Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Về nghỉ lễ, người trẻ Trung Quốc sợ bị giục cưới, hỏi lương

Năm nay, kỳ nghỉ Quốc khánh ở Trung Quốc kéo dài 8 ngày. Nhiều người trẻ háo hức vì có dịp về quê nghỉ ngơi song cũng mang nỗi lo bị giục cưới, hỏi chuyện công việc, tiền lương.

Năm nay, nhiều người trẻ tại Trung Quốc hào hứng vì dịp Quốc khánh và Trung Thu trùng nhau, lại được nghỉ 8 ngày. Bên cạnh đó, do tình hình bệnh dịch nên nhiều người đã lâu không về thăm nhà, nhân dịp này mới được đoàn viên.

Tuy nhiên, không ít người cũng mang nỗi lo đối mặt với những vấn đề quen thuộc khi về quê như phải tham gia các cuộc họp mặt, bị sắp xếp đi xem mắt hay gặng hỏi về tiền lương, công việc. Trong đó, “bao giờ kết hôn?” được xem là câu hỏi gây ám ảnh nhất, theo Chinanews.

“Khi tôi gọi điện báo sẽ về nghỉ lễ, mẹ tôi hỏi luôn là có đưa bạn gái về cùng không. Lần nào cũng vậy, điều này khiến tôi khá khó chịu”, ZhengHua (24 tuổi) cho biết.

Đi làm xa rất nhớ nhà nhưng hễ về đến là ZhengHua lại dành phần lớn thời gian ở ngoài chơi để tránh bị họ hàng gặng hỏi những câu khó trả lời hoặc ép đi xem mắt.

nguoi tre Trung Quoc so ket hon anh 1

ZhengHua không thích dành thời gian ở nhà khi về nghỉ lễ vì sợ gặp họ hàng, bị hỏi khó.

Đối với YuLin (25 tuổi), trước khi về nhà nghỉ lễ, cô thường phải bàn cách "ứng phó" trước với bạn bè.

“Tôi thường dặn trước bạn bè, bất cứ lúc nào thấy tôi phát tín hiệu, họ sẽ nhắn tin hoặc gọi điện cho tôi để tôi lấy cớ thoát khỏi tình huống khó xử”.

Trong khi đó, phần lớn bạn trẻ cho biết họ không trả lời hoặc đánh trống lảng, kiếm cớ rời đi để tránh cãi vã. Thậm chí, một số chọn cách không về nhà vào dịp lễ.

Sợ cưới

Hiện nay, giới trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ 9X gặp áp lực lớn trong chuyện kết hôn. Không chỉ đơn giản là bị gia đình thúc cưới, nhiều người còn phải tậu nhà, mua xe mới có thể lập gia đình.

Theo thống kê của Douban, tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc trong năm nay khoảng 20% đến 72% tùy theo từng tỉnh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuyện các cặp vợ chồng "đường ai nấy đi" là cưới nhanh, cưới vội vì bị gia đình giục hoặc thúc ép.

Cách đây không lâu, cặp vợ chồng họ Tiêu (cùng 26 tuổi) cãi nhau ngay trên một chương trình của Đài truyền hình Hồ Bắc, phải nhờ chuyên gia khuyên giải mới bình tĩnh lại.

Cả hai chia sẻ thời gian 2 năm quen biết nhau cũng chính là 2 năm kết hôn. Đối với họ, cuộc sống hôn nhân là địa ngục và biết rằng người kia không hề có tình cảm với mình.

nguoi tre Trung Quoc so ket hon anh 2

Kết hôn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ Trung Quốc.

Khi được hỏi lý do quyết định về chung một nhà, người vợ cho biết vì gia đình thúc ép. Bố mẹ luôn nói cô đã lớn tuổi, phải nhanh lấy chồng. Lâu dần, chính cô cũng bị lý lẽ đó thuyết phục, chấp nhận kết hôn với người phụ huynh chỉ định.

Bên nhau 2 năm nhưng cặp vợ chồng chưa từng nắm tay. Dù đã cố gắng hòa hợp, cả hai vẫn không thể tìm tiếng nói chung.

Thực tế, tại Trung Quốc, nhiều người chỉ vì không thể chịu được việc bị giục cưới và ép đi xem mắt mà đồng ý kết hôn “bừa” một người nào đó thậm chí tìm đến cách giải quyết tiêu cực.

Tháng 9/2019, một chàng trai sinh năm 1993 tại Trịnh Châu đã tự sát sau khi bị gia đình giục cưới đến không thể chịu nổi. Sự việc từng thu hút sự chú ý lớn của truyền thông. Nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ "ép cưới, thúc cưới" là nỗi ám ảnh của mình từ khi tốt nghiệp đại học.

Có bằng chứng bị bạo hành, phụ nữ Trung Quốc vẫn khó ly hôn

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự tắc trách của cán bộ ngành hay luật lệ lỏng lẻo khiến nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình ở Trung Quốc đã khổ càng thêm khó.

Quỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm