Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Về miền lũ thưởng thức cá linh nhúng giấm

Miền Tây hơi khác các vùng miền ở chỗ người dân nơi đây sẽ buồn nếu đến mùa lũ mà không thấy lũ về.

Lũ như người bạn thân thiết, ai cũng reo hò chào đón. Nếu nghe qua mà chưa tin, bạn cứ đến nơi đây một lần sẽ biết.

Về thăm miền Tây mùa lũ mà quên thưởng thức cảnh đồng quê, sông nước và ăn món đặc sản thì coi như chuyến đi đó đã phí công. Đó là món cá linh nhúng giấm bông điên điển. Vị chua thanh của giấm, ngọt thơm của cá, giòn tan và màu vàng của bông điên điển sẽ để lại những dư âm mà khó ai có thể quên được.

Món này gọi là đặc sản, bởi vào mùa lũ mới có, phải ăn những ngày đầu mùa. Lúc ấy, cá linh theo con nước từ đầu nguồn lội về, nhiều nhất là ở vùng Hồng Ngự của Đồng Tháp và An Giang. Đầu mùa, cá linh non, ăn ngon và béo, do đó giá cao, khoảng 100.000 đồng một kg. Nếu chuyển về các thành phố, giá tăng gấp hai.

Cá linh nhúng giấm phải ăn chung với bông điên điển, bông súng ma mới chất. Cái chất ở đây chính là cách chế biến món ăn và ngoại cảnh. Đây là điều không thể thiếu để làm nên hương vị của món ăn. Tôi có thể dám chắc, nếu đem đến nơi khác ăn, hương vị  sẽ giảm dần. Chính vì điều này mà đã đưa bao du khách ghé lại miền Tây mùa lũ.


Con cá linh đầu mùa được gọi là cá linh non, có nhiều vảy, màu trắng, được xem là tính hiền, ít xương. Khi ăn có thể ăn luôn cả xương cá (chỉ cá linh non thôi). Những người dân nơi đây đã quá quen với loài cá giúp họ phát triển kinh tế, nên có thể nói cá linh là bạn của người nông dân miền lũ. Loài cá này không sống trong môi trường nước lâu sẽ chết, nên phải rất lưu ý khi vận chuyển.

Cá này có nhiều cách chế biến như chiên bột, nướng, nấu canh chua, nhưng phải ăn giấm mới ngon, đúng điệu với dân miền Tây. Cá không cần đánh vảy, chỉ cần bỏ vào cái rổ tre chà nhẹ là được, sau đó móc ruột ra, ướp gia vị gồm chút muối, đường, bột ngọt, tiêu và tỏi băm.

Quan trọng nhất là nước giấm - phải là giấm nhà nuôi, không phải giấm hóa học mới ngon. Có người dùng xương hầm lấy nước ngọt, pha chung với giấm; hoặc có người dùng giấm nguyên chất không pha gì cả. Điều này tùy vào sở thích nhưng phải làm sao nước dùng có độ chua thanh, ngọt và thơm. Để món ăn này thêm phần hấp dẫn, người ta có thể cho vào đó tỏi băm đã phi vàng và một ít tỏi sống băm. Khi đó nồi nước dùng sẽ đậm đà, thơm ngon hơn.


Món này ăn với bông điên điển và bông súng ma, tăng hương vị cho món ăn. Hai loại rau ăn kèm này chỉ có vào mùa nước nổi. Bơi xuồng ra đồng, bạn sẽ thấy sắc vàng của bông điên điển rợp in hình dưới mặt nước.

Bông súng ma là bông súng tự mọc, thân dài khoảng 1 m, mọc sâu dưới nước, là họ nhà sen. Rửa bông điên điển, tước vỏ ngoài bông súng, cắt khúc khoảng 10 cm, có thể ăn kèm với rau muống.

Cá linh cho vào nồi nước dùng đang sôi, cho các loại rau vào. Cá linh chỉ vừa chín tới mới giữ được độ ngọt. Vị ngọt của cá, vị giòn của bông điên điển, bông súng, chất chua thanh của giấm, vị cay cay của ớt, tiêu quyện thành một mùi hương khó quên.

Ăn món này đặc sắc nhất là ở giữa đồng không, trên chiếc xuồng mặc cho trôi theo gió. Gió thổi vi vu, cảnh hữu tình lại thêm vài câu vọng cổ ngân lên thì có thể nói tuyệt vời hơn cả những kỳ quan lạc thú.

Có nên đi Tiền Giang ăn lẩu cá linh bông điên điển?

Chào các bạn, mình chỉ được nghỉ ngày chủ nhật mà muốn đi miền Tây ăn lẩu cá linh mùa nước nổi.

Bài vả ảnh: Độc giả Phạm Quang Mỹ

Bạn có thể quan tâm