoá, cùng các phiên chợ vùng cao đầy nắng, gió và mây… Đây là điều kiện thích hợp phát triển các hình thức du lịch như bơi thuyền, leo núi, câu cá, nghỉ dưỡng…
Giải thích về mực nước hồ dâng cao, anh Đương bảo, một phần do mấy năm nay lượng mưa nhiều, mặt khác nghe đâu ngành chức năng đang tích nước để phục vụ dự án phát triển du lịch. Chàng trai người Nùng hy vọng, biết đâu lúc ấy anh sẽ không phải vất vả với nghề đánh cá, mà chuyển sang làm dịch vụ đưa khách du lịch chơi quanh hồ bằng thuyền.
Được biết từ năm 1992 đến 1998, khu vực quanh hồ Cấm Sơn được dự án CARE (Úc) đầu tư trồng rừng phòng hộ, diện tích cây xanh đã được phủ kín. Tỉnh Bắc Giang sẽ có chính sách ưu đãi đầu tư về thuê đất, mặt nước, thuế và tài chính, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, bảo đảm an ninh trật tự cho các nhà đầu tư vào khu du lịch này. Vùng hồ Cấm Sơn giàu tiềm năng cho phát triển du lịch nhưng cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ ở đây còn thiếu. Kinh phí dành cho xúc tiến quảng bá du lịch hạn chế nên chưa nhiều du khách đến với nơi này.
Theo ông La Văn Nam, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Lục Ngạn, với diện tích rộng, lại nằm trên cao, xung quanh là rừng, khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại hồ Cấm Sơn.
Trước mắt huyện Lục Ngạn sẽ kêu gọi, thu hút các dự án du lịch đầu tư vào vùng Cấm Sơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Hy vọng, trong tương lai không xa, Cấm Sơn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá vùng đất, con người Bắc Giang.